Những ngày này, nhà thầu công trình đường vào trung tâm xã A Xan, nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang (giai đoạn 1) túc trực trên công trường để tranh thủ thời tiết thuận lợi là thi công ngay.
Nhà thầu tập kết phương tiện, máy móc và vật liệu thi công cấp phối đá dăm nền mặt đường. Ảnh: C.T |
Công trình chiến lược
Nhằm từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển vùng tây của tỉnh, ngày 5.9.2016, Sở Giao thông vận tải (GTVT) chính thức phát lệnh khởi công công trình đường vào trung tâm xã A Xan, nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang. Giai đoạn 1 triển khai hơn 11,750km chiều dài, có điểm đầu nối tiếp vào lý trình km52+000 đường A Zích - Lăng - A Xan (tuyến ĐH1.TG), địa phận xã A Xan; điểm cuối km11+750 thuộc trung tâm xã Ch’Ơm, cách cửa khẩu phụ Tây Giang khoảng 3km và cách biên giới Việt Nam - Lào khoảng 6km. Về tầm quan trọng của dự án, ông Nguyễn Văn Nhân - nguyên Giám đốc Sở GTVT từng đánh giá, công trình sẽ xóa bỏ bề mặt đường đất, vốn rất khó đi vào mùa mưa, kể cả đi bộ. Từ đây, kết nối hệ thống giao thông huyết mạch giữa các xã của Tây Giang vào tỉnh lộ 606. Với công trình chiến lược này, hạ tầng giao thông ở các xã vùng cao Tây Giang sẽ từng bước hoàn chỉnh, nhân dân đi lại thuận lợi hơn, mở ra cơ hội thoát khỏi đói nghèo cho đồng bào. Cung đường còn góp phần triển khai hiệu quả công tác y tế, giáo dục, giữ vững an ninh - quốc phòng, phát triển hạ tầng khu cửa khẩu phụ Tây Giang, tăng cường giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới.
Công trình được UBND tỉnh giao Sở GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam là đại diện chủ đầu tư. Bình đồ tuyến thiết kế bám theo đường đất cũ kết hợp chỉnh cục bộ một số đoạn để đảm bảo tiêu chuẩn cấp đường, riêng hướng tuyến đoạn km6+500 - km9+00 đi mới hoàn toàn. Nhà thầu triển khai dự án là Công ty TNHH MTV Hữu Hay, tiến độ theo hợp đồng 34 tháng (kết thúc đầu tháng 7.2019). Trước tầm quan trọng của công trình, doanh nghiệp đã tập trung tối đa phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng; máy xay đá cũng được lắp đặt trên công trường, đảm bảo tận dụng nguồn đá tại chỗ. “Đội ngũ cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật có trình độ, kinh qua nhiều hạng mục ở địa bàn miền núi được huy động. Việc đăng ký tạm trú với chính quyền và đồn biên phòng sở tại cho các thành viên đều tuân thủ đúng quy định” - đại diện nhà thầu chia sẻ. Được giao điều hành trực tiếp trên công trường, kỹ sư Phan Thanh Hải - cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho hay, đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên theo dõi, kiểm tra chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Nếu gặp khó khăn trong lúc thi công, tư vấn giám sát sẽ họp bàn tìm phương án tối ưu có thể.
Nỗ lực vượt khó
Dự án có quy mô xây dựng đường cấp VI miền núi theo tiêu chuẩn TCVN 4054-2005; vận tốc thiết kế 20km/giờ. Nền đường rộng 6m, mặt đường kết cấu bằng bê tông xi măng rộng 3,5m (lề mỗi bên rộng 1,25m). Tổng mức đầu tư 185,733 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng và ngân sách tỉnh. Giá trị các hợp đồng là gần 155 tỷ đồng (giá trị xây lắp chiếm 143,34 tỷ đồng). |
Có mặt trên công trường tuần qua, PV Báo Quảng Nam ghi nhận không khí lao động khẩn trương. Nhà thầu chia làm 2 mũi thi công, một từ đầu tuyến đẩy lên, một ở đoạn giữa tiếp tục làm về phía tây. Phụ trách đoạn qua xã A Xan, kỹ sư Huỳnh Xuân Thương cho hay, đội của anh hiện đổ bê tông xi măng được 3,5km/7,2km mặt đường đảm nhận. Phần lớn chiều dài nền đường còn lại đã hoàn thành và sẽ triển khai xong trong thời gian ngắn sắp đến. Theo ông Trần Hữu Tuấn - đại diện Công ty TNHH MTV Hữu Hay, đoạn thuộc địa phận xã Ch’Ơm chỉ còn 1km chưa đổ bê tông xi măng. Đội chuyên trách đang cho sửa lại mặt bằng để ra cấp phối đá dăm nền đường, nếu thời tiết thuận lợi thì 10 ngày nữa sẽ hoàn thiện mặt đường. Thống kê của kỹ sư Phan Thanh Hải cho biết, nhà thầu đã thi công hoàn thành khoảng 97% khối lượng nền đường, lắp đặt hoàn thiện cống thoát nước ngang, làm đạt 9/11,75km chiều dài móng cấp phối đá dăm, đổ 7km mặt đường bê tông xi măng.
Việc triển khai các phần việc kể trên tại công trường của dự án chủ yếu tập trung vào buổi sáng. Bởi lẽ, thời tiết ở khu vực vùng cao này mưa nhiều, lại khá thất thường. Theo một công nhân tại đây, nắng ráo thường xuất hiện nửa ban ngày, riêng năm 2017 chỉ có khoảng hơn 2 tháng là thời tiết thuận lợi. Địa hình miền núi vốn phức tạp, gặp mưa triền miên khiến thời gian “chết” rất nhiều, vì họ không thể làm gì được với đất cao lanh nhão nhẹt. Trước tình hình đó, nhà thầu phải luôn tăng cường nhân lực và thiết bị túc trực, sẵn sàng thúc đẩy thi công bù lại thời gian trì hoãn do vướng mặt bằng (của năm 2017) và bất lợi về thời tiết. Ông Trần Cảnh Hà - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, trước mắt chỉ đạo nhà thầu thi công nền tới đâu thì làm rãnh thoát nước dọc tới đó. Đồng thời điều chỉnh thời gian đổ bê tông xi măng phải tiến hành vào lúc sáng sớm, để kịp xong mẻ trước buổi trưa, tránh gặp mưa gây ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường. Chủ đầu tư luôn bám sát chỉ đạo, động viên nhà thầu nỗ lực khắc phục khó khăn, áp dụng giải pháp kỹ thuật thi công hợp lý, phấn đấu trong năm 2018 sẽ hoàn thành cơ bản công trình, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
CÔNG TÚ