Chuyển động công nghiệp sạch

QUỐC TUẤN 21/06/2021 10:42

Phát triển sản xuất hướng đến công nghiệp công nghệ cao, giảm thiểu tác động đến môi trường gắn với thúc đẩy đô thị hóa, thương mại - dịch vụ là điều cần thiết cho khu vực động lực phía bắc Quảng Nam. Và bước đầu đã có chuyển động trong thực tiễn. 

Cần nhiều hơn các doanh nghiệp sản xuất hiệu quả, ít tác động đến môi trường và đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: Q.T
Cần nhiều hơn các doanh nghiệp sản xuất hiệu quả, ít tác động đến môi trường và đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: Q.T

Khắc phục hạn chế

Ba địa phương Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên được xác định là vùng động lực phía bắc của tỉnh với lợi thế đặc thù về phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Năm 2020, dù gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của ba địa phương trên vẫn đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đạt khoảng 10,2 nghìn tỷ đồng.

Trước đây, do yếu tố sản xuất truyền thống cộng với hạn chế về tầm nhìn khi thu hút đầu tư, đã “tạo nền móng” cho nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch - dịch vụ ở khu vực nội thị TP.Hội An, khu vực đô thị vùng đông Điện Bàn.

Trong năm 2020, TP.Hội An đã tổ chức di dời 29 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị vào Cụm công nghiệp Thanh Hà. Nhà máy thép Việt - Pháp cũng đã được di dời khỏi phường Điện Nam Đông. Trong khi đó, lãnh đạo Sở TN-MT cũng đề xuất không gia hạn cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại phường Điện Dương khi hết thời hạn giao đất.

Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên thông tin, trong giai đoạn 2015 - 2020 huyện đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ dịch vụ - nông nghiệp sang dịch vụ - công nghiệp. Duy Xuyên cũng đã phát triển công nghiệp đồng đều hơn ở cả ba vùng đông, trung, tây thay vì chỉ tập trung ở vùng trung tâm như trước.  

Bắt nhịp xu thế

Trong xu thế chung của tỉnh là không thu hút các dự án tác động tiêu cực đến môi trường, việc phát triển công nghiệp ở cụm động lực phía bắc còn cần chú trọng đến việc gắn với thúc đẩy đô thị hóa, phục vụ phát triển du lịch - dịch vụ.

Lâu nay, hơn 10% diện tích đất Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc được bố trí trồng cây xanh giảm bụi, tiếng ồn. Tháng 12.2020, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã tặng 1.000 cây sao đen để thiết lập vệt cây xanh cho Cụm công nghiệp Thanh Hà (TP.Hội An). 

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, Cụm công nghiệp Thanh Hà hiện còn khoảng 7ha và sắp tới thành phố chủ trương không chuyển cơ sở sản xuất gây ô nhiễm về đó nữa bởi không tạo ra hiệu quả trong tương lai, mà dành quỹ đất này để thu hút các dự án có hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng tạo ra lớn và đóng góp tốt cho ngân sách địa phương.

Còn theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, tại Cụm công nghiệp Thanh Hà đã có doanh nghiệp kết nối tiêu thụ, chế biến sâu nông sản của nông dân địa phương để tạo ra đặc sản phục vụ du lịch. Thành phố đang khuyến khích nông dân mở rộng vùng sản xuất sạch phục vụ cho chuỗi sản xuất này thay vì tiêu thụ thô.

Với huyện Duy Xuyên, ông Nguyễn Công Dũng cho hay, những năm tới huyện xác định phát triển công nghiệp với mật độ vừa phải, tập trung vào việc nâng chất lượng sản phẩm gắn với phục vụ dịch vụ - du lịch ở vùng đông thay vì dàn trải các dự án với quy mô nhỏ lẻ.

Với Điện Bàn, vùng sản xuất công nghiệp chủ lực của khu vực phía bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, Điện Bàn cần làm rõ lộ trình di dời các cụm sản xuất nhỏ, rải rác rồi tập trung lại nếu muốn kết nối vào tuyến công nghiệp lớn dọc theo vệt đường Hồ Chí Minh mà tỉnh quy hoạch sau này, đấu nối với khu vực Hòa Khương (TP.Đà Nẵng) qua cầu Quảng Đà trong tương lai.

Đối với Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, sắp tới khi hết thời hạn cho các doanh nghiệp thuê đất thì cần định hướng chuyển đổi nơi đây thành khu công nghệ cao. Trong lòng đô thị vẫn cần phát triển công nghiệp, nhưng là công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, không ô nhiễm môi trường, giải quyết lao động tại chỗ, hạn chế di dân đến nơi khác. 

“Công nghiệp mà Điện Bàn hướng đến trong tương lai phải là công nghiệp số, công nghiệp công nghệ cao với thu nhập bình quân của công nhân phải lên đến vài chục triệu đồng một tháng. Chỉ khi phát triển loại hình này thì mới tạo ra sự gia tăng dân số cơ học cho thị xã, từ đó hình thành các khu đô thị sôi động” - ông Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển động công nghiệp sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO