Càng ngày, số người đến viếng thăm quần thể Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng càng đông, thậm chí có lúc xảy ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của mỗi cán bộ, nhân viên nơi đây, công tác phục vụ ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Địa chỉ đỏ
Quần thể Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng (bao gồm Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng) đã và đang trở thành một trong những điểm đến ở Quảng Nam được nhiều người ưu tiên lựa chọn. Không chỉ vào các ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ mà ngày nào trong tuần nơi này cũng có khách đến thăm viếng. Ngày ít khách nhất cũng không dưới 100 người; nhiều lúc lượng khách tăng đột biến tới trên dưới 1.000 lượt người mỗi ngày. Như trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa rồi, bình quân mỗi ngày nơi đây đón tiếp tới hơn 2 nghìn lượt khách. Trong đó, có những nhóm khách, đoàn khách đến từ những nơi rất xa như Cà Mau, Kiên Giang, Hà Giang, Lạng Sơn... và kể cả khách nước ngoài. Bà Quách Thị Nhung, 75 tuổi, đến từ Hà Giang, cho biết trong chuyến du lịch miền Trung mùa hè này, gia đình bà quyết định ghé thăm quần thể Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng không phải vì “tò mò” mà hoàn toàn do tâm nguyện muốn được chiêm bái một địa chỉ đỏ có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt. Bà Nhung tâm sự: “Tôi tuổi đã cao, chắc khó có thể đi xa được nữa nên rất tha thiết được đến đây một lần. Những người trong gia đình tôi rất ủng hộ tâm nguyện của tôi, thêm nữa ai cũng muốn được đến thăm viếng nơi đây, thành ra chuyến đi rất ý nghĩa”.
Công tác phục vụ ở quần thể Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng đã và đang trở nên chuyên nghiệp hơn. Trong ảnh: Một đoàn khách đang nghe nhân viên của Ban quản lý quần thể tượng đài thuyết minh về giá trị công trình. Ảnh: P.C.A |
Theo ông Mai Hồng Lâm, Phó trưởng ban quản lý quần thể tượng đài, theo thời gian, lượng khách tìm đến nơi này càng ngày càng đông. Nếu như năm 2015 (từ lúc khánh thành đến hết tháng 12.2015), khu quần thể này có gần 300 đoàn khách với hơn 70 nghìn lượt người đến tham quan, viếng hương thì trong 5 tháng đầu năm nay, đã có tới 380 đoàn khách với hơn 80 nghìn lượt người. Đặc biệt, thông qua việc tiếp đón, hướng dẫn, có thể nhận thấy nhiều người đến đây là để “về nguồn” chứ không phải là du lịch thuần túy. “Hầu như đoàn khách, nhóm khách nào cũng thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm và đề nghị được nghe thuyết minh, tìm hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử của công trình. Thậm chí nhiều người còn đề nghị chúng tôi lập thùng phước sương để du khách được đóng góp tiền phục vụ cho việc phúng viếng, tưởng niệm” - ông Lâm nói.
Chuyên nghiệp hóa công tác phục vụ
Cùng với việc hoàn tất công tác sưu tầm danh sách mẹ Việt Nam anh hùng còn sống của tỉnh Quảng Nam, đẩy mạnh việc sưu tầm hiện vật chuẩn bị cho công tác trưng bày trong lòng tượng đài, đến nay Ban Quản lý quần thể Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng cũng đã lập xong danh sách, danh mục và lý lịch hiện vật do các bảo tàng và địa phương trong nước trao tặng. Trong số 220 hiện vật, 618 ảnh, 18 sách kỷ yếu, 2 tảng đá nguyên khối và 1 bức phù điêu bằng đá tiếp nhận được từ các địa phương trong nước, đơn vị đã đưa một số hiện vật, tư liệu, hình ảnh ra trưng bày, phục vụ du khách. Từ đầu năm đến nay, khu vực trưng bày này tiếp đón hơn 19 nghìn lượt người xem. |
Để đáp ứng việc thăm viếng, nhất là các hoạt động mang ý nghĩa “về nguồn” của các đoàn khách từ khắp nơi trong cả nước, thời gian qua Ban quản lý quần thể Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng đã đẩy mạnh việc cải tiến công tác phục vụ theo hướng chuyên nghiệp hóa. Trong đó, ưu tiên số một là nâng cao chất lượng và phong cách phục vụ của đội ngũ nhân viên làm công tác thuyết minh và tổ chức dâng hương. Thay vì chỉ có một bài thuyết minh chung, đơn vị đã chủ động xây dựng nội dung và kịch bản thuyết minh cho từng đối tượng khách và ở từng khu vực khác nhau. Trong khi đó, nhân viên phục vụ của đơn vị cũng được tập huấn các nghi thức cơ bản để phục vụ việc dâng hương, dâng hoa tưởng niệm của các đoàn khách.
Ngoài ra, một số phần việc phụ trợ khác cũng đã được Ban quản lý quần thể tượng đài thực hiện bài bản hơn. Chẳng hạn như việc trông giữ xe máy, ô tô của khách tham quan, trước đây hoàn toàn do các hộ dân ở khu vực phía trước tượng đài thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm, vừa lộn xộn vừa mất an toàn. Hiện nay, việc trông giữ xe vẫn do các hộ dân ở khu vực này đảm trách nhưng không còn cảnh tranh giành khách nữa do đã được chia phiên và mọi việc đều phải thực hiện theo đúng các cam kết, quy định về an ninh, trật tự. Trong khi đó, nhiệm vụ của các nhân viên bảo vệ, vệ sĩ cũng có thay đổi cơ bản: Thay vì chỉ theo dõi, nhắc nhở, xử lý các sai phạm phát sinh một cách cứng nhắc, những người này còn phải biết chào hỏi, hướng dẫn cho du khách nếu cần. Các dịch vụ chụp hình lưu niệm, trò chơi trẻ em, trưng bày và bán các sản phẩm mỹ nghệ... cũng được “quy hoạch” và giám sát bằng các quy định cụ thể, đảm bảo không ảnh hưởng đến du khách và mỹ quan chung của quần thể tượng đài. Tất cả những việc làm này, theo ông Mai Hồng Lâm, chính là những yếu tố nền tảng nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện và đặc biệt là đảm bảo sự tôn nghiêm cần thiết ở địa chỉ đỏ này.
BẢO ANH