Những hầm bí mật tại xóm Đình Long Xuyên (Duy Xuyên) có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển cơ sở cách mạng, đồng thời kết nối và làm chỗ dựa vững chắc để quân ta tổ chức nhiều đợt tấn công du kích cũng như trực diện, góp phần làm nên thắng lợi chung.
Cơ sở vững chắc
Trong tư liệu lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Nam Phước giai đoạn 1930 - 1975, xuất bản vào tháng 5.2015 có nêu: “… tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Huyện ủy Duy Xuyên (5.1969) về nhiệm vụ giành, giữ dân theo chủ trương 4 bám (Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch, cấp trên bám cấp dưới), chi bộ đảng các xã Xuyên Châu, Xuyên Mỹ đã thành lập Ban Chỉ đạo ở từng xã để lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt nhằm nhanh chóng khắc phục tình hình khó khăn của địa phương. Các đồng chí cán bộ, đảng viên và du kích được tập hợp, biên chế thành các đội công tác, đồng thời phân công về trụ bám tại các thôn, xóm, tích cực móc nối, xây dựng cơ sở, đột nhập vào các khu tập trung, khu đồn dã chiến để vận động nhân dân đấu tranh…”.
Ông Nguyễn Văn Dương - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên kiêm Huyện Đội trưởng năm 1968 và nguyên Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên (giai đoạn 1969 - 1975) cho biết, từ năm 1968 ông đã cùng các đồng chí khác trong Huyện ủy như các ông Đoàn Văn Lộc, Vương Bông thường xuyên đi công tác về xóm Đình Long Xuyên để trụ bám, tích cực móc nối và xây dựng cơ sở cách mạng. Những lần họp Đảng bộ ở nhà ông Trả (tức ông Nguyễn Văn Thanh - Bí thư xã Xuyên Mỹ lúc bây giờ), đều ở lại căn hầm bí mật rộng gần 50m2 trong nhà ông Thanh. Sau này, giai đoạn 1971 - 1975, ông Dương cũng thường xuyên lui tới và ở dưới hầm bí mật tại nhà ông Nguyễn Cẩm để hoạt động trong vùng địch. Trong rất nhiều lần đến xóm Đình Long Xuyên, nhờ có những căn hầm này mà ông Dương cùng nhiều đồng chí khác đều được an toàn. Vì vậy, ông Dương hiểu rõ việc duy trì và phát huy hiệu quả của các căn hầm bí mật ở xóm Đình Long Xuyên trong những năm cuối thời kỳ chống Mỹ.
Cần công nhận di tích lịch sử
“Có được những căn hầm bí mật đó là nhờ vào lòng dân, những căn cứ của lòng dân. Nhưng lòng dân là cái trừu tượng, còn những căn hầm là hữu hình... Cái hữu hình đó cần được ghi nhận và đánh giá lại để giữ gìn giá trị của nó ở thời chiến tranh khốc liệt...”.
(Ông Nguyễn Văn Dương - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên giai đoạn 1969 - 1975)
Theo ông Dương, khu vực xóm Đình Long Xuyên là điểm yếu của địch và rất quan trọng đối với quân ta trong việc phát triển cơ sở cách mạng và tổ chức những đợt tiến công. Thứ nhất, xóm Đình Long Xuyên nằm gần với các khu căn cứ và đồn quân sự của địch như trụ sở Hội đồng xã Xuyên Mỹ, Trung đội lính Nghĩa quân của địch và đồn Liên Đại Nam Phước. Thứ hai, xóm Đình Long Xuyên còn giáp ranh tuyến đường huyết mạch 104 (quốc lộ 14H bây giờ) từ Duy Xuyên đi Nông Sơn rồi lên Hiệp Đức. Nhờ vậy mà ta đã tổ chức phục kích và đánh tan quân địch nhiều lần trong lúc chúng đi tuần trên đoạn đường này và làm nên những chiến thắng vang dội, cắt đứt liên quân vùng miền với địch. Điều đặc biệt quan trọng nữa, xóm Đình Long Xuyên nằm ven sông Bà Rén và ở vị trí đối diện với căn cứ cách mạng Tân Tây của chính quyền 2 xã Xuyên Mỹ và Xuyên Châu. Đây là nơi hỗ trợ rất lớn về mặt giao liên và tránh những đợt tấn công của địch đối với những cán bộ hoạt động ở căn cứ Tân Tây.
“Có 9 căn hầm bí mật ở xóm Đình Long Xuyên, hay thậm chí là hơn thế nữa, vì đã gọi là hầm bí mật thì đâu có dễ để công khai mà biết hết được. Nhưng cái mà chúng ta nhìn thấy ở xóm Đình này là lòng dân. Một vùng đất không quá lớn nhưng có rất nhiều hầm bí mật, chứng tỏ cơ sở cách mạng của ta ở đó tốt và rải đều. Cơ sở cách mạng có nhiều tức là lòng dân ở đó tin vào Đảng, tin vào cách mạng! Có được những căn hầm bí mật đó là nhờ vào lòng dân, những căn cứ của lòng dân. Nhưng lòng dân là cái trừu tượng, còn những căn hầm là hữu hình, dù đến nay chỉ còn trong một vài tư liệu và hình ảnh đã cũ. Cái hữu hình đó cần được ghi nhận và đánh giá lại để giữ gìn giá trị của nó ở thời chiến tranh khốc liệt, để con cháu sau này biết rằng ở nơi đó đã từng có những căn hầm nuôi giấu cán bộ rất hiệu quả, mà chủ nhân của nó là những bà Thanh, ông Trừng, ông Phiến, cụ Cửu, bà Lan… dù có bị tra tấn đến chết đi sống lại cũng quyết không khai, không chỉ điểm. Cùng với nhiều địa điểm khác, các cấp chính quyền và ban ngành liên quan nên nghiên cứu công nhận hệ thống hầm bí mật ở xóm Đình Long Xuyên là di tích lịch sử” - ông Dương nói.