Khát vọng liên kết công nghiệp Quảng Nam

VĨNH LỘC 20/12/2022 06:32

Liên kết phát triển công nghiệp dù đã được đặt ra từ lâu nhưng nhiều năm qua vẫn chỉ là khát vọng của Quảng Nam cũng như nhiều tỉnh, thành miền Trung. 

Liên kết công nghiệp với hạt nhân THACO sẽ giúp các doanh nghiệp miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng có thể xây dựng được ngành công nghiệp thực thụ. Ảnh: V.L
Liên kết công nghiệp với hạt nhân THACO sẽ giúp các doanh nghiệp miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng có thể xây dựng được ngành công nghiệp thực thụ. Ảnh: V.L

Đã đến lúc, vấn đề liên kết phát triển công nghiệp miền Trung nói chung và Quảng Nam với các tỉnh, thành nói riêng cần sự đột phá, hướng tới mục tiêu xây dựng một ngành công nghiệp toàn diện, bền vững.

Đây cũng là nội dung xuyên suốt tại Hội thảo “Thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và UBND tỉnh tổ chức vừa diễn ra cuối tuần qua tại TP.Tam Kỳ.

Thiếu liên kết rộng

Theo ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp với các cảng biển lớn, thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, đã hình thành được một số tổ hợp công nghiệp có quy mô rất lớn (như tổ hợp cơ khí - ô tô - công nghiệp hỗ trợ Chu Lai; tổ hợp sản xuất kim loại tại Dung Quất - Quảng Ngãi...). Tuy nhiên, suốt thời gian dài, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp tại miền Trung còn nhiều hạn chế.

Động lực tăng trưởng của vùng chưa đồng đều, tốc độ tăng trưởng công nghiệp chưa cao. Các ngành, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao chưa nhiều. Phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng vẫn chủ yếu do các địa phương tự phát, chưa có tính chất liên vùng để đẩy mạnh sự phát triển tương hỗ giữa các địa phương.

Tính đến năm 2022, Quảng Nam có hơn 900 doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo (chiếm 14%, đóng góp 58% việc làm và 21,3% về GRDP), phần lớn hoạt động trong các ngành cơ khí, chế biến gỗ, may mặc, chế biến thực phẩm… Cụ thể, có khoảng 200 doanh nghiệp dệt may, da giày, chiếm 14% số doanh nghiệp, tạo việc làm cho hơn một nửa lao động tại địa phương (57%). Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ kim loại có 174 doanh nghiệp (chiếm 4% về lao động). Cơ khí ô tô có 18 doanh nghiệp, tạo ra gần 6.000 việc làm, chiếm 6% về lao động. Ngoài ra, một số cụm ngành, chuỗi cung ứng tiềm năng như trồng rừng, chế biến gỗ, nội thất; nông lâm thủy sản, chế biến thực phẩm; kim loại cơ khí…

Hoạt động hợp tác hay liên kết kinh tế diễn ra trong phạm vi hẹp, chủ yếu giữa một số địa phương chứ chưa có những hoạt động liên kết trên diện rộng, nhất là các hợp tác để hình thành hệ thống mô hình liên kết ngành trong phát triển công nghiệp.

Chưa kể, các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có lợi thế so sánh tương đối giống nhau dẫn đến phần lớn có cơ cấu thu hút đầu tư tương tự và sản phẩm công nghiệp tương tự nên tạo sự cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương trong vùng.

Liên kết phát triển công nghiệp miền Trung là vấn đề đã được đặt ra từ lâu và đã triển khai thực hiện quyết liệt nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng.

Nhiều hội thảo, hội nghị cũng đã phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan. Dù vậy, việc thúc đẩy liên kết để tạo nên một sức bật mới trong khu vực miền Trung nói chung, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng vẫn còn là khát vọng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, miền Trung lâu nay được biết đến với sự liên kết trong lĩnh vực du lịch, đã xây dựng được thương hiệu con đường di sản, còn liên kết về công nghiệp vẫn đang là vấn đề các địa phương mong mỏi.

Mặc dù từ thời điểm tách tỉnh đến nay, Quảng Nam được đánh giá là một trong những địa phương đột phá bằng các cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư và sự đồng hành của các doanh nghiệp, trong đó có sự dẫn dắt của Tập đoàn THACO, đã giúp công nghiệp của Quảng Nam có những bước chuyển mình rất tích cực...

Vai trò đầu tàu THACO

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) cho rằng, muốn hình thành được liên kết công nghiệp nội vùng cũng như liên vùng, những điều kiện đầu tiên phải có là cơ sở hạ tầng công nghiệp (hạ tầng giao thông, logistics), có khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho doanh nghiệp vào đầu tư, hoạt động.

Đồng thời kết nối, liên kết vùng, hình thành các startup doanh nghiệp. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ngoài ra, có thể kể đến chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối kinh doanh phải hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào.

Đặc biệt, phải có doanh nghiệp dẫn đầu, và Quảng Nam có lợi thế rất lớn là Tập đoàn THACO, nếu THACO còn phát triển thì chuỗi cung ứng, hệ sinh thái xung quanh THACO còn phát triển. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cùng chuỗi hoặc cùng lĩnh vực THACO phát triển.

Liên kết công nghiệp với hạt nhân THACO sẽ giúp các doanh nghiệp miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng có thể xây dựng được ngành công nghiệp thực thụ. Ảnh: V.L
Liên kết công nghiệp với hạt nhân THACO sẽ giúp các doanh nghiệp miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng có thể xây dựng được ngành công nghiệp thực thụ. Ảnh: V.L

Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO, xây dựng nền công nghiệp tự chủ là một khát vọng, mong muốn của đất nước từ nhiều năm trước đây. Trong đó, tính tự chủ của một ngành công nghiệp chính là việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Để phát triển được ngành công nghiệp chế tạo, đầu tiên phải phát triển ngành gia công cơ khí và sản xuất các linh kiện, phụ kiện liên quan đến kim loại, cơ khí. Mọi thứ phải bắt đầu từ gia công. Từ gia công chúng ta sẽ làm tiếp các sản phẩm, linh kiện, phụ tùng để cung ứng với chất lượng đảm bảo, giá thành rẻ hơn.

Ông Dương khẳng định, với sứ mệnh và tâm huyết, THACO cam kết sẽ chịu trách nhiệm vai trò cung cấp tất cả những gì mà trong gia công cơ khí cần.

“Các doanh nghiệp cần máy móc thiết bị gì thì liên hệ chúng tôi, chúng tôi cam kết sẽ gia công theo yêu cầu và đảm bảo sở hữu trí tuệ cho khách hàng. Chúng tôi rất mong muốn các tỉnh miền Trung hãy có những đầu mối doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với chúng tôi, chúng tôi hứa sẽ hỗ trợ trên tinh thần tạo dựng được một số ngành công nghiệp cơ khí chế tạo để tham gia xây dựng ngành công nghiệp thực thụ” - ông Dương quả quyết.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, UBND tỉnh và THACO đã thống nhất tạo lập một hệ sinh thái phát triển công nghiệp, trong đó xây dựng cơ chế cụm liên kết ngành sản xuất cơ khí ô tô mà THACO đóng vai trò hạt nhân.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã đề xuất các bộ, ngành và Chính phủ về việc cho phép xây dựng đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ chương.

Việc xây dựng đề án trên được đánh giá phù hợp bởi THACO đã và đang trở thành hạt nhân có sức hấp dẫn lớn trong liên kết, đóng vai trò cực kỳ quan trọng để hình thành và dẫn dắt các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất vệ tinh.

Hiện, THACO có 36 nhà máy cơ khí công nghiệp hỗ trợ, là đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô hàng đầu Việt Nam với máy móc, thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. THACO đã tham gia sâu, rộng trong chuỗi giá trị ngành cơ khí, ô tô tại Việt Nam và thị trường thế giới.

Ngoài ra, Quảng Nam cũng đã quy hoạch và đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng đồng bộ, đa dạng như cảng biển container gắn với chuỗi kho lạnh, luồng có trọng tải trên 5 vạn tấn, sân bay Chu Lai, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy… đảm bảo kết nối liên vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khát vọng liên kết công nghiệp Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO