Công nhân lao động với an toàn giao thông

SÁU CÒI 24/05/2016 09:02

Nâng cao ý thức chấp hành và văn hóa giao thông trong công nhân lao động đang được các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… quan tâm. Bởi lực lượng lao động này hoạt động tập trung với số lượng lớn nên mỗi lần tan ca, việc ách tắc giao thông cục bộ hoặc tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều khu công nghiệp như Điện Nam - Điện Ngọc, Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Tam Thăng, nhiều cụm công nghiệp nằm rải rác tại Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn…  Thế nhưng, không phải nơi nào cũng có điều kiện xe đưa đón công nhân tập trung như ô tô Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Qua thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm trên địa bàn tỉnh có liên quan đến người lao động. Vẫn như mọi khi, hạ tầng giao thông chịu lỗi đầu tiên do chưa theo kịp tốc độ phát triển phương tiện, đặc biệt là những tuyến đường đi qua địa bàn các cụm, khu công nghiệp. Theo thống kê của ngành chức năng, tuyến ĐT607, đoạn chạy trước Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), quốc lộ 1 xuyên qua Núi Thành hay quốc lộ 14B hiện hữu ngay mặt tiền các cụm công nghiệp ở Đại Lộc… luôn là “điểm nóng” về tai nạn. Để tháo gỡ thực trạng “đường chật, người đông”, tỉnh ta đã nỗ lực xoay xở từ tài chính hạn hẹp để đầu tư nâng cấp, mở rộng được vài đoạn tuyến huyết mạch. Một số công ty, xí nghiệp khác thời gian qua đã chủ động phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người lao động. Có nhà máy trang bị miễn phí cho nhân viên mũ bảo hiểm đạt chất lượng, có in lô gô để tiện quảng bá tên tuổi lại dễ bề kiểm soát.

Tuy nhiên, số vụ tai nạn giảm thiểu chưa đúng kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là ý thức của người tham gia giao thông, nguy hiểm nhất là đoạn tuyến có lưu lượng xe cá nhân tăng cao. Sáu Còi cho rằng, để giảm thiểu hiệu quả vấn nạn này, các cấp cần tiếp tục huy động nguồn lực để mở rộng những đoạn tuyến tiếp cận các khu, cụm công nghiệp đã quá tải; lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát quanh khu vực nhạy cảm. Ngược lại, doanh nghiệp phải chủ động phối hợp, lồng ghép tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đồng thời yêu cầu nhân viên ký cam kết và phải hậu kiểm. Đặc thù công nhân chủ yếu xuất phát từ các tuyến đường xương cá, việc khuyến khích họ sử dụng xe buýt công cộng là chưa hợp lý (xe buýt đi qua tuyến đường trung tâm). Cho nên, chủ nhà máy, xí nghiệp có thể “liệu cơm gắp mắm” đầu tư ô tô riêng dùng đưa đón cho an toàn, đảm bảo hoạt động bền vững của đơn vị mình.

Để tìm ra giải pháp căn cơ, thiết nghĩ cần sự phối hợp giữa tổ chức Công đoàn với Ban An toàn giao thông ở một số địa phương, đơn vị thực sự đi vào chiều sâu. Liên đoàn Lao động các cấp cần chủ động phối hợp với Ban An toàn giao thông cùng cấp xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tổ chức Công đoàn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức cho người lao động ký cam kết và phát động các phong trào thi đua trong việc tham gia các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông và tuân thủ các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông… Ngoài sự ý thức của công nhân lao động là người trực tiếp tham gia giao thông, thời gian tới rất cần sự phối hợp giữa các ban, ngành đi vào chiều sâu mới mong có thể hạn chế tình trạng trên một cách hiệu quả.

SÁU CÒI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công nhân lao động với an toàn giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO