Công tác bảo vệ người tiêu dùng: Vẫn còn nhiều khoảng trống

NGUYỄN QUANG VIỆT 12/12/2017 12:39

Thị trường cuối năm rất sôi động nhưng cũng là “môi trường” để tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái bùng phát. Trong khi đó công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế.

Người dân mua sắm hàng hóa dịp cuối năm. Ảnh: N.Q.V
Người dân mua sắm hàng hóa dịp cuối năm. Ảnh: N.Q.V

Nhiều vụ vi phạm

Tháng 11 và những ngày đầu tháng 12, các lực lượng chức năng của tỉnh tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý 58 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử phạt và thu nộp vào ngân sách 172 triệu đồng. Cụ thể, lúc 12 giờ ngày 15.11, tổ tuần tra thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) đã yêu cầu dừng ô tô mang BKS 30A-25203 do tài xế Nguyễn Văn Khoa (thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đang chuẩn bị tập kết 12 nghìn bao thuốc lá nhãn hiệu JET ở đường Nguyễn Hoàng (TP.Tam Kỳ). Qua kiểm tra, tài xế không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của 12 nghìn bao thuốc lá nên đã bị lập hồ sơ, tạm giữ tang vật, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 41 vụ vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, phạt và nộp ngân sách 41 triệu đồng. Các hành vi vi phạm gồm không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vi phạm ghi nhãn hàng hóa, vi phạm niêm yết giá, buôn bán hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giả mạo thương hiệu. Công an tỉnh đã xử lý 11 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, khởi tố 2 bị can buôn bán hàng giả. Hiện đơn vị này tiếp tục điều tra 24 vụ buôn bán, kinh doanh có dấu hiệu sai phạm khác nhau để đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật. Sở GT-VT đã chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, kiểm soát và xử lý 6 vụ sai phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, xử phạt 68 triệu đồng trong tháng 11 vừa qua.

Khoảng trống bảo vệ người tiêu dùng

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại kiêm Thư ký Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Nam cho biết, lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng vừa rộng lớn, mới mẻ và phức tạp nên công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian qua còn hạn chế. Sản xuất, kinh doanh hàng hóa bao quát mọi sinh hoạt của đời sống trong khi lực lượng bảo vệ người tiêu dùng còn thiếu, kinh phí hoạt động ít ỏi nên rất khó đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp và cơ quan chưa nhận thức tốt về công tác bảo vệ người tiêu dùng nên trách nhiệm chung còn yếu kém. Rất đáng tiếc là đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn còn e dè trong phản ánh hàng hóa kém chất lượng đến các cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, TS.Đoàn Quang Đông (Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương) cho rằng, không riêng gì ở Quảng Nam, công tác bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước còn nhiều khiếm khuyết. Trước hết là nhận thức về các quy định của pháp luật từ phía người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng còn hạn hẹp nên “xa lạ” với nội dung bảo vệ người tiêu dùng. Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng nhưng thực tế chưa đi sâu vào cuộc sống. “Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp còn quá nhiều vấn đề cần hoàn thiện để bảo vệ người tiêu dùng. Muốn công tác này đi sâu vào thực chất thì chỉ có cách các bên gồm người dân, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cùng có “tiếng nói chung”, bảo vệ quyền lợi hợp pháp lẫn nhau” - TS.Đoàn Quang Đông nói.

Cần giải pháp khả thi

Ngăn chặn hàng kém chất lượng trên thị trường
Ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, các lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường trong dịp cuối năm và tết, triệt phá các đường dây, đầu nậu, chủ hàng hóa lớn, đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp; đấu tranh đến cùng với các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, đảm bảo hàng hóa chất lượng lưu thông, bảo vệ tối đa người tiêu dùng. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức lợi dụng chính sách của Nhà nước để đưa hàng hóa không đảm bảo chất lượng đến với người tiêu dùng ở các địa bàn nông thôn, miền núi và hải đảo.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt các chương trình bảo vệ người tiêu dùng với nhiều nội dung phong phú đây là cơ sở để giải quyết các bất cập trong thời gian qua. Theo đó, kế hoạch triển khai Ngày quyền của người tiêu dùng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thành lập các tổ hòa giải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng hệ thống tổng đài toàn quốc; kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ; xây dựng hệ thống thông tin, bảo vệ dữ liệu; chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng; hợp tác quốc tế cần phải được phổ biến trong mọi sinh hoạt của đời sống, lan tỏa giá trị. Còn ông Lê Thành Lưu - Phó Giám đốc Sở Công Thương thì nêu ý kiến: “Các hoạt động tuyên truyền bảo vệ người tiêu dùng cần phải được triển khai với nội dung và cách thức phù hợp, sinh động hơn. Các kiến thức, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cần được giảng dạy, đào tạo bài bản hơn. Hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng cần phát huy sâu chuyên môn. Các tổ hòa giải cần được xây dựng ở các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để nâng cao hoạt động bảo vệ người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Quang Lâm cho rằng, rất cần sự chung tay, vào cuộc đồng bộ của các ban ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân để bảo vệ người tiêu dùng trở thành hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực xã hội. Theo đó, với vai trò là cơ quan giúp việc cho UBND tỉnh, Sở Công Thương mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, các hội đoàn thể và UBND các cấp trong việc đẩy mạnh công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian đến. Người dân cần theo dõi các bản tin, bài viết về công tác bảo vệ người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng để hiểu hơn về công tác này, qua đó phối hợp với các bên liên quan “nói rõ” những đòi hỏi về quyền lợi của chính mình. “Các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, đơn vị vận chuyển, buôn bán hàng hóa, thực hiện dịch vụ cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình với người tiêu dùng. Doanh nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm cũng là động lực phát triển, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho chính doanh nghiệp” - ông Nguyễn Quang Lâm nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác bảo vệ người tiêu dùng: Vẫn còn nhiều khoảng trống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO