Đã 15 năm, những ngày cuối tháng 3 vừa qua tôi mới có dịp tái ngộ họ. Họ là những nông dân đầu tiên ở các ngôi làng xa xôi, nghèo khó của huyện Hiệp Đức được khoác lên mình bộ đồ công nhân cao su. Và nhờ sự chuyển biến đó, cuộc sống của họ ngày càng khấm khá, dẫu rằng với loại cây mà nhiều người hay gọi là “vàng trắng” ấy đã trải qua không ít thăng trầm…
Những cánh rừng cao su bạt ngàn ở Hiệp Đức đang mùa thay lá. Ảnh: VĂN SỰ |
1.Năm 2002, tốt nghiệp đại học, tôi xin về làm phóng viên thử việc tại Báo Quảng Nam. Được nhận vào tập sự mới vài ngày, từ Tam Kỳ tôi vượt hơn 80 cây số dưới cái nắng rát bỏng để lên thôn 6 (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) tìm hiểu tình hình sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hôm đó, tôi ghé thăm nhà vợ chồng anh Hồ Văn Thọ, dân tộc Ca Dong, khi kim đồng hồ đã chỉ 12 giờ trưa. Anh Thọ sinh năm 1976, lấy vợ lúc 21 tuổi, là chị Hồ Thị Thành trú cùng xã, nhỏ hơn anh 1 tuổi. Tổ ấm của vợ chồng anh lúc đó là mái nhà tạm bợ, rộng chừng mười mét vuông.
Khi tôi giương cái máy ảnh lên chụp, đứa con gái 4 tuổi và con trai 2 tuổi của anh Thọ nhìn thấy sợ quá, khóc thét. Anh Thọ bảo, cưới nhau được thời gian ngắn, vợ chồng ra ở riêng. Không có đồng vốn lận lưng nên để có hạt gạo nuôi con, ngoài 3 vạt lúa nước với diện tích khá khiêm tốn, ngày này qua tháng nọ vợ chồng anh phải vác rựa lên rừng làm rẫy. Tuy nhiên, thời điểm đó do nước tưới rất khó khăn, kỹ năng canh tác còn quá lạc hậu nên mùa màng thường thất bát. Vì vậy, lúc nào xã cấp phát gạo cứu đói hộ anh Thọ cũng có phần.
Cuối năm 1998, được tỉnh hỗ trợ nhiều mặt, ông Nguyễn Duy Phúc - lúc bấy giờ là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam quyết định đưa cây cao su về trồng khảo nghiệm tại Hiệp Đức. Đợt đầu tiên công ty triển khai trên 10ha đất đồi nằm sát ngôi làng nhỏ của anh Thọ. Được cán bộ của công ty tích cực vận động, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, anh Thọ mạnh dạn nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ 2,5ha cao su đại điền. Anh Thọ nói, từ ngày bám với vườn cao su, mỗi tháng anh kiếm được 2,5 triệu đồng tiền công. Nhờ vậy, những bữa ăn của gia đình thêm được phần cơm, bớt đi phần sắn…
Từ khi trở thành công nhân cao su, cuộc sống của gia đình anh Hồ Văn Thọ (thôn 6, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) khấm khá lên. Ảnh: VĂN SỰ |
2.Tôi quay lại vùng tây Hiệp Đức đúng mùa cao su thay lá. Ngồi nghỉ chân ven rừng cao su nằm sát quốc lộ 14E thuộc địa bàn xã Sông Trà, nhìn những chiếc lá vàng khô rơi lả tả sau cơn gió thoảng, tôi chợt nhớ lại khuôn mặt khắc khổ, sạm đen của anh Hồ Văn Thọ cách đây 15 năm. Cái bệnh nghề nghiệp buộc tôi chạy vào thăm vợ chồng Thọ, để biết cuộc sống của họ bây giờ ra sao. Từ Trạm Kiểm lâm địa bàn số 1 của Hạt Kiểm lâm Hiệp Đức, chạy xe máy theo con đường đất nhấp nhô và vượt mấy con dốc dựng đứng, tôi bước vào nhà anh Thọ khi đã 1 giờ chiều. Vợ chồng anh Thọ đang bữa cơm trưa, mâm cơm có thịt, có cá, có canh chua. Hỏi sao ăn trễ vậy, anh Thọ nói do cả buổi sáng phải ra vườn cạo mủ cao su và chở đi nhập kho cho cán bộ quản lý của nông trường rồi mới về đi chợ, nấu ăn. Theo lời anh Thọ, không riêng cái hôm tôi đến mà suốt 12 năm nay gần như bữa cơm trưa nào của vợ chồng anh cũng sau 1 giờ chiều. Nhìn quanh, tôi hỏi anh Thọ: “Chứ tụi nhỏ đi đâu hết?”. Anh Thọ cười giòn tan rồi nói: “Hồi trước anh ghé nhà, tôi có 2 đứa con, bé lớn 4 tuổi, thằng nhỏ 2 tuổi. Năm 2005, vợ chồng tôi sinh thêm thằng út. Bây giờ, con gái lớn đã lấy chồng là người Mơ Nông ở xã Phước Trà và mới sinh con đầu lòng cách đây hơn một tháng. Còn con trai giữa 17 tuổi và thằng con trai út 12 tuổi đi học ở trường nội trú, cuối tuần mới về”.
Dẫu cây cao su có nhiều thăng trầm, nhưng chung quy, chính nó đã giúp gia đình tôi làm một cuộc đổi đời. (Anh Hồ Văn Thọ, dân tộc Ca Dong) |
Hớp ngụm nước chè xanh, anh Thọ nói: “Sau 3 năm kể từ lần nhà báo đến thăm, đầu năm 2005 vườn cao su rộng 2,5ha do anh nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ chính thức được Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam đưa vào khai thác mủ. Và cũng từ thời điểm đó, anh trở thành công nhân cao su thực thụ”. Theo anh Thọ, những năm trước, giá mủ cao su ở mức cao, bình quân mỗi tháng anh có khoản thu nhập 7 - 8 triệu đồng. Giai đoạn sau này, mủ cao su rớt giá, mức thu nhập hàng tháng giảm còn khoảng 4 triệu đồng. Từ giữa năm 2016 đến nay, giá mủ cao su có nhích lên nên khoản thu nhập cũng đã tăng thêm chút đỉnh. Anh Thọ chia sẻ, dẫu cây cao su có nhiều thăng trầm, nhưng chung quy, chính nó đã giúp gia đình anh làm cuộc đổi đời. Bởi, ngoài số tiền lương nhận đều đặn hàng tháng, anh còn được công ty mua đủ các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Công ty còn xây dựng hẳn một cơ sở khám chữa bệnh ngay tại vùng dự án để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và cả người dân địa phương. “Hồi trước do quá nghèo, mình chẳng có xe cộ gì. Mỗi lần muốn ra trung tâm xã Sông Trà mua thứ chi phải đi bộ hơn nửa tiếng đồng hồ. Còn chừ, trong nhà đã có 2 chiếc xe máy, chỉ chạy vài phút là tới nơi. Nói anh mừng, vợ chồng tôi đã dành dụm được số tiền kha khá, tính đầu năm 2018 sẽ dựng nhà mới. Nhưng điều khiến mình vui nhất là chăm lo chu đáo chuyện ăn học của các con” - anh Thọ bộc bạch.
3.Cách nhà anh Thọ không xa là một ngôi nhà tường xây gạch, mái lợp tôn và căn nhà sàn bằng gỗ khá khang trang của vợ chồng anh Hồ Văn Đối, sinh năm 1975, cũng người dân tộc Ca Dong. Anh Đối cũng là nhân vật trong một bài viết của tôi mười mấy năm trước, lúc đó vợ chồng anh rất nghèo, phải ở trong căn nhà xập xệ, bởi quanh năm chỉ bám với cái rẫy, cái nương và sản xuất theo kiểu được chăng hay chớ. Đi cùng tôi, ông Đỗ Hoàng Sơn - Tổ trưởng tổ sản xuất số 6 thuộc Nông trường Cao su Hiệp Đức bảo rằng, nhờ nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác mủ 3ha cao su đại điền ngay từ những ngày đầu tiên và liên tục là công nhân sản xuất giỏi cấp công ty nên bây giờ kinh tế của gia đình anh Hồ Văn Đối rất vững.
Ông Trương Văn Thành - Giám đốc Nông trường Cao su Hiệp Đức cho biết, hiện giờ đơn vị ông trực tiếp quản lý 760ha cao su đại điền tại các xã Sông Trà, Quế Bình, Quế Lưu, Phước Gia. Trong đó, có 460ha đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và 300ha đã tiến hành khai thác mủ. Theo ông Thành, trong tổng số 310 người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 52%) nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác mủ cao su, có 140 người tham gia ngay từ giai đoạn đầu 1998 - 2002. “Lúc giá mủ cao su cao, bình quân hàng tháng mỗi người có mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng, có nhiều trường hợp đạt 10 - 12 triệu đồng. Mấy năm gần đây giá mủ cao su giảm nên thu nhập bình quân cũng giảm theo, khoảng 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, nhìn chung bây giờ cuộc sống của hộ nhận khoán và công nhân đã cải thiện rất nhiều so với thời mà cây cao su chưa xuất hiện trên đất Hiệp Đức, nhất là những hộ đồng bào dân tộc Ca Dong và Mơ Nông ở 3 xã vùng cao của huyện” - ông Thành chia sẻ thêm. Trong khi đó, ông Phạm Sỹ Đoàn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, ngoài 1.710ha cao su tiểu điền do dân tự đầu tư trồng, hiện nay trên địa bàn huyện có 2.498ha cao su đại điền (1.161ha đã khai thác mủ) của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, do các nông trường Phước Đức, Trà Nô, Hiệp Đức quản lý. Những năm qua, nhờ cây cao su đại điền mà 1.089 lao động ở địa phương được giải quyết công ăn việc làm ổn định, trong đó có 505 người là đồng bào dân tộc thiểu số…
Ghi chép của NGUYỄN SỰ