Công tác tuyên truyền bầu cử ở Tây Giang: Làm cho dân hiểu, dân tin

ĐÌNH HIỆP 14/04/2016 08:35

Chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, công tác tuyên truyền đã và đang được huyện Tây Giang triển khai một cách khẩn trương, chu đáo.

Huyện Tây Giang tổ chức tập huấn công tác bầu cử cho cán bộ xã.Ảnh: Đ.HIỆP
Huyện Tây Giang tổ chức tập huấn công tác bầu cử cho cán bộ xã.Ảnh: Đ.HIỆP

Trong những ngày đầu tháng 4, dưới cái nắng oi bức, theo chân các thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (gọi tắt là Hội đồng Giáo dục pháp luật - HĐGDPL) huyện miền núi Tây Giang chúng tôi vượt qua hàng chục cây số đường rừng bằng xe máy, lẫn đi bộ để tuyên truyền pháp luật về bầu cử cho đồng bào các thôn bản xa xôi của huyện... Qua chuyến đi mới hiểu rõ công tác tuyên truyền ở vùng biên này khó khăn như thế nào. Và chính nhờ tuyên truyền tận thôn bản như thế này đã phần nào giúp cho người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sắp đến.

Chuẩn bị chu đáo

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND, kiêm Chủ tịch HĐGDPL huyện Tây Giang cho biết: “Toàn huyện có gần 16 nghìn dân, trong đó hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Song song với công tác tuyên truyền, chúng tôi còn tổ chức các đợt tập huấn về công tác bầu cử cho hơn 200 cán bộ đại diện các phòng, ban liên quan ở huyện, lãnh đạo chủ chốt của 10 xã và cả giáo viên trưng dụng phục vụ cho công tác bầu cử trên địa bàn. Các cán bộ tham gia khóa tập huấn còn được hướng dẫn việc sử dụng, quyết toán kinh phí bầu cử, biểu mẫu, nghiệp vụ phục vụ công tác bầu cử. Đồng thời cùng nhau trao đổi, giải đáp những thắc mắc về công tác bầu cử, qua đó góp phần đảm bảo ngày bầu cử sắp đến diễn ra thật sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm”.

Ngay từ đầu tháng 2, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, HĐGDPL huyện đã tổ chức cuộc họp các thành viên để triển khai công tác tuyên truyền pháp luật về bầu cử cho đồng bào. HĐGDPL huyện có 35 thành viên được chia làm 3 tổ và được phân công tuyên truyền tại 10 xã. Theo đó, các tổ thảo luận, thống nhất nội dung đề cương và thông báo phân công nhiệm vụ trong các hoạt động triển khai tuyên truyền. Nội dung trọng tâm là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cùng với một số văn bản pháp luật khác nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, người dân trong việc tham gia xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân... Là thành viên của HĐGDPL huyện - ông Nguyễn Kim Tuấn, Trưởng Đài Truyền thanh - truyền hình Tây Giang cho biết: “Sau khi nhận nhiệm vụ, các thành viên trong tổ tự thu xếp công việc của đơn vị, tự nghiên cứu tài liệu tuyên truyền. Mặc dù những tài liệu này đã được biên soạn sẵn, nhưng khi tuyên truyền chúng tôi phải soạn lại sao cho ngắn gọn, súc tích nhưng đảm bảo nội dung, đồng thời lồng thêm các ví dụ thực tế để người dân dễ hiểu, dễ nhớ”.

Thay vì tuyên truyền tại cơ quan xã như các đợt khác, đối với bầu cử lần này, HĐGDPL huyện chọn các điểm thôn để triển khai. Trong số những điểm thôn của huyện, thôn Aur (xã A Vương) là địa bàn khó khăn nhất, vì muốn đến được nơi đây thành viên trong tổ phải vượt qua 3 con suối, đi bộ gần 5 tiếng đồng hồ. “Để tổ chức tuyên truyền ở thôn Aur, tổ mình “tuyển chọn” 6 thành viên đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe mới được đi. Ngoài tài liệu, anh em còn trang bị cả mì tôm, võng, chăn gối, với phương châm cùng ăn, cùng ở với dân, làm sao nói cho dân hiểu, dân tin” - anh Nguyễn Đặng Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Nông chia sẻ.

Bám sát cơ sở

Tại thôn Aur, sau bữa cơm tối, tiếng kẻng họp thôn vang lên. Bà con í ới gọi nhau cùng đi. Gươl chung của thôn hôm đó chật kín người. Những nội dung của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp như quy định chung về nguyên tắc bầu cử, quy trình hiệp thương, tiêu chuẩn người ứng cử, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử... lần lượt được các thành viên trình bày một cách cụ thể, dễ hiểu. Những chỗ nào chưa hiểu bà con mạnh dạn hỏi đi, hỏi lại nhiều lần. Ví dụ như độ tuổi nào mới được quyền ứng cử, bao nhiêu tuổi thì được tham gia bỏ phiếu. Hay trường hợp người không tự mình viết, không biết chữ có được nhờ người khác viết hộ, đọc hộ hay không?... Cứ thế việc tuyên truyền được thực hiện theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “chậm chậm mà chắc”... Ngoài việc tuyên truyền cho dân hiểu quy định pháp luật về bầu cử, các thành viên còn nêu lên ý nghĩa của việc tham gia bầu cử lần này, rồi vận động người dân tự giác đi bỏ phiếu, không đi bầu thay, xem bầu cử là trách nhiệm và niềm vinh dự của mỗi người dân.

Thay vì tuyên truyền tại cơ quan xã như các đợt khác, đối với bầu cử lần này, Tây Giang chọn các điểm thôn để triển khai.
Thay vì tuyên truyền tại cơ quan xã như các đợt khác, đối với bầu cử lần này, Tây Giang chọn các điểm thôn để triển khai.

Song song với việc tuyên truyền bằng văn bản, các phòng ban liên quan trực thuộc UBND huyện còn tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền. Bà Phùng Thị Dung - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tây Giang cho biết, đối với công tác tuyên truyền bầu cử, ngay từ đầu năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã có hướng dẫn về công tác tuyên truyền bầu cử theo tinh thần chỉ đạo của Huyện ủy và Hướng dẫn số 03 ngày 28.1.2016 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Các khẩu hiệu tuyên truyền theo hướng dẫn được in ra, gửi về 10 xã và các ngành liên quan. Trung tâm VH-TT huyện cũng đã triển khai việc treo băng rôn, khẩu hiệu cổ động trực quan, đồng thời tổ chức cho xe tuyên truyền lưu động về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trên các tuyến đường. Đài Truyền thanh - truyền hình huyện mỗi tuần xây dựng một chương trình tuyên truyền về bầu cử phát trên sóng đài huyện. Đội chiếu bóng huyện tổ chức các buổi chiếu bóng lưu động về bầu cử.

ĐÌNH HIỆP

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác tuyên truyền bầu cử ở Tây Giang: Làm cho dân hiểu, dân tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO