(QNO) - Công trình nước sạch tại tổ 1, thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) có kinh phí đầu tư 7,8 tỷ đồng, nhưng sử dụng không được bao lâu thì ngưng hoạt động và hiện đã xuống cấp.
Công trình nước sạch tiền tỷ ở thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2. Ảnh: XUÂN THỌ |
Bắt nước sạch, dùng nước giếng
Có mặt tại tổ 1 (thôn Thạch Kiều) vào ngày 23.2, chúng tôi ghi nhận tình trạng khô trơ đáy của 2 bể chứa; hệ thống điện đã hư hoại rất nhiều; nhiều hạng mục khác xuống cấp khá trầm trọng, bị “bỏ mặc” khoảng nửa năm qua.
Nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp khá trầm trọng. Ảnh: XUÂN THỌ |
Vẫn chưa hết bức xúc về thực trạng trên, bà Phạm Thị Nga (57 tuổi, tổ 1, thôn Thạch Kiều) cho biết cách đây khoảng 4-5 năm, khi công trình nước sạch này hoàn thành, bà phải bỏ ra 1,2 triệu đồng để bắt đường ống dẫn nước sạch về nhà mình. “Nhưng mới dùng được vài lần, là nhà tôi không dám sử dụng nữa vì nước có mùi hôi, lại có nhiều màu và bẩn nữa” - bà Nga nói.
Để có nước dùng, bà Phạm Thị Nga phải bỏ ra vài triệu đồng để đóng giếng tại nhà dùng trong sinh hoạt. Tuy nhiên, do nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn nên bà phải làm một bể lọc nước. Còn nước uống hay nấu cơm, bà phải đạp xe khoảng 2km mỗi ngày để chở nước giếng từ các thôn khác.
Tốn 1,2 triệu đồng để bắt đường ống dẫn nước sạch, nhưng nhiều năm qua bà Phạm Thị Nga phải lọc nước từ giếng đóng để sử dụng. Ảnh: XUÂN THỌ |
Cùng tâm trạng bức xúc, bà Nguyễn Thị Nga (71 tuổi, tổ 1, thôn Thạch Kiều), than thở: “Tôi mất tới 2 triệu đồng để bắt đường ống dẫn nước sạch về nhà, mà có dùng được đâu. Không có tiền đóng giếng, mỗi ngày tôi cũng phải đi chở nước về dùng và mua nước lọc để uống”.
Chúng tôi tiếp tục ghi nhận có khá nhiều hộ dân ở đây đang cùng chịu cảnh như thế. Họ nói rằng, không biết đến khi nào mới có thể dùng nước sạch, dù nơi ở cách công trình nước sạch tiền tỷ không xa.
Dẫn nước sạch từ Tam Kỳ
Làm việc với chúng tôi, ông Trần Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 thừa nhận việc xuống cấp và “bỏ mặc” công trình nước sạch ở thôn Thạch Kiều.
Ông Xuân cho biết công trình này do một đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2012 với kinh phí 7,8 tỷ đồng, dự tính cung cấp nước sạch cho 800 hộ dân. Khoảng 1 năm sau thì ngưng hoạt động.
Bể chứa khô trơ đáy. Ảnh: XUÂN THỌ |
Đồng thời, người đứng đầu UBND xã Tam Xuân 2 cũng cho hay chính quyền địa phương đã bày tỏ quan điểm không đồng tình khi đơn vị đầu tư khảo sát và chọn vị trí xây dựng công trình nước sạch hiện tại.
“Công trình này đặt cạnh và lấy nguồn nước từ sông Bá Túc. Do đó, ngay từ khi họ khảo sát, chúng tôi đã không đồng ý vì nguồn nước ở sông này còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khá nhiều, đó là chưa nói đến những vấn đề ô nhiễm khác. Sau đó, chúng tôi đề nghị lấy nguồn nước từ hồ Phú Ninh cho đảm bảo, nhưng chủ đầu tư không chịu vì đường ống dẫn kéo dài, làm tăng kinh phí” - ông Xuân nói.
Về tình trạng khi đưa vào sử dụng, nguồn nước bị hôi, có nhiều chất bẩn, ông Xuân cho rằng có thể do hệ thống và quy trình xử lý của công trình nước sạch không đảm bảo.
Theo một số người dân, công trình này gần như bỏ hoang khoảng nửa năm nay. Ảnh: XUÂN THỌ |
Từ bức xúc của người dân, UBND xã Tam Xuân 2 đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư khắc phục, và dù đã khắc phục nhưng vẫn không mang hiệu quả. “Đến năm 2015, Sở NN&PTNT đề nghị bàn giao lại công trình này, nhưng chúng tôi không đồng ý vì công trình có sử dụng được đâu, lại đang xuống cấp” - ông Xuân cho biết thêm.
Để giải quyết vấn đề nước sạch, đầu năm 2016, UBND xã Tam Xuân 2 đã làm việc với Nhà máy nước Tam Kỳ để đưa nước sạch từ Tam Kỳ về cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, còn không ít hộ dân vẫn chưa tiếp cận được với nguồn nước sạch này.
Lý giải điều này, ông Xuân cho rằng đó là những hộ ở hơi xa đường ống dẫn chính, và số hộ lại không nhiều nên đơn vị cung cấp nước sạch chưa triển khai ngay vì vấn đề kinh phí.
XUÂN THỌ