Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Tăng cường thông tin và kết nối

TÂM ĐAN 05/07/2022 06:12

Thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tập trung vào hai đột phá, đó là “đại đoàn kết dân tộc” và “phát huy nguồn lực kiều bào phục vụ phát triển đất nước”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chia sẻ những kết quả và đề xuất các giải pháp, kiến nghị đến Trung ương về thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: VINH ANH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chia sẻ những kết quả và đề xuất các giải pháp, kiến nghị đến Trung ương về thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: VINH ANH

Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao vừa tổ chức hội nghị quán triệt Kết luận 12-KL/TW ngày 12.8.2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169/NQ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Việt kiều/kiều bào). Trong đó tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cộng đồng kiều bào được xác định là “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Nhiều điểm mới

Trình bày một số điểm mới, đáng chú ý trong Kết luận 12 và Nghị quyết 169, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, về quan điểm chỉ đạo, tại Kết luận 12, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả hơn Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về công tác đối với kiều bào; đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới phải thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng kiều bào, tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào hướng về quê hương. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Hiệu nhấn mạnh, chủ trương chăm lo cho cộng đồng kiều bào thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với bà con ta ở nước ngoài, với vai trò là “bộ phận không tách rời” của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đồng thời phản ánh tinh thần Đại hội XIII của Đảng đối với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nhằm cụ thể hóa và triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị, ngày 31.12.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 169 với 4 điểm đáng chú ý. Các nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết 169 đã đề cập mọi mặt, như công tác đại đoàn kết, vận động, hỗ trợ bà con kiều bào.

Về phương thức, chú trọng hơn việc áp dụng những thành tựu về công nghệ vào quá trình triển khai như đổi mới và đa dạng hóa việc tập hợp ý kiến đóng góp của kiều bào; đa dạng hóa hình thức dạy và học tiếng Việt; đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin đối ngoại...

Huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó phát huy vai trò vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của kiều bào trong triển khai công tác vận động, tập hợp cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa, dạy và học tiếng Việt, thông tin đối ngoại...

Nghị quyết 169 đã cụ thể hóa yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận 12 về việc thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài thông qua các giải pháp hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở sở tại. Nghị quyết 169 tập trung vào hai đột phá trong công tác kiều bào thời gian tới, đó là “đại đoàn kết dân tộc” và “phát huy nguồn lực kiều bào phục vụ phát triển đất nước”.

Gần hơn với kiều bào

Chia sẻ những kết quả triển khai tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, công tác người Việt Nam ở nước ngoài của tỉnh Quảng Nam đã có nhiều tiến bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, tỉnh có gần 20 doanh nghiệp do Việt kiều đăng ký thành lập và góp vốn đầu tư; 10 tổ chức phi chính phủ (NGO) do Việt kiều sáng lập… Giá trị viện trợ bình quân hằng năm do các tổ chức phi chính phủ tài trợ khoảng 6 tỷ đồng.

Việc thu hút chuyên gia là Việt kiều tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Quảng Nam đạt kết quả tốt. Gần đây nhất, với sự kết nối của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Quảng Nam đã mời hơn 20 kiều bào là các chuyên gia, tri thức, nhà khoa học có uy tín từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự và góp ý tại Hội thảo báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Việc duy trì kết nối liên lạc với cộng đồng kiều bào được duy trì thường xuyên thông qua hội đoàn tại các nước sở tại, như Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Đức; Hội người Việt tại Sê Kông (Lào), Hội người Việt Nam ở Ubon Ratchathani (Thái Lan)…

Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn cho rằng, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài, cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức thông tin, cung cấp những thông tin chính xác và kịp thời đến kiều bào nhằm giúp bà con hiểu rõ về quê hương, đất nước.

Tạo điều kiện để kiều bào về địa phương thăm thân, tham gia các hoạt động xã hội, đầu tư, kinh doanh; chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình người Quảng Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài.

Trong công tác thông tin, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và tư duy về thông tin đối ngoại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các phương tiện truyền thông mới, khai thác mặt tích cực của mạng xã hội.

Ông Tuấn cho biết, Quảng Nam đang nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kiều bào - đây là cơ sở quan trọng cho việc hệ thống hóa số liệu kiều bào tại địa phương và là tiền đề để tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung của cả nước. Do đó, Trung ương cần định hướng về phương thức tổ chức khảo sát, khai thác và sử dụng dữ liệu để tạo sự kết nối đồng bộ giữa trung ương và địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Tăng cường thông tin và kết nối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO