Chuyển dịch từ công nghiệp

GIA KHANG 18/01/2022 07:27

Sau 25 năm tái lập tỉnh, nhiều khu công nghiệp được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Nhiều lao động có việc làm ổn định tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: V.LỘC
Nhiều lao động có việc làm ổn định tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: V.LỘC

Gắn bó với môi trường công nghiệp

Năm 2004, Lâm Thị Thành (xã Tam Dân, Phú Ninh) rời quê xuống Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) làm công nhân cho Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đức Hạt - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam giai đoạn 1997 - 2001, nhìn lại chặng đường 25 năm sau ngày tái lập tỉnh, phát triển công nghiệp của Quảng Nam rất đáng tự hào. Mặc dù nông nghiệp cũng đóng vai trò nền tảng nhưng để đi nhanh, làm đòn bẩy phát triển kinh tế thì chỉ có công nghiệp. Đó cũng là lý do vì sao sau ngày tái lập, tỉnh chủ trương xây dựng KCN Điện Nam - Điện Ngọc trở thành KCN đầu tiên của tỉnh được nhiều người ủng hộ và tiếp đến là Khu kinh tế mở Chu Lai, qua đó tạo động lực và cơ sở cho sự phát triển nhiều KCN sau này.

Gần 20 năm gắn bó, chị Thành được công ty tín nhiệm giao chức quản đốc với mức thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Tại nơi này, chị đã gặp được chồng mình, cuộc sống gia đình ấm êm, hạnh phúc.

“Làm việc tại KCN thu nhập tuy không nhiều nhưng cũng không đến mức thiếu thốn, nói chung đủ sống nuôi con cái, với tôi như vậy là mãn nguyện rồi” - chị Thành chia sẻ.

Bây giờ Điện Bàn đã trở thành quê hương của gia đình chị, những đứa con chị Thành cũng đã lớn khôn trên mảnh đất này.

Sau 25 năm tái lập tỉnh, đã có hàng trăm nghìn lượt lao động như chị Thành rời quê vào làm việc tại các phân xưởng, nhà máy, trở thành những công nhân có chuyên môn và tay nghề với mức thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, các KCN đóng vai trò rất lớn trong giải quyết việc làm cho người dân, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, đa số lao động Quảng Nam phải vào miền Nam tìm việc thì nay nhiều người ở lại quê làm trong các KCN gần nhà.

Bình quân mỗi năm các cơ sở đào tạo nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH cung cấp cho các KCN trên địa bàn tỉnh hơn 10 nghìn lao động. Không chỉ dạy nghề, nhiều lao động được trang bị những kỹ năng, tác phong công nghiệp, qua đó giúp thay đổi thói quen cho những công nhân vốn xuất thân từ nông dân, lao động tự do thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn.

Động lực phát triển kinh tế

Đến cuối năm 2021, Quảng Nam có 2 khu kinh tế (Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang) và 13 KCN với 225 dự án (75 dự án đầu tư nước ngoài), tổng vốn đăng ký hơn 75 nghìn tỷ đồng.

 

Tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong các khu kinh tế, KCN đạt 843 triệu USD. 3 năm gần đây trung bình mỗi năm các KCN đã đóng góp ngân sách nhà nước 13 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 61.000 lao động.

Sau 25 năm tái lập tỉnh, có thể khẳng định các KCN đã tạo cú hích quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giúp kinh tế Quảng Nam tăng trưởng ổn định.

Theo ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh, một trong những đóng góp của các KCN là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động phổ thông.

“Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư đã được tháo gỡ. Đặc biệt, thông qua việc đẩy mạnh các giải pháp chiến lược về cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, môi trường đầu tư cũng thay đổi rõ nét, từ đó thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh” - ông Thương nói.

Thực tế, từ nhiều năm qua việc kêu gọi đầu tư vào KCN luôn được tỉnh quan tâm với nhiều văn bản, nghị quyết được ban hành nhằm thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Nổi bật, có thể kể đến Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy về định hướng phát triển vùng Đông Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung phát triển các nhóm dự án như ô tô và cơ khí đa dụng; nhóm các KCN và KCN công nghệ cao; nhóm cảng biển và logistics Chu Lai…

Ngoài ra, việc lập danh mục dự án triển khai, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư các dự án khu đô thị, KCN sinh thái cũng đang được tỉnh xúc tiến, hứa hẹn trong giai đoạn tới sẽ thu hút được các nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án trọng điểm, góp phần đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển dịch từ công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO