Công tác dân vận ở miền núi: Thay đổi "nếp nghĩ, cách làm"

NGUYÊN ĐOAN 29/05/2023 08:08

Hội nghị chuyên đề quý II của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuối tuần qua tập trung góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2030.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức hội nghị chuyên đề quý II để bàn các nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.Đ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức hội nghị chuyên đề quý II để bàn các nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.Đ

Đáng chú ý, lãnh đạo các ngành, địa phương dành nhiều sự quan tâm thảo luận về chỉ tiêu có ít nhất 70% trở lên người dân thuộc độ tuổi lao động chuyển đổi được nhận thức trong “nếp nghĩ, cách làm”; nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực vươn lên, chủ động vào cuộc của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong việc tích cực hưởng ứng và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững được nêu ra tại dự thảo.

Nhiều trăn trở

Lãnh đạo nhiều huyện miền núi trong tỉnh đều có chung trăn trở khi đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là khi tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Việc xây dựng đề án về nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, trên cơ sở đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết, hoặc chỉ thị để làm cơ sở triển khai thực hiện là rất cần thiết ở giai đoạn hiện nay.

Ông La Lim Hậu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Giang cho rằng, muốn phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi phải thay đổi cho được “nếp nghĩ”, “cách làm” của bà con DTTS.

Người dân địa phương có tâm lý thỏa mãn, bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình; đây là một vấn đề cần được thức nhận lại. Đề án đặt chỉ tiêu phấn đấu trong tuyên truyền, vận động làm thay đổi được “nếp nghĩ”, “cách làm” thì khả năng miền núi sẽ phát triển hơn.

Từ thực tiễn địa phương, ông Hậu dẫn chứng trước đây có một công ty may mặc lên mở xưởng hoạt động, qua theo dõi cứ nghĩ sẽ thành công, nhưng chỉ cầm cự được một năm thì rút về vì không đủ điều kiện mở rộng sản xuất.

Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là tác phong công nghiệp của người lao động hạn chế, họ lãnh được lương thì nghỉ việc. Tập trung tuyên truyền vận động nhằm thay đổi “nếp nghĩ”, “cách làm” gắn với đào tạo nghề cho hộ nông dân là rất quan trọng.

“Gia đình có con em đi học nghề, có nghề nghiệp ổn định đều có suy nghĩ, cách làm khác với các hộ không được đào tạo nghề. Họ biết tiết kiệm, dành dụm, đầu tư sản xuất, còn hộ kia thì làm được 10 đồng, sẽ mượn thêm 10 đồng tiêu trước mai làm lại trả. Đề án đặt ra chỉ tiêu về chuyển đổi nhận thức trong “nếp nghĩ”, “cách làm” của người dân trong độ tuổi lao động là cách tiếp cận cần thiết” - ông Hậu phát biểu.

Ông Zơrâm Buôn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Giang cho rằng, huyện chưa phát triển như kỳ vọng có nguyên nhân từ năng lực của cán bộ đảng viên còn hạn chế, chưa đồng đều, từ huyện xuống xã. Địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển đề ra.

Để làm tốt công tác dân vận - vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ huyện được đào tạo, bồi dưỡng, đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương làm tốt, kể cả ngoài tỉnh. Đối với người dân, tỉnh cũng cần có định hướng đào tạo nghề cho họ phù hợp, gắn với sử dụng tại địa phương.

Nói ít và phải làm

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung chia sẻ, đề án xác định mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi. Trong đó, chú trọng chuyển biến mạnh mẽ công tác dân vận chính quyền nhằm hướng đến mục tiêu làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự chủ, khát vọng phát triển vươn lên, chủ động vào cuộc của đồng bào DTTS, miền núi...

Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy; Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Có 40 năm công tác ở miền núi, ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang đồng tình với việc xây dựng đề án và cho rằng cần xem xét ban hành nghị quyết hay kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để có tính pháp lý cao hơn cho các ngành, địa phương thực hiện.

Dự thảo nên tính toán lại các chỉ tiêu; trong đó có chỉ tiêu có ít nhất 70% trở lên người dân thuộc độ tuổi lao động chuyển đổi được nhận thức trong “nếp nghĩ, cách làm”, bởi người 60 tuổi mà yêu cầu chuyển đổi nhận thức là rất khó.

“Công tác dân vận ở miền núi là nói ít và phải làm cho được, có như vậy bà con mới tin. Những vấn đề lớn đang đặt ra đối với miền núi như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kết nối hạ tầng giao thông và giải quyết vấn đề sinh kế. Chúng ta đề ra việc nào phải giải quyết dứt điểm việc đó. Như vậy, công tác dân vận mới thành công” - ông Tài nói.

Điều hành thảo luận, góp ý vào dự thảo đề án, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, chương trình đào tạo nghề cho người dân miền núi cần hết sức quan tâm, phải gắn trực tiếp vào các chương trình, đề án, sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp trên địa bàn.

Dạy nghề không gắn với công việc cụ thể thì lãng phí, không phát huy được tác dụng. Định hướng chung, khu vực miền núi tập trung cho công tác giữ rừng và phát triển kinh tế dưới tán rừng, như dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, các hoạt động chăn nuôi… gắn với diện tích được giao khoanh nuôi, bảo vệ. Nhiệm vụ bảo vệ rừng là trọng yếu, không có cách gì khác, làm sao vừa bảo vệ rừng, giải quyết được sinh kế đời sống để người dân gắn với rừng một cách tự giác, chủ động là vấn đề cần được quan tâm.

“Nói với đồng bào mình nói ít, nhưng nói bao nhiêu phải làm được bấy nhiêu, người dân sẽ tin tưởng” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác dân vận ở miền núi: Thay đổi "nếp nghĩ, cách làm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO