Ngày bầu cử, ai cũng diện cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, có mặt rất sớm và xếp hàng thẳng tắp trước không gian gươl làng, chờ đến lượt mình bỏ phiếu. Đó là cách mà đồng bào miền núi thể hiện tính cộng đồng, sau những cuộc tuyên truyền của các già làng, trưởng bản, người có uy tín...
|
1. Buổi sáng, màn sương dày đặc như phủ kín khắp con đường về các bản làng vùng cao Đông Giang, những bóng người vội vã tìm về không gian gươl làng, sau tiếng trống thúc giục. Làng Bút Nhót (xã Sông Kôn, Đông Giang) vào ngày hội bầu cử, sắc phục truyền thống rực rỡ dưới ánh nắng ban mai của núi. Ai cũng hớn hở vào trong gươl, làm tròn nghĩa vụ công dân của mình trước sự chứng kiến của già làng, trưởng bản. Trong câu chuyện của chúng tôi với dân làng, là cả niềm tin vào sự lựa chọn của họ, cho một miền núi phát triển hơn, no ấm hơn. Bởi họ tin tưởng vào đại biểu của mình, bằng lá phiếu của mình như họ đã từng tin vào Đảng, Bác Hồ và cả những vị già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư miền núi. Tôi biết vai trò của những già làng, trưởng bản ở vùng cao quan trọng như thế nào đối với đồng bào, dân bản. Khi vai trò đó được phát huy, tiếng nói chung của cộng đồng được nâng cao.
Trước ngày bầu cử sớm ở xã Đắc Tôi (Nam Giang). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Một ngày trước khi diễn ra bầu cử, già làng Bút Nhót - Ating Cao Tin cùng một vài người có uy tín trong làng đã trực tiếp đến từng hộ dân để động viên họ tham gia đi bỏ phiếu đúng thời gian quy định. Đến hộ nhà nào, già Cao Tin cũng như đều thông tin cụ thể về thời gian, điểm điểm tổ chức ngày hội bầu cử. Ông cũng không quên lồng ghép nhiều nội dung bổ ích về quyền và nghĩa vụ của công dân, các tiểu sử đại biểu ứng cử và dặn dò đồng bào mặc trang phục truyền thống đến với hội làng đặc biệt này. Khoảng hơn 4 giờ sáng 22.5, già Cao Tin đến gươl làng, đánh trống k’thu kêu gọi đồng bào, cử tri địa phương đến điểm bầu cử để thực hiện nhiệm vụ bỏ phiếu. Truyền thống của đồng bào Cơ Tu, tiếng trống như một tín hiệu đặc trưng, thông báo cho dân làng cùng đến tập trung tại gươl để họp bàn hoặc tổ chức sự kiện trọng đại. “Ở miền núi, điều kiện khó khăn nên không có loa phát thanh để kêu gọi người dân. Tiếng trống vì thế được xem như tiếng nói của già làng, thể hiện vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Nghe tiếng trống, tất cả dân làng đều có mặt đông đủ để bỏ phiếu bầu chọn những người có đủ đức tài, phục vụ đất nước” - già Cao Tin bộc bạch.
Cử tri đồng bào Cơ Tu thực hiện bỏ phiếu trước sự chứng kiến của đại diện cán bộ thôn. |
2. Trung tuần tháng 5, xã biên giới Chơ Chun (huyện Nam Giang) rộn ràng với nhiều hoạt động trang trí, chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm vào ngày 19.5. Từng được biết đến với cái tên “xã 5 không”, nhiều làng bản ở Chơ Chun không đủ nguồn lực để dựng gươl chung. Khu vực bầu cử, vì thế cũng mượn tạm không gian nhà ở của những hộ dân địa phương. Tại thôn Blăng (xã Chơ Chun) trước ngày bầu cử sớm, chính quyền địa phương huy động lực lượng dân quân xã phối hợp với người dân tại chỗ cùng tổ chức trang trí khu vực bỏ phiếu, đảm bảo theo yêu cầu của cấp trên. Chỉ sau cuộc họp bàn, hàng chục thanh niên ở các thôn đã có mặt cùng tham gia công việc chung được các già làng, trưởng bản phân công. Vài ngày trước hội diễn ra, tổ phục vụ bầu cử cũng đã ở lại các điểm bỏ phiếu, cùng chủ nhà “giữ” không để tình huống bất ngờ xảy ra. Cận ngày bầu cử, tiết trời Nam Giang chuyển mưa lớn kèm gió giật mạnh, các già làng, trưởng bản có mặt kịp thời để xử lý tình huống bất ngờ. Đại diện lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Nam Giang cho hay, dù áp lực bầu cử khá lớn nhưng mỗi khi giao nhiệm vụ cho các già làng, trưởng bản họ đều rất an tâm. Bởi ở nhiều vùng miền núi, tiếng nói của già làng luôn được xem là “tối thượng”, như một quy định bất thành văn, từ bao đời.
3. Tại thôn Xóm 10 (xã Đắc Tôi, Nam Giang), dù đã cuối giờ trưa nhưng vẫn luôn có hơn chục người dân địa phương cùng chung tay trang trí khu vực bầu cử. Ông Zơrâm Huôn - Bí thư Chi bộ thôn cho biết, người dân địa phương rất háo hức chờ đợi đến ngày bầu cử sớm. Trước đó, khi công việc nương rẫy đã hoàn tất, đồng bào lại cùng nhau dọn dẹp, trang trí khu vực bỏ phiếu tại làng, phục vụ bầu cử. Chiều 18.5, một ngày trước khi cuộc bầu cử sớm được khai mạc, tại gươl làng ông Huôn lấy thẻ cử tri phát cho người dân và không quên dặn dò họ tự bảo quản thật tốt để ngày mai đi bầu cử. “Mình giữ hộ thẻ cho đồng bào, vì sợ phát sớm, đồng bào đi nương, đi rẫy sẽ làm mất” - ông Huôn chia sẻ.
Ông Huôn cũng như nhiều già làng, trưởng bản, cán bộ uy tín khác ở miền núi chuyên làm nhiệm vụ giữ hộ thẻ cho cử tri tại địa phương. Qua đó nhằm bảo quản cũng như thể hiện vai trò, trách nhiệm của họ đối với dân làng. Ông Chờ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang chia sẻ, không chỉ riêng cuộc bầu cử, hầu hết công việc thường ngày ở các bản làng vùng cao cũng đều có tiếng nói của già làng, trưởng bản. Bằng việc làm cụ thể, họ đã góp phần vào sự thành công chung của ngày hội bầu cử tại địa phương. Vì thế, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, vai trò của các già làng, trưởng bản luôn được xem là “kênh thông tin” bổ ích giúp chuyển tải nhiều nội dung quan trọng, đem các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào vùng cao một cách hiệu quả nhất.
ALĂNG NGƯỚC