Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng: Khơi dậy khát vọng và niềm tin

HÀN GIANG 22/11/2023 08:43

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, các cấp ủy đảng đã tích cực nghiên cứu, biên soạn, có nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa tổ chức hội thảo: “Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - thực trạng và giải pháp”. Ảnh: N.Đ
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa tổ chức hội thảo: “Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - thực trạng và giải pháp”. Ảnh: N.Đ

Cách làm của Tam Kỳ

Đến nay, Thành ủy Tam Kỳ đã xuất bản 3 công trình lịch sử Đảng bộ thành phố (các giai đoạn 1930 - 1945, 1954 - 1975 và 1975 - 2010). Hầu hết địa phương cấp xã trên địa bàn đã xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương giai đoạn 1930 - 1975 và đang xúc tiến biên soạn giai đoạn từ 1975 đến nay.

Từ năm 2022, TP.Tam Kỳ đã nâng mức hỗ trợ cho mỗi công trình lịch sử địa phương, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể hoàn thành từ 40 triệu đồng lên 100 triệu đồng.

“Quảng Nam có hàng trăm công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể được xuất bản, góp phần tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng, bồi dưỡng truyền thống cách mạng, nâng cao lòng yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Chính lịch sử vẻ vang, anh hùng của dân tộc ta, của Đảng ta đã trở thành vũ khí hữu hiệu chống lại các luận điệu xuyên tạc, âm mưu diễn biến hòa bình; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những thủ đoạn ngày càng thâm độc của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước”.

(Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan)

Chia sẻ về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng của địa phương, ông Phạm Văn Tưởng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Tam Kỳ cho biết, ở giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, Tam Kỳ là một trong những địa phương có tiến độ chậm của tỉnh trên lĩnh vực này.

Quyết tâm khắc phục, ngày 23/4/2014, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 24 và hiện nay là Chỉ thị số 15, ngày 21/12/2021 về nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể. Thực hiện nghiêm túc chủ trường này, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ trên địa bàn thành phố đã được đẩy mạnh.

Các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng trên địa bàn thành phố được nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bảo đảm quy trình, đáp ứng yêu cầu về tính đảng, tính khoa học.

Chất lượng, nội dung, hình thức và số lượng các công trình không ngừng được nâng lên, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, thù địch trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ cách mạng.

Đặc biệt, đầu năm 2021, trên cơ sở 3 tập “Lịch sử Đảng bộ thành phố” đã được xuất bản, Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ chỉ đạo Ban Tuyên giáo chủ trì tiến hành biên soạn tập “Tài liệu giảng dạy lịch sử Đảng bộ TP.Tam Kỳ”.

Đến giữa năm 2022, tập tài liệu đã được xuất bản và chính thức đưa vào giảng dạy trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của thành phố. Cùng thời gian này, Ban Thường vụ Thành ủy giao UBND thành phố chỉ đạo biên soạn tập “Tài liệu giáo dục lịch sử truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương TP.Tam Kỳ”. Tập tài liệu đã hoàn thành và đồng loạt đưa vào giảng dạy trong các trường THCS, tiểu học trên địa bàn từ năm học 2022 - 2023.

“Các tài liệu được xuất bản, đưa vào giảng dạy đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thành phố, nhất là thế hệ trẻ và học sinh các cấp” - ông Tưởng nói.

Lan tỏa ý nghĩa, giá trị lịch sử

Bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số, nhiều địa phương chú trọng khai thác có hiệu quả các loại hình truyền thông mới, sử dụng hiệu quả internet và mạng xã hội trong công tác tuyên truyền lịch sử Đảng.

Với các hình thức như tuyên truyền qua facebook, group Zalo, bằng hình ảnh Infographic; video… để lan tỏa ý nghĩa, giá trị các sự kiện, nhân vật lịch sử, các công trình lịch sử Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ông Phan Công Lương - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Trà My cho biết, sau khi các đơn vị phát hành lịch sử Đảng bộ, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã chỉ đạo việc phát động, tổ chức thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ địa phương sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân của từng địa phương.

Bên cạnh tuyên truyền thông qua các kênh truyền thống, huyện Bắc Trà My chú trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội.

Cổng thông tin điện tử của huyện Bắc Trà My mở chuyên mục “Du lịch Bắc Trà My” đăng các bài viết giới thiệu về các di tích lịch sử, thắng cảnh cũng như truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của huyện Bắc Trà My qua các thời kỳ lịch sử. Hay chuyên mục “Du lịch 360 độ” phục vụ du khách truy cập nhanh các điểm du lịch và tham quan du lịch ảo đối với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện…

“Bắc Trà My đã có nhiều cách làm và sự nỗ lực tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng thông qua các kênh thông tin, nền tảng mạng xã hội mang lại kết quả tích cực. Qua đó, góp phần quảng bá, lan tỏa sâu rộng thông tin giới thiệu về mảnh đất, con người, các di tích lịch sử, văn hóa; cũng như lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất ra phạm vi toàn tỉnh và cả nước” - ông Lương nói.

Tại Núi Thành, ông Đoàn Xuân Quang - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Núi Thành cho hay, nội dung lịch sử địa phương đã được đưa vào giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng đảng viên mới, học sinh các trường trong huyện hoặc các buổi sinh hoạt đảng bộ, chi bộ cơ sở.

Cùng với đó, tổ chức tổng kết công tác viết sử và phát động các cuộc thi tìm hiểu lịch sử nhân các ngày lễ lớn của địa phương. Có thể kể đến như đang phát động và tổ chức cuộc thi tìm hiểu 40 năm thành lập và phát triển huyện Núi Thành bằng hai hình thức: thi viết do Phòng VH-TT tổ chức dự kiến chấm chọn tổng kết phát thưởng đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập huyện Núi Thành (3/12/2023) và cuộc thi bằng hình thức trắc nghiệm trên Cổng thông tin điện tử huyện Núi Thành do Huyện đoàn tổ chức.

“Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được các cấp, ngành trên địa bàn huyện thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả thông qua nhiều hình thức phù hợp. Từ đó, góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, khơi dậy khát vọng, niềm tin cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân, tạo không khí thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng bộ đề ra” - ông Quang chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng: Khơi dậy khát vọng và niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO