Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: Thuận lợi khi thuận lòng dân

MINH SƠN 20/04/2015 09:35

Trong khi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số nơi phát sinh điểm nóng, thì với phương châm “công khai, minh bạch, công bằng”, các dự án đầu tư ở phường Hòa Hương được nhân dân đồng tình hưởng ứng, bàn giao mặt bằng đúng thời gian.

Thuận lòng dân

Sau khi có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án công trình đường dẫn cầu Kỳ Phú 1 và cầu Kỳ Phú 2, ngày 24.6.2013 UBND TP.Tam Kỳ có Quyết định số 3158/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với tổng kinh phí thực hiện 14,8 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua khu vực phường Hòa Hương có 62 hộ ảnh hưởng, với 24 trường hợp giải tỏa trắng. Khu vực này có sự thuận lợi về kinh doanh nên để người dân đồng thuận giải tỏa bàn giao mặt bằng là chuyện không dễ dàng. Và công tác phối hợp thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư được cấp ủy đảng, chính quyền phường Hòa Hương xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Tổ chức tuyên truyền pháp luật tại khối phố Hương Trà Tây. Ảnh: Minh Sơn
Tổ chức tuyên truyền pháp luật tại khối phố Hương Trà Tây. Ảnh: Minh Sơn

Ngay khi có chủ trương thực hiện dự án, Đảng ủy phường Hòa Hương đã ban hành nghị quyết tập trung lãnh đạo phối hợp thực hiện, đồng thời thường xuyên lãnh đạo chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể vào cuộc đồng bộ, sâu sát cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống kinh tế của từng hộ để tiến hành vận động. Đặc biệt, Hòa Hương vận động các hộ có uy tín như ông Diệp Thế Trí, Nguyễn Nữ, hay bà Võ Thị Tường, Huỳnh Thị Nghị (đường Duy Tân)... gương mẫu đăng ký tái định cư, nhận tiền bồi thường. Từ đó tác động tích cực đến những hộ khác, công tác vận động thuận lợi hơn. Để kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh, địa phương chủ động đề xuất UBND thành phố tổ chức đối thoại với các hộ trong vùng dự án (vào ngày 13.8.2013). Gỡ khó cho người dân, chính quyền địa phương đã chủ động đề xuất thành phố áp dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu, hỗ trợ cải tạo mặt bằng đối với hộ giải tỏa một phần (theo quy định tại Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 26.6.2013 của UBND tỉnh).

Ngoài thành lập tổ tuyên truyền vận động, UBND phường còn thành lập tổ công tác giúp các hộ già yếu neo đơn, khó khăn tháo dỡ vật kiến trúc. Đa số hộ dân vùng dự án đã chấp hành tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng thời gian quy định. Ông Trần Ngọc Khánh (SN 1951) - một trong 3 hộ ảnh hưởng dự án ngay nút giao thông đường Phan Châu Trinh - Duy Tân không chỉ tiên phong đăng ký tái định cư, nhận tiền bồi thường mà còn photo các văn bản liên quan tích cực vận động nhân dân trong khu vực chấp hành. Ông Trần Ngọc Khánh cho biết: “Qua các cuộc họp dân do lãnh đạo thành phố và phường tổ chức, chúng tôi thấy được lợi ích chung. Vả lại Nhà nước đã có phương án bồi thường thỏa đáng, chỗ ở mới điều kiện lại khá tốt nên người dân hưởng ứng chủ trương”.

Khi thuận lòng dân, đã có 18 hộ tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc tạo thuận lợi cho việc thi công công trình hoàn thành và sớm đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương.

Gõ cửa từng nhà

Công trình Nhà máy xử lý nước thải TP.Tam Kỳ nằm trên địa bàn khối phố Hương Trà Đông với 168 hộ bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất thu hồi gần 20ha tại đồng Cồn Hến, kinh phí bồi thường giải tỏa gần 45 tỷ đồng. Đây là dự án thu hồi nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp nên tác động không nhỏ đến đời sống các gia đình bị ảnh hưởng. Ông Trần Thông - Bí thư Đảng ủy phường chia sẻ: “Vận động nhân dân thực hiện chủ trương này không phải ngày một ngày hai, mà đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ từ phường đến khối phố trong vận động nhân dân, tập trung giải thích chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước đến từng gia đình với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đối với những hộ có tranh chấp, các đoàn thể phối hợp với UBND phường và các ngành liên quan tổ chức hòa giải. Những trường hợp tách hộ, nhập khẩu, chuyển nhượng đất trong quá trình thực hiện dự án, các ban ngành liên quan phối hợp tiến hành xác minh từng trường hợp để có cơ sở giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu việc làm không đúng. Qua đó nhân dân chấp thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng”. Ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, để làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, phường Hòa Hương chú trọng đến việc xác định nguồn gốc đất, thực hiện các chính sách công khai, minh bạch, tạo sự công bằng giữa các hộ dân.

Hay như dự án kè Bạch Đằng (giai đoạn 2), đoạn qua phường Hòa Hương được khớp nối từ cầu Kỳ Phú 1 đến Nhà máy xử lý nước thải có chiều dài hơn 3km, ảnh hưởng đến nhân dân ở 4 khối phố với 74 hộ. Nhân dân trong vùng dự án đa số chưa nắm rõ các quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ sản xuất. Trong quá trình kiểm kê, cán bộ đã kết hợp tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, nhờ đó đến nay chưa có hộ dân nào khiếu nại.

Ông Trần Thông nói: “Thực hiện chính sách bồi thường, giải tỏa, người cán bộ phải sát dân, gần dân và lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Làm sao có lợi cho dân nhất nhưng vẫn tuyệt đối đảm bảo các quy định của pháp luật. Đó là hướng đi mà địa phương sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới”. Nhờ làm tốt công tác vận động nhân dân, trong những năm qua các dự án lớn được triển khai thuận lợi trên địa bàn phường Hòa Hương; chủ trương xã hội hóa trên các lĩnh vực được nhân dân đồng tình hưởng ứng; kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần giảm nghèo bền vững.

MINH SƠN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: Thuận lợi khi thuận lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO