Thời gian qua, công tác đoàn và phong trào thanh niên ở các trường THPT đã được đổi mới, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, nhờ sự năng nổ của giáo viên kiêm nhiệm chức vụ bí thư đoàn trường THPT.
Vì học sinh thân yêu
Câu lạc bộ (CLB) kỹ năng thanh niên Trường THPT Chu Văn An (Đại Lộc) là do thầy giáo Trần Minh Giang - Bí thư Đoàn trường tham mưu ban giám hiệu nhà trường thành lập. Hơn 200 thành viên tham gia trong các CLB âm nhạc, CLB kỹ năng sống, “Hoa phượng đỏ”…, đều do thầy Giang làm chủ nhiệm và chịu trách nhiệm trước nhà trường. Thầy Trần Minh Giang cho hay, sự ra đời của các CLB tại trường đã bắt nhịp được tâm lý lứa tuổi và nhu cầu của học sinh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của các CLB theo sở thích. Từ những hoạt động đầy ý nghĩa, các em học sinh đã được bồi đắp thêm kỹ năng, lòng nhân ái, tính cộng đồng. “Qua các hoạt động, tôi có cơ hội gần gũi, trò chuyện và chia sẻ với các em về chuyện gia đình, cuộc sống của tuổi mới lớn như những người bạn. Từ đó, nắm bắt được tâm tư các em và có sự định hướng kịp thời để các em không đi lệch hướng” - thầy Giang nói.
Để nâng cao chất lượng các hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc giáo dục toàn diện học sinh, thầy giáo Phan Tấn Lực - Bí thư Đoàn trường THPT Thái Phiên (Thăng Bình) đã xây dựng đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Giáo dục học sinh thông qua một số hoạt động của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”. Theo thầy Lực, sau thời gian học tập nếu không có những hoạt động vui chơi mang tính chất giáo dục sẽ khiến các em mệt mỏi, dễ bị ảnh hưởng xấu từ game, tụ tập làm những việc không hay… Với đề tài trên, thầy Lực cùng với BCH Đoàn trường THPT Thái Phiên luôn cố gắng tổ chức sân chơi đa dạng với nhiều hình thức thông qua các hoạt động mang tính giáo dục phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống cho các em. “Tôi sử dụng mạng xã hội như một công cụ hiệu quả, tiện ích và nhanh chóng để lắng nghe ý kiến, chủ động tiếp cận và định hướng cho các em thông qua facebook cá nhân cũng như trên trang facebook của Đoàn trường. Nhờ vậy mà tạo sự gần gũi, xóa dần khoảng cách giữa tổ chức đoàn với đoàn viên thanh niên, thu hút các em đến với các hoạt động lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội” - thầy Lực nói.
Trách nhiệm định hướng
Theo thầy Trần Minh Giang, với vai trò giáo viên thì công việc chính vẫn là chuyên môn giảng dạy. Tuy nhiên khi kiêm nhiệm làm công tác đoàn, bí thư đoàn trường không chỉ là người đề ra các kế hoạch hoạt động mà còn phải luôn gần gũi với các em. Thường xuyên đến từng lớp để động viên, hướng dẫn cho các em hoạt động; cởi mở trong cách trao đổi, chào hỏi để tạo sự thân thiện và gần gũi để học sinh có thể trình bày những tâm tư tình cảm, ý kiến hay của mình cho công tác giáo dục và rèn luyện. Trưởng ban Thanh thiếu niên trường học Tỉnh Đoàn, chị Huỳnh Thị Kiều Ly cho hay: “Ở tuổi học trò với áp lực thi cử hiện nay, thời gian trong ngày của học sinh vô cùng quý giá. Thế nhưng, cần phải xem các hoạt động giải trí, thể thao, sinh hoạt đoàn là những việc không thể thiếu bên cạnh hoạt động học tập. Nếu như các thầy cô giáo bộ môn cung cấp cho các em về mặt kiến thức văn hóa thì hoạt động đoàn lại cung cấp cho các em kỹ năng sống, giúp các em có một lối sống lành mạnh và người bí thư đoàn trường đóng vai trò như người thuyền trưởng” - chị Ly nói.
Hoạt động đoàn trong trường THPT đòi hỏi người bí thư đoàn trường ngoài việc nắm chắc các nguyên tắc, quy định về tổ chức và hoạt động, còn phải có kiến thức xã hội phong phú; kỹ năng ứng xử linh hoạt. “Việc xác định được nhiệm vụ công tác đoàn cụ thể trong từng thời kỳ, thời điểm đối với cán bộ đoàn trường học hết sức quan trọng. Khi đã xác định rõ nhiệm vụ, cán bộ đoàn sẽ dễ dàng tổ chức, thực hiện công tác một cách khoa học, hiệu quả. Từ đó, tổ chức đoàn mới có thể vận động, khuyến khích được các đoàn viên thanh niên tham gia hoạt động một cách hăng hái; tránh lãng phí thời gian, công sức và tranh thủ triệt để nguồn lực cho các phong trào đa dạng” - anh Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn nói.