Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác dân vận, phát huy sức mạnh toàn dân, huyện
Đoàn viên thanh niên cùng quân và dân huyện Nông Sơn tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Dân vận khéo
Ông Lê Viết Thảo - Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nông Sơn cho biết: “Nông Sơn là huyện mới thành lập, có xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn... Do đó, những năm qua Ban Thường vụ Huyện ủy xác định lấy công tác dân vận để ổn định tình hình, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội”. Theo ông Thảo, thời gian qua công tác dân vận của Nông Sơn được triển khai với nội dung phong phú, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cái “khéo” trong dân vận là chính quyền các cấp ở Nông Sơn tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho nhân dân. Đặc biệt, công tác tiếp dân thực hiện có hiệu quả góp phần giải quyết nhiều vướng mắc, được nhân dân đồng tình. Bên cạnh đó, công tác dân vận của các lực lượng vũ trang được triển khai có hiệu quả: cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; xây dựng, sửa chữa nhà cửa; cùng với nhân dân làm tốt công tác quản lý, đảm bảo an ninh nông thôn…
Để công tác dân vận đi vào đời sống, Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên cử cán bộ về cơ sở kiểm tra, nắm tình hình thực tế tại các địa phương, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. “Nhờ sự phối hợp tốt với các cấp ủy cơ sở nên chúng tôi luôn nắm chắc những vấn đề người dân mong muốn và phản ánh. Từ đó, kịp thời giải quyết vướng mắc cũng như vận động, thuyết phục để nhân dân hiểu hơn và thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” - ông Thảo cho hay. Và công tác bồi thường giải tỏa để xây dựng khu trung tâm hành chính huyện là một minh chứng. Để triển khai dự án, có 711 hộ dân tại xã Quế Trung bị ảnh hưởng. Vấn đề được lãnh đạo huyện đặt ra là làm sao để nhân dân tự nguyện di dời, không cản trở... để tiến độ công trình được thực hiện đúng kế hoạch. Và nhiệm vụ này được giao cho công tác dân vận. Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Sơn giao Ban Dân vận cùng với Đảng ủy, chính quyền xã Quế Trung và Mặt trận, các hội đoàn thể cùng vào cuộc vận động nhân dân. Với sự vào cuộc đồng bộ, kết quả đạt được hơn sự mong đợi. Các hộ dân nhanh chóng nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ. Đặc biệt, trong 50 hộ giải tỏa trắng, có đến 36 trường hợp chưa kịp cấp đất tái định cư lâu dài vẫn vui vẻ bàn giao mặt bằng, tự tìm đất hoặc thuê nhà ở tạm chờ cấp đất. Ông Tạ Ba (thôn Trung Hạ, xã Quế Trung) nói: “Khi có chủ trương về xây dựng khu trung tâm hành chính của huyện, gia đình tôi thuộc diện giải tỏa trắng. Xác định đây là một chủ trương đúng đắn nên khi cán bộ xuống vận động gia đình tôi di dời thì tôi đồng ý ngay. Dù đang thuê đất ở tạm nhưng tôi không lo lắng gì. Tôi hiểu rằng huyện còn khó khăn, đợi thêm thời gian nữa sẽ được cấp đất ở ngay thôi”.
Chuyển biến nhiều mặt
Thành công lớn nhất thông qua “dân vận khéo” ở Nông Sơn chính là đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Các cấp, ngành và địa phương đã tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế. Bên cạnh việc triển khai các đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con vật nuôi..., các cấp, Mặt trận, ban ngành, hội, đoàn thể ở Nông Sơn còn vận động nhân dân khôi phục các làng nghề truyền thống. Đến nay, làng nghề trầm cảnh Trung Phước, mây tre đan ở xã Sơn Viên đang thu hút hàng trăm lao động địa phương làm việc và sinh sống ổn định tại quê nhà.
Điều đáng mừng, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác “dân vận khéo” được đẩy mạnh góp phần huy động sự vào cuộc của toàn dân. Chính điều này đã giúp địa phương chuyển mình, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Ông Hồ Kim Cảm (xã Quế Lộc) nói: “Khi chính quyền vận động hiến đất để làm đường, tôi đồng ý ngay vì chủ trương này hợp ý dân. Có đường thì giao thông thuận tiện cho con em đi học, làng quê cũng vì thế đẹp hơn”. Hưởng ứng chủ trương, ông Cảm đã hiến 300m2 đất, ủng hộ 17 triệu đồng cùng 25 ngày công để làm con đường dài 800m đi qua thôn Lộc Đông (xã Quế Lộc). Ông Lê Viết Thảo cho biết: “Từ ngày địa phương phát động xây dựng nông thôn mới đến nay đã xuất hiện nhiều điển hình người dân tự nguyện hiến đất, tiền bạc để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng thiết chế văn hóa… Sự hưởng ứng ấy tạo sức lan tỏa rộng khắp, nhất là ở các xã Quế Ninh, Quế Lộc, Quế Trung, Phước Ninh”.
Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cũng đã diễn ra sôi nổi trên khắp địa bàn, tạo nền tảng cho việc thi đua lao động và học tập trong cán bộ, chiến sĩ, nhân dân toàn huyện. Cũng từ các cuộc vận động này, nhiều khu dân cư xây dựng được các thiết chế văn hóa như nhà sinh hoạt cộng đồng, cổng làng, bổ sung quy ước, hương ước tạo nên đời sống lành mạnh. “Thông qua công tác dân vận, thời gian qua, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Dù là một huyện nghèo nhưng tinh thần tương thân tương ái cũng được chú ý, bà con cùng giúp nhau vượt qua khó khăn. Trong 2 năm 2011 và 2012, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã quyên góp, tham gia cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” với tổng số tiền hơn 972 triệu đồng, tạo điều kiện hỗ trợ nhiều hoàn cảnh nghèo khó vươn lên trong cuộc sống” - ông Thảo nói.
ĐOÀN ĐẠO