Giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn Tam Kỳ thời gian qua có những chuyển biến tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình. Có được kết quả này là nhờ thành phố quan tâm đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BT, HT, TĐC) cho người dân khi thu hồi đất.
Người dân sẵn sàng nhường đất
Trong vòng 5 - 7 năm gần đây, trên địa bàn Tam Kỳ có nhiều công trình được hình thành, nhất là các dự án hạ tầng đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, góp phần làm đẹp bức tranh đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể kể đến như tuyến đường huyết mạch Điện Biên Phủ kéo dài từ đường cao tốc đến Quảng trường biển Tam Thanh. Để con đường này hình thành, hàng trăm hộ dân của nhiều xã, phường dọc hai bên đường đã đồng thuận giải tỏa nhà cửa, vườn tược để có mặt bằng xây dựng.
Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Thành ủy Tam Kỳ, giai đoạn 2016 - 2020 địa phương đã thực hiện 87 dự án BT, HT, TĐC với 367 phương án, diện tích đất thu hồi 846ha, tổng kinh phí bồi thường 1.055 tỷ đồng. Có tổng cộng 4.896 hộ dân chịu ảnh hưởng, trong đó 686 hộ bị giải tỏa trắng, thành phố đã bố trí 1.117 lô đất tái định cư, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống. Nhờ đó, nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tương tự, gần 350 hộ dân xã Tam Phú và phường An Phú cũng sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình, hiến đất để mở rộng tuyến đường Tam Kỳ - Tam Thanh, từ 6,5m mở rộng lên thành 16m khang trang.
Việc đầu tư những con đường huyết mạch nối trung tâm thành phố với các xã vùng đông đã góp phần mở rộng không gian đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Một điểm nhấn khác thể hiện tinh thần “người dân sẵn sàng nhường đất” đó là Khu công nghiệp Tam Thăng. Để chung sức xây dựng khu công nghiệp đang sôi động ở vùng đông này, gần 1.000 hộ dân đã đồng thuận giải tỏa nhà cửa, cây cối, giao mặt bằng…
Một thời gian dài trước đây, công tác GPMB trên địa bàn Tam Kỳ gặp khó khăn, vướng víu. Không ít dự án lâm vào tình cảnh “đứng bánh” kéo dài do không có được sự đồng thuận từ người dân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, những năm gần đây đã khác, GPMB không còn là câu chuyện “nóng”, nhất là sau khi Thành ủy Tam Kỳ ban hành Nghị quyết 04 (11.4.2016) về BT, HT, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Những dự án vừa kể là minh chứng sinh động trong thực hiện GPMB, xây dựng đô thị khang trang, hiện đại.
Thời gian qua, Tam Kỳ còn khá thành công trong việc xã hội hóa đầu tư, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhiều dự án triển khai nhận được sự đồng tình hưởng ứng khi người dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất và phá dỡ tường rào, cổng ngõ, như đường Hồ Xuân Hương nối dài, đường vào địa đạo Kỳ Anh, đường Xuân Hòa - Ấp Bắc…
Nhiệm vụ trọng tâm, đột phá
Đại hội Đảng bộ TP.Tam Kỳ lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, một trong những giải pháp đột phá, tạo động lực để thành phố phát triển nhanh, bền vững là công tác BT, GPMB, TĐC, tạo mặt bằng sạch. Hội nghị Thành ủy Tam Kỳ lần thứ IV hồi đầu tháng 4 tiếp tục bàn bạc và ban hành Nghị quyết 04 (15.4.2021) về nâng cao hiệu quả công tác BT, HT, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Tại hội nghị này, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - Trần Nam Hưng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể từ thành phố đến cơ sở phải xác định BT, HT, TĐC, GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, là động lực đặc biệt quan trọng để phát triển thành phố, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2025.
Trên địa bàn Tam Kỳ đang và sẽ có nhiều dự án về phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị liên quan đến công tác GPMB. Vì vậy, theo ông Hưng, vấn đề BT, HT, TĐC cho người dân bị ảnh hưởng được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với phương châm “quyết liệt, triệt để, dứt điểm và hiệu quả”; vừa tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý đất đai, chính sách BT, HT, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, vừa gắn tối đa lợi ích chính đáng của người dân với tinh thần công khai, minh bạch, dân chủ.
Đồng thời đảm bảo kịp thời nguồn vốn BT, quỹ đất bố trí TĐC và giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án, thực hiện đúng nguyên tắc phải có đủ quỹ đất bố trí TĐC theo quy hoạch trước khi tiến hành GPMB.