Công tác trợ giúp pháp lý tại phiên tòa: Đáp ứng nhu cầu "được bảo vệ"

X.NGHĨA - HẰNG VÂN 24/12/2012 07:25

Tham gia tố tụng là hình thức quan trọng và thiết thực nhất trong 4 hình thức trợ giúp pháp lý (TGPL) của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh. Những năm qua, trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động tố tụng, đáp ứng nhu cầu “được bảo vệ” tại các phiên tòa của các đối tượng cần trợ giúp.

Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bảo vệ cho các đối tượng cần TGPL tại phiên tòa.  Ảnh: Xuân Nghĩa
Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bảo vệ cho các đối tượng cần TGPL tại phiên tòa. Ảnh: Xuân Nghĩa

Trợ giúp thành công

Giai đoạn 2009 - 2012, Trung tâm TGPL tỉnh đã cử luật sư là cộng tác viên và trợ giúp viên tham gia tố tụng hơn 260 vụ việc, trong đó, luật sư thực hiện 179 vụ. Ông Nguyễn Văn Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết, các luật sư là cộng tác viên và trợ giúp viên pháp lý đã tham gia bào chữa, bảo vệ thành công rất nhiều vụ việc.

Nghị quyết 49 - NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định, một trong những nhiệm vụ cụ thể của cải cách tư pháp là “xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.

Điển hình như vụ vi phạm các quy định về an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng tại huyện Thăng Bình. Bị cáo Nguyễn Văn Trải đã bị TAND huyện Thăng Bình tuyên phạt 6 tháng tù giam, khi xét xử ở cấp phúc thẩm tại TAND tỉnh, có sự tham gia của trợ giúp viên, cấp phúc thẩm xem xét và tuyên phạt Trải 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Hay vụ Lại Phúc Nguyên  bị TAND huyện Thăng Bình tuyên phạt  63 tháng tù giam, trong đó 48 tháng tù về tội cướp tài sản và 15 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Tại cấp phúc thẩm, luật sư và trợ giúp viên tham gia đề nghị chuyển tội danh, hội đồng xét xử đã chấp thuận bị cáo không phạm tội cướp tài sản như án sơ thẩm quy kết, Nguyên chỉ phạm tội cưỡng đoạt tài sản với mức án 36 tháng tù giam. Và mới đây là vụ Huỳnh Ngọc Thương bị Viện KSND huyện Hiệp Đức truy tố các tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản, khi trợ giúp viên tham gia suốt quá trình điều tra cho đến xét xử đã đưa ra luận cứ xác đáng và TAND huyện Hiệp Đức chấp nhận tuyên phạt Thương 13 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản... Cũng theo ông Hoài, quan điểm của trợ giúp viên pháp lý khi bào chữa cho các đối tượng được TGPL tại phiên tòa dân sự, hình sự, hành chính theo quy định pháp luật, dựa trên những chứng cứ giúp cho đối tượng được bảo vệ có các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời làm sáng tỏ tình tiết khách quan trong vụ án, giúp cho TAND có phán quyết đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai hay bỏ lọt tội phạm.

Những trở ngại

Khoản 3, Điều 21 Luật TGPL nêu rõ: “Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính”. Điều 29 của Luật TGPL cũng quy định: “Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho người được TGPL là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc để bảo vệ quyền lợi của người được TGPL là người bị hại, nguyên đơn dân dự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được được TGPL trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính”.

Bên cạnh những mặt làm được, trong thời gian qua công tác TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo ông Lê Văn Hương - Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh, kinh phí thanh toán cho cộng tác viên theo chế độ hiện nay thấp, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, nên có những vụ việc, nhất là các huyện miền núi, thường ít có luật sư tham gia. Nếu có cũng chỉ tham gia vào ngày xét xử, việc nghiên cứu hồ sơ chưa được đầu tư nhiều nên chỉ dựa vào tranh tụng tại phiên tòa để đưa ra những đề nghị với hội đồng xét xử, hoặc gửi bản luận cứ để tòa xem xét…Từ đó, chất lượng một số vụ việc còn hạn chế nhất định, chưa tạo được sự hài lòng của đối tượng. Trong  khi đó, kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án… dành cho TGPL đến nay cũng ít dần, nên công tác truyền thông, bồi dưỡng nghiệp vụ rất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác TGPL nói chung và tham gia tố tụng nói riêng.

Để công tác cải cách tư pháp ở nhiều lĩnh vực được tốt hơn, việc đổi mới trong hoạt động xét xử là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, vai trò của luật sư và trợ giúp viên trong hoạt động tranh tụng tại các phiên tòa càng phải được xem trọng cùng với những điều kiện đảm bảo cho họ góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp nói chung và cải cách hoạt động xét xử nói riêng. Có như vậy mới  thực hiện tốt hơn chế định mà Hiến pháp đã quy định: mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng TGPL khi có yêu cầu, góp phần bảo vệ  công lý và đảm bảo công bằng xã hội.

X.NGHĨA - HẰNG VÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác trợ giúp pháp lý tại phiên tòa: Đáp ứng nhu cầu "được bảo vệ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO