Tại hội nghị giao ban công tác dân vận cụm đồng bằng do Ban Dân vận Tỉnh ủy vừa tổ chức, Ban Dân vận các địa phương phản ánh nhiều vấn đề tác động đến tâm tư, đời sống người dân, đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết các kiến nghị, bức xúc kéo dài.
Đời sống người dân gặp khó khăn
Đánh giá về tình hình chung, Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, các chỉ tiêu phát triển sụt giảm so với cùng kỳ; tình hình thất nghiệp, mất việc làm diễn ra trong bộ phận công nhân, người lao động... tác động không nhỏ đến đời sống người dân.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, từ ngày 1/9/2022 đến 31/3/2023, toàn tỉnh có 847 công nhân bị giảm giờ làm, 472 công nhân tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không có lương.
Bên cạnh đó, một số vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai chưa được tháo gỡ, nhất là trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, trong lĩnh vực bất động sản… làm phát sinh đơn thư khiếu kiện, khiếu nại, tập trung đông người.
Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá, công tác dân vận của hệ thống chính trị trong 6 tháng đầu năm 2023 được quan tâm, đạt nhiều kết quả. Trong đó, cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm Quy định số 11 ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Trong 6 tháng, lãnh đạo tỉnh tiếp công dân định kỳ và đột xuất 63 lượt/788 người/45 vụ việc, có 12 đoàn đông người; tổng số đơn/vụ việc nhận được qua tiếp công dân là 3.076 đơn/3.080 vụ việc. Công tác sắp xếp lại các tổ chức hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh dần đi vào ổn định.
Đến nay, cấp tỉnh có 16 tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; cấp huyện có 117 tổ chức, trong đó có 99 hội độc lập, thống nhất với tên gọi, tính chất của tổ chức hội cấp tỉnh và 18 hội còn sáp nhập. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đăng ký và tổ chức thực hiện 1.263 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực…
Bà Đặng Thị Thùy Vinh - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quế Sơn nói, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, khi mà đầu vào sản xuất cao nhưng đầu ra thấp.
Trâu bò trước đây bán được giá cao nay chỉ còn 7 - 8 triệu đồng/con; cây keo giá quá rẻ, người dân khai thác không đủ ngày công; tình hình dịch bệnh trên cây sắn chưa được khắc phục triệt để...
Bên cạnh đó, tình hình thanh niên, người lao động Quế Sơn tại các thành phố lớn thất nghiệp về lại địa phương rất nhiều, điều này gây áp lực về an sinh xã hội và tiềm ẩn nhiều vấn đề mất trật tự, an ninh xã hội trên địa bàn.
Ông Đặng Vân - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh cho biết, nhiều kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm giải quyết ở cấp tỉnh chậm trễ, gây bức xúc, ví dụ như việc xử lý các vấn đề hậu dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cùng ý kiến, ông Nguyễn Tấn Quang - Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Núi Thành cho rằng việc giải quyết những kiến nghị của người dân liên quan hậu dự án cao tốc, quốc lộ 1... gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là khi cơ quan chủ trì (chủ đầu tư - PV) giải quyết những nội dung nhân dân kiến nghị không còn.
Đại diện Ban Dân vận Huyện ủy Duy Xuyên nêu vấn đề tâm tư cán bộ, nhất là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phải sáp nhập đơn vị hành chính trong thời gian đến. Thực trạng người hoạt động không chuyên trách thực hiện nhiều nhiệm vụ nhưng mức trợ cấp, phụ cấp được hưởng còn thấp, nên chưa yên tâm công tác... cũng là một trong những vấn đề được quan tâm.
Sớm giải quyết đất đai tôn giáo
Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Dân vận nhiều địa phương cũng đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai tôn giáo, nhất là việc bố trí, cấp sổ đỏ cho cơ sở tôn giáo.
Bà Đặng Thị Thùy Vinh - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quế Sơn cho biết, Quế Sơn hiện có 12 cơ sở tôn giáo lấn chiếm phạm vi đất; 3 cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là nội dung bức xúc được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, tập trung giải quyết.
Bà Vinh kiến nghị UBND tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản về vấn đề giải quyết đất đai tôn giáo để địa phương có cơ sở thực hiện. Nếu không sớm hướng dẫn thì những tồn đọng sẽ kéo dài, dễ phát sinh nhiều vấn đề.
Cùng kiến nghị về nội dung này, lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Núi Thành cho biết, có 2 cơ sở thờ tự của tôn giáo tại xã Tam Xuân 2 và Tam Anh Nam nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng nhưng đến nay chưa tìm vị trí, địa điểm phù hợp để di dời; cấp có thẩm quyền cần quan tâm, sớm thống nhất vị trí để các cơ sở có mặt bằng xây dựng...
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Ban Dân vận các địa phương, trong đó có vấn đề đất đai tôn giáo để báo cáo, đề xuất lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết. Đồng thời đề nghị các địa phương chủ động, phối hợp, đánh giá việc thực hiện chương trình phối hợp năm 2023 giữa UBND với Ban Dân vận cấp ủy cùng cấp.
Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng chống và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, những thông tin và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...