Khi doanh nghiệp (DN) thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ, đòi hỏi người lao động (LĐ) cũng phải thay đổi, nâng cao trình độ, tay nghề để đáp ứng yêu cầu, nếu không sẽ phải chấp nhận bị đào thải.
Năm 2016 tốt nghiệp trung cấp nghề điện tử, anh Hoàng Đình Thảo (xã Tiên Lập, Tiên Phước) được nhận vào làm công nhân kỹ thuật tại một công ty chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử xuất khẩu ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Núi Thành). Lúc đầu tiếp cận với dây chuyền sản xuất anh gặp khó khăn vì kiến thức học ở trường khác với việc ứng dụng vào thực tiễn; nhưng với sự hỗ trợ của kỹ thuật viên, anh nắm bắt được các thao tác và dần quen với công việc.
Tuy nhiên, sau 3 năm ổn định với công việc, đến đầu năm 2019 công ty đổi mới công nghệ sản xuất với dây chuyền tiên tiến hơn, anh Thảo cùng với 2 người khác phải nằm trong diện “tinh giản” nhân công. Công ty đưa ra cho anh lựa chọn hoặc chuyển sang vị trí làm việc ở kho thay vì đứng máy, hoặc chấp nhận nghỉ việc. “Chuyển sang làm ở bộ phận kho hàng thì lương thấp hơn, không đủ lo cho gia đình nên tôi xin nghỉ việc, về quê làm rừng chủ yếu” - anh Thảo tâm sự.
Nâng cao trình độ nghề nghiệp
Áp lực hội nhập đối với người LĐ là vô cùng lớn, bản thân họ phải tự học hỏi để nâng cao trình độ tay nghề đối với nhóm ngành nghề kỹ thuật. Đối với nhóm ngành nghề dịch vụ, du lịch, hiện nay tỉnh có rất nhiều dự án đã và đang được DN đầu tư. LĐ bắt buộc phải học để nâng cao trình độ giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ... để được tuyển dụng vào làm việc trong những khách sạn, nhà hàng, khu nghĩ dưỡng cao cấp.
Tư duy tuyển dụng của DN cũng đã thay đổi, không còn chú trọng vào bằng cấp mà dựa vào trình độ tay nghề, khả năng ngoại ngữ, cách ứng xử, giao tiếp trong công việc, thái độ đối với công việc. Những yếu tố đó, các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp chỉ có thể đào tạo một phần nào, còn tựu chung phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân LĐ. Điều này khiến nhiều LĐ phải tự học, tự nâng cao trình độ năng lực của bản thân nếu không muốn bị đào thải trong xu thế phát triển như hiện nay.
Tốt nghiệp trung cấp nghề, nhưng từ khi vào làm việc ở Công ty TNHH Premo Việt Nam (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), anh Lê Doãn Tùng phải không ngừng tự học hỏi để nâng cao trình độ tay nghề. Anh Tùng cho biết, đã học trung cấp nghề điện - điện tử, nhưng những gì học ở trường chỉ là kiến thức cơ bản, chỉ giúp được một phần rất nhỏ trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Khi mới bước vào công việc này, anh gặp nhiều khó khăn bởi mọi thứ đều mới, không như lúc học ở trường. Nhưng nhờ bộ phận kỹ thuật của công ty đã dành khoảng thời gian hơn một tháng để đào tạo cho các anh những gì cần. Mỗi người mỗi công đoạn, còn khi học thì học tất tần tật, học không thiếu thứ gì liên quan đến điện - điện tử. Vào làm việc, anh được đào tạo chuyên môn hóa trong công việc của mình, tưởng như việc mình không liên quan gì đến ai nhưng không, mình là một mắc xích trong một dây chuyền liên tục.
“Chúng tôi cũng được học về kỹ năng giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm đối với công việc của mình khi làm việc trong một tập thể. Nếu không chịu khó học hỏi, công việc với yêu cầu cao về kỹ thuật sẽ dễ dàng đánh gục những người không chịu khó. Thế nên mỗi ngày đối với tôi đều phải học cái mới, tự nâng cao trình độ tay nghề của mình qua công việc thực tế đang làm” - anh Tùng chia sẻ.
Không thể thiếu kỹ năng
Du lịch - dịch vụ là ngành đang phát triển mạnh của tỉnh, với nhiều dự án đã và đang đầu tư. Kỹ năng của mỗi người LĐ trong lĩnh vực này không chỉ là tay nghề, mà còn ở trình độ giao tiếp, ngoại ngữ, kỹ năng ứng xử, thái độ với công việc. Để có thể trụ vững với những nghề liên quan đến du lịch, dịch vụ, người LĐ phải được cọ xát, được học hỏi. Với nhiều người LĐ, vừa học vừa làm là cách học hỏi và là cơ hội tốt để họ có được vốn kinh nghiệm tốt sau khi tốt nghiệp để đi làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
Vũ Thị Thanh Châu (sinh năm 2000, TP.Hội An) từ nhỏ đã quen sống với môi trường dịch vụ, du lịch nên khá cởi mở và mạnh dạn. Tốt nghiệp lớp 12, xác định được con đường nghề nghiệp, Châu không đi học đại học mà chọn con đường học nghề du lịch để được cọ xát, được đi làm theo đúng sở thích và môi trường đang sống. Vừa học nghề, Châu vừa đi làm thêm trong một resort ở Hội An. Với vốn tiếng Anh đã có, Châu học thêm các kỹ năng giao tiếp, ứng xử để hòa nhập tốt hơn với công việc.
“Chính thái độ của người nhân viên khiến khách hài lòng hay không, nên tôi phải học từng cử chỉ, lời nói. Khi du khách hài lòng về thái độ phục vụ của nơi lưu trú quyết định phần lớn đến việc khách có vui vẻ và quay lại nghỉ dưỡng ở một thành phố, một đất nước hay không. Tôi đã học được điều này khi đi làm, đó không chỉ là thái độ của riêng một nhân viên, một nhà hàng, khách sạn mà còn là văn hóa của xứ sở nữa” - Châu nói.
Năm 2018, Đặng Thị Hiệp (sinh năm 2000, huyện Phú Ninh) đăng ký học nghề Quản trị khách sạn ở Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam. Chỉ mới học nghề năm đầu tiên, Hiệp được thầy cô quan tâm và giới thiệu đi làm thêm ngoài giờ học ở một khách sạn 3 sao tại TP. Hội An. Được đi làm thêm đúng với ngành nghề đang học, Hiệp cần mẫn vừa học vừa làm, học để có kiến thức đi làm, đi làm để bổ trợ các kỹ năng mềm đang cần.
“Hiện tôi đang làm ở vị trí nhân viên phục vụ, nhưng khách sạn toàn khách nước ngoài nên tôi phải học hỏi, trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, thái độ giao tiếp sao cho vừa lòng khách đến, đẹp lòng khách đi. Tôi đã học được cách quản lý, quan sát, điều hành nhân viên ra sao, học những kỹ năng mềm trong ứng xử thế nào. Nhờ có đi làm mà trình độ tiếng Anh của tôi cũng tốt hơn, trước kia học nhưng không dám mở chuyện, giờ tôi có thể nói chuyện với người nước ngoài, dù chưa thành thạo nhưng đã tốt hơn và tôi sẽ tiếp tục cố gắng” - Hiệp nói.
----------------
Bài 3: Thách thức và cơ hội