Sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ toàn tỉnh - Đại hội Đoàn tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai 3.10. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, bên cạnh những nét mới, hiệu quả đạt được, công tác đoàn và phong trào thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Trong khi nhiều nơi hoạt động đoàn gặp khó khăn thì cơ sở đoàn thuộc khối các cơ quan hoạt động khá hiệu quả. TRONG ẢNH: Đoàn cơ sở Cục Hải quan tỉnh phối hợp tổ chức hoạt động tình nguyện xã hội và sinh hoạt hè tại xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước. Ảnh: haiquanquangnam.gov.vn |
1. Khó khăn được nói đến nhiều nhất là câu chuyện hoạt động đoàn ở địa bàn thôn, khối phố. Bởi chi đoàn luôn được xem như “tế bào” của phong trào thanh niên, do đó hiệu quả, chiều sâu hoạt động của phong trào thanh niên được đánh giá từ hoạt động của chi đoàn. Nhưng thực tế hiện nay nhiều chi đoàn ở địa bàn khu dân cư “có mà như không”, có chi đoàn nhưng chẳng tìm ra “thủ lĩnh” thanh niên và không tập hợp được thanh niên khiến cho việc sinh hoạt đoàn bị bỏ trống. Câu chuyện này khá phổ biến nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực đô thị - nơi chịu nhiều tác động của kinh tế thị trường và ảnh hưởng nhiều luồng văn hóa mới du nhập.
Chuyện ở một phường trung tâm TP.Tam Kỳ sẽ khiến nhiều người suy nghĩ. Qua khảo sát hàng năm, trên địa bàn phường này có khoảng 1.000 thanh niên, trong đó thanh niên sinh sống và làm việc ở địa phương khoảng 400, số còn lại đi làm ăn, học tập xa quê. Nhưng theo báo cáo của đoàn phường, chỉ có hơn 100 thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn thường xuyên, số còn lại không muốn tham gia và một số bị sa vào tệ nạn xã hội. Và trong tổng số 11 khối phố của phường này, có đến 3 khối phố không có bí thư đoàn và không hoạt động đoàn; 4 khối phố có bí thư đoàn nhưng lại “trắng” đoàn viên thanh niên (không tham gia sinh hoạt); chỉ 4 khối phố có Ban chấp hành chi đoàn đảm bảo quy định. Đây là chuyện không mới và là thực trạng chung của nhiều đơn vị trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Theo quy định, đoàn viên đang học tập, sinh hoạt đoàn ở trường học thì không được giữ chức vụ bí thư chi đoàn ở khu dân cư, tuy nhiên do không tìm được người nên có rất nhiều thôn, khối phố phải sử dụng đội ngũ học sinh, sinh viên làm “thủ lĩnh” thanh niên ở cơ sở.
Ở những địa phương cơ sở không có “thủ lĩnh” đoàn, các phong trào, hoạt động của đoàn triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Có những nơi, đoàn cấp trên phải cầu cạnh cán bộ khối phố mỗi khi muốn triển khai hoạt động đoàn về cơ sở. Việc theo dõi, nắm bắt thanh niên cũng do cán bộ thôn, khối phố đảm nhiệm. Thanh niên không mặn mà với hoạt động đoàn dẫn đến việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ đoàn ở cơ sở gặp không ít khó khăn. Nhiều cán bộ đoàn ở xã, phường quá tuổi mà không luân chuyển được một phần cũng do tổ chức chưa tìm được cán bộ kế cận. Đây là hoàn cảnh mà nhiều người làm công tác đoàn thường nói nhau rằng “đầu vào tìm không có nên đầu ra cũng chẳng xong”.
2. Công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên trong thời gian qua có nhiều đổi mới đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tổ chức đoàn đã “gần” hơn với thanh niên, nhất là những lực lượng thanh niên đặc thù như: thanh niên tôn giáo, thanh niên yếu thế, thanh niên hoàn lương… Nhưng có lẽ, với thanh niên công nhân thì vẫn còn vấn đề cần phải bàn. Có nhiều hoạt động hướng đến thanh niên công nhân được triển khai nhưng việc tiếp cận, nắm bắt lực lượng này có lẽ chưa thực sự hiệu quả. Đầu tiên là chuyện phát triển tổ chức đoàn trong công ty, doanh nghiệp. Điều này được nhắc đến khá nhiều, nhưng đến nay vẫn là khó khăn lớn trong hoạt động đoàn. Lâu nay, Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh là đơn vị được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực hoạt động đoàn trong doanh nghiệp. Nhưng chỉ nhìn vào con số cụ thể thì dễ dàng nhận thấy, đây vẫn còn là lỗ hổng lớn với công tác đoàn và phong trào thanh niên hiện nay.
Theo báo cáo, Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh mới có 38 cơ sở đoàn trực thuộc với khoảng 3.000 đoàn viên thanh niên. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh chỉ thành lập mới 25 cơ sở đoàn trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh với tổng số 400 đoàn viên và 10 tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên với tổng số 400 hội viên. Con số này quá khiêm tốn nếu nhìn vào số lượng khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tất nhiên, có nhiều doanh nghiệp hoạt động tại các địa phương vẫn trực thuộc các huyện, thị, thành đoàn; nhiều doanh nghiệp tổ chức đoàn trực thuộc đoàn công ty “mẹ”…, nhưng nhìn chung việc phát triển đoàn trong doanh nghiệp là hết sức khó khăn. Lý giải điều này, anh Nguyễn Văn Hợi - Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác đoàn.
3. Hiện nay, vấn đề nguồn vốn vay phát triển kinh tế cũng được thanh niên dành sự quan tâm rất lớn. Tinh thần khởi nghiệp lan tỏa sâu rộng đã và đang tạo động lực, kích thích nhiều thanh niên có ý tưởng kinh doanh. Tuy nhiên, rào cản khiến nhiều thanh niên chưa thể khởi nghiệp đó là vốn. Vừa qua, lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức buổi tiếp xúc chuyên đề với cử tri là đoàn viên thanh niên. Tại đây, trong số 15 ý kiến thanh niên phát biểu trực tiếp tại hội nghị có đến phân nửa đề cập việc “gỡ khó” nguồn vốn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Vấn đề này cũng đã được đặt ra ở nhiều diễn đàn của thanh niên, dù rằng nguồn vốn vay dành cho thanh niên luôn có.
Theo báo cáo của Tỉnh đoàn, nguồn vốn từ Chương trình 120 của Trung ương Đoàn ủy quyền cho Tỉnh đoàn quản lý đến thời điểm hiện nay gần 1 tỷ đồng. Số tiền này nhiều năm qua hầu như “bất động” trong ngân hàng vì không tìm được hồ sơ phù hợp để giải ngân. Qua rất nhiều năm nhưng cả tỉnh chỉ có 2 trường hợp vay được tiền từ nguồn vốn này. Nguyên nhân là những quy định bắt buộc khá khắt khe và cứng nhắc khiến người có nhu cầu vay vốn không thể đáp ứng được. Trong khi đó, nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tuy hồ sơ vay vốn dễ hơn nhưng việc quy định thanh niên phải là chủ hộ, lại khiến cho nhiều trường hợp chưa lập gia đình, đang ở cùng bố mẹ không thể tiếp cận. Một cán bộ đoàn phường ở Tam Kỳ cho biết, trong gần 10 năm qua trên địa bàn phường chưa có một thanh niên vay được vốn thông qua kênh của đoàn, cho dù nhu cầu là rất nhiều. Nhiều thanh niên chỉ cần vay 10 - 20 triệu đồng để làm ăn nhưng vì thủ tục rườm rà nên không mặn mà. Vậy thì thử hỏi, sự trông chờ của thanh niên về một Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp liệu có trở thành hiện thực?
Những khó khăn vừa nêu là những vấn đề cụ thể, cần được Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XVIII nhìn nhận để đề ra giải pháp, cách làm hiệu quả trong thời gian đến.
VINH ANH