Công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc: Thuận lợi và thách thức

VINH ANH 01/05/2014 08:48

Thời gian qua, vấn đề “giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng. Tại Quảng Nam, vai trò đó được thể hiện như thế nào, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện ra sao? Phóng viên Báo Quảng Nam ghi lại câu trả lời của những người trong cuộc...

Mới dừng lại ở giám sát

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, trước khi Hiến pháp năm 2013 ban hành thì chức năng của Mặt trận chỉ có giám sát mà chưa có phản biện. Tuy nhiên, dù được quy định trong Luật Mặt trận nhưng thực tế cho thấy, cách thức, đối tượng, cơ chế ràng buộc của giám sát vẫn chưa thực sự cụ thể.

 Đội ngũ được kiện toàn, kỳ vọng mở ra thời kỳ mới để Mặt trận thể hiện đúng vai trò của mình. Trong ảnh: Mặt trận xã Duy Hòa ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới (2014 - 2019). Ảnh: VINH ANH
Đội ngũ được kiện toàn, kỳ vọng mở ra thời kỳ mới để Mặt trận thể hiện đúng vai trò của mình. Trong ảnh: Mặt trận xã Duy Hòa ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới (2014 - 2019). Ảnh: VINH ANH

Tại Quảng Nam, vai trò giám sát được thể hiện trong việc giám sát cán bộ công chức cũng như góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cụ thể nhất là Mặt trận các cấp đã củng cố và phát huy vai trò giám sát của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Đến nay, 244 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều thành lập Ban thanh tra nhân dân, qua đó, mỗi năm hàng trăm vụ việc của địa phương được giám sát. Nhiều sai phạm đã được Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng phát hiện, báo cáo lên chính quyền cấp xã. Ông Hùng cho rằng, dù đã rất cố gắng nhưng vai trò giám sát vẫn chưa thể hiện được nhiều. Đây là một vấn đề khó đối với hệ thống Mặt trận, khó về cơ chế và cả năng lực. Về cơ chế, đây là chức năng được quy định trong Luật Mặt trận năm 1999, tuy nhiên chỉ là quy định khung chức năng cho Mặt trận có quyền giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, giám sát đại biểu dân cử, đảng viên… còn chức năng, đối tượng giám sát thế nào thì vẫn không rõ. Thứ hai, năng lực thực hiện chức năng giám sát của cán bộ Mặt trận vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, việc giám sát thực chất chỉ ở mức độ theo dõi sau đó phản ánh chứ chưa can thiệp sâu. Còn ở cấp tỉnh, hằng năm Mặt trận luôn có kế hoạch giám sát chuyên đề. Chẳng hạn việc giám sát nghị quyết HĐND tỉnh về việc đảm bảo hoạt động cho Mặt trận và các tổ chức thành viên ở cơ sở, phát hiện ra một số địa phương phân bổ không đủ 140 triệu đồng/xã. Qua đó, kiến nghị HĐND tỉnh giám sát HĐND huyện đề nghị thực hiện đúng theo nghị quyết. Ngoài ra, Mặt trận thường xuyên cử các bộ tham gia các đoàn giám sát của HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tại TP.Tam Kỳ, ông Phạm Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ cho biết, thời gian qua, Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố đã tổ chức giám sát các chủ trương, chính sách pháp luật ở mỗi địa phương, tập trung nhất là các vấn đề quản lý đất đai, bồi thường, chế độ chính sách… Thông qua việc tiếp xúc nhân dân, tiếp xúc cử tri, Mặt trận nắm bắt tâm tư nhân dân, từ đó phản ánh các cấp chính quyền giải quyết. Ngoài ra, Mặt trận đã tổ chức giám sát cán bộ, đảng viên gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Việc Mặt trận tổ chức tốt các diễn đàn nhân dân góp ý, các cuộc đối thoại cũng thể hiện khá rõ về vai trò giám sát. Tháng 6.2013, Mặt trận thành phố mời đội ngũ nghệ sĩ, trí thức trên địa bàn tham gia đóng góp Đồ án quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2013 và tầm nhìn đến 2050. Kết quả đã đề xuất những nội dung cụ thể, được UBND thành phố tiếp thu, chỉ đạo đơn vị tư vấn của Nhật Bản điều chỉnh lại.

Vai trò người đứng đầu

Hội An phát huy vai trò giám sát
Thời gian qua, Mặt trận phường Cẩm Nam tích cực tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, đại biểu dân cử, việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tranh chấp của công dân, các khoản đóng góp của nhân dân và phối hợp thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Ông Huỳnh Viết Đâu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Cẩm Nam cho biết, nhờ vậy đã hạn chế đơn thư khiếu nại, tranh chấp. Việc giám sát đầu tư cộng đồng cũng được triển khai thường xuyên nên các công trình, dự án xây dựng trên địa bàn đảm bảo yêu cầu. Tương tự, Mặt trận các xã, phường khác cũng phát huy vai trò giám sát hàng loạt công trình trên địa bàn.
Ông Đặng Kim Hùng - Chánh Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An cho biết, vai trò giám sát cộng đồng cũng được phát huy tại các công trình của thành phố như bốc thăm phân lô, giao mặt bằng kinh doanh tạm chợ Hội An; bốc thăm mặt bằng kinh doanh tại cảng du lịch Cửa Đại; giám sát hợp đồng lao động tại các cơ quan nhà nước và các công trình giao thông trên địa bàn. Trong năm 2013, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng các địa phương đã tổ chức giám sát nhiều công trình như kênh mương nội đồng, giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa, cống rãnh, vỉa hè, xóa nhà tạm… Qua đó, Mặt trận các cấp đã phát hiện và kiến nghị với chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục, sửa chữa những sai sót trong quá trình xây dựng.
“Qua giám sát ở một số xã, phường, chúng tôi nhận thấy chính quyền đã có nhiều cố gắng và trách nhiệm hơn trong việc công khai, dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp tham gia ý kiến vào các nội dung để chính quyền quyết định. Nhân dân đã phát huy được quyền làm chủ của mình trong việc giám sát, góp phần cùng chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý xã hội trên địa bàn” - ông Lê Chơi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An nói.(QUỐC HẢI)

Ông Nguyễn Phi Hùng chia sẻ, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội vừa có những thuận lợi đồng thời cũng có những thách thức nhất định. Việc Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua vào cuối năm ngoái là một sự đột phá. Đặc biệt tại Điều 9 đã hiến định nhiều điểm mới về kỹ thuật lập hiến lẫn nội dung. Lần đầu tiên cụm từ “giám sát và phản biện xã hội” được nêu thẳng trong Hiến pháp. Sau đó, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217 và 218 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Đây là sự cụ thể hóa bước đầu nội dung của Điều 9. Tại Quảng Nam, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 40 ngày 27.3.2014 về việc triển khai chỉ đạo thực hiện Quyết định 217 và 218.

Mới đây nhất, ngày 17.4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành hướng dẫn việc thực hiện Quyết định 217 và 218. “Nói về mặt văn bản, đây là một thuận lợi rất lớn. Dù gì thì Mặt trận đã được trao “cây gậy hành động” để thực hiện chức năng giám sát và phản biện” - ông Hùng nói. Một vấn đề thuận lợi nữa, sau đại hội Mặt trận các cấp, công tác nhân sự đã được đảm bảo. Đây là sự cố gắng hết sức và mạnh dạn của Quảng Nam thể hiện ở chỗ Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Chỉ thị 31, trong đó nói rất rõ về vai trò của Mặt trận, quy định rõ người đứng đầu Mặt trận cấp tỉnh và cấp huyện phải là ủy viên Thường vụ không kiêm nhiệm trưởng ban Dân vận; đối với cấp xã, phường, thị trấn nơi nào bố trí được 5 cấp ủy thì Chủ tịch Mặt trận là ủy viên Thường vụ.

Đề cập những thách thức trong việc thực hiện vai trò giám sát và phản biện, ông Hùng cho biết: “Điều kiện năng lực của cơ quan Mặt trận các cấp về đội ngũ cán bộ còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng. Phần lớn cán bộ Mặt trận, đặc biệt là cơ sở, đơn vị miền núi còn nhiều bất cập. Ngoài ra vấn đề kinh phí cũng là một rào cản”. Ông Hùng cho rằng, muốn thể hiện tốt vai trò của Mặt trận nói chung, trong đó có giám sát và phản biện xã hội, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là người đứng đầu Mặt trận các cấp phải thực sự bản lĩnh, có trí tuệ, có khả năng tập hợp, tổng hợp, thể hiện chính kiến của nhân dân tại các diễn đàn. Hiện nay, vai trò người đúng đầu đã được đặt vào vị trí thuận lợi có chức vụ, có tiếng nói chỉ còn chờ việc thể hiện vai trò đó như thế nào. Còn theo ông Phạm Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ, thì: “Ở Tam Kỳ, giám sát thì đã làm nhưng phản biện chưa được bao nhiêu. Muốn phản biện tốt đòi hỏi người làm Mặt trận phải có trình độ nhất định. Vì vậy, việc nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ Mặt trận là việc làm hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng cần phải thay đổi, không nên xem Mặt trận như cái “bình phong” như trước nữa”.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc: Thuận lợi và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO