|
(QNO) - Liên quan đến công trình nước sạch tiền tỷ ở thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) xuống cấp trầm trọng, để rõ hơn sự việc, chúng tôi đã làm việc với đại diện chủ đầu tư là Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam.
Chỉ sau 1 năm hoạt động, công trình nước sạch tiền tỷ ngưng hoạt đông đến nay. Ảnh: XUÂN THỌ |
Về những thông tin mà Báo Quảng Nam online đã phản ánh về tình trạng công trình xử lý nước sạch ở thôn Thạch Kiều bị xuống cấp và ngưng hoạt động nhiều năm nay, ông Lê Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam thừa nhận là đúng sự thật.
Giải thích về thực trạng này, ông Dũng cho biết theo hồ sơ dự án, công trình này đã sử dụng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư. Trong đó, có 40% là vốn đối ứng của người dân địa phương được hưởng lợi từ công trình.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của người dân lúc triển khai công trình còn khó khăn nên không thể đáp ứng được nguồn vốn đối ứng theo quy định. Để thay thế nguồn vốn đó, trung tâm đã trưng dụng lại hệ thống đường ống dẫn nước cũ (bằng nhựa) của tổ chức Đông Tây hội ngộ trước đây để dùng cho công trình.
Dù đã nhiều lần thực hiện vệ sinh đường ống cũ nhưng do đường ống này qua nhiều năm không được sử dụng nên đã bị ô nhiễm nặng, có số đoạn đã bị nứt, bể,… Chính vì vậy, nguồn nước từ công trình dẫn về nhà các hộ dân cũng bị ô nhiễm.
Ở gần công trình nước sạch, nhưng nhiều năm qua bà Phạm Thị Nga (thôn Thạch Kiều) phải lọc nước từ giếng đóng để sử dụng. Ảnh: XUÂN THỌ |
Về quyết định chọn thôn Thạch Kiều để xây dựng công trình, ông Dũng cho biết: “Trong quá trình thực hiện công tác khảo sát tác động môi trường và chất lượng nguồn nước đầu vào, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, không thể lấy nguồn nước xa hơn vì thiếu kinh phí. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm đó, chúng tôi đã đầu tư vào công trình hệ thống xử lý lọc thô qua nhiều bồn bằng bơm cao áp và xử lý vi sinh gây hại bằng hóa chất. Tiêu chuẩn đầu ra tại bể được kiểm định an toàn theo kết quả của các đoàn thanh tra. Như vậy, nước xuống đến hộ dân bị ô nhiễm là do đường ống dẫn chứ không phải do nguồn nước đầu vào và quy trình xử lý tại công trình”.
Thời gian qua, đã nhiều lần Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam thực hiện khắc phục tình trạng ô nhiễm nói trên nhưng không mang lại hiệu quả. Muốn chấm dứt ô nhiễm thì phải thay mới hệ thống dẫn nước, nhưng kinh phí quá lớn nên công trình bị bỏ hoang lâu nay.
Mặt khác, nhiều hộ dân tại xã Tam Xuân 2 hiện nay đã sử dụng được nguồn nước từ Nhà máy nước Tam Kỳ nên họ đã cắt hẳn đường ống từ công trình xử lý nước sạch.
Bể chứa khô trơ đáy. Ảnh: XUÂN THỌ |
“Vừa qua, chúng tôi đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT đề nghị thanh lý và chuyển giao các hạng mục của công trình xử lý nước sạch tại xã Tam Xuân 2. Trong thời gian sắp tới, UBND tỉnh sẽ triển khai mở rộng các dự án đưa nước sạch từ đô thị về những vùng nông thôn giáp ranh. Và đến khi đó, trung tâm cũng sẽ đề nghị thanh lý các công trình nước sạch ở những vùng nông thôn đó nếu người dân có nhu cầu thay thế” - ông Dũng cho biết thêm.
Trước đó, Báo Quảng Nam online đã có bài viết và video phản ánh tình trạng xuống cấp trầm trọng, bỏ hoang của công trình nước sạch tại thôn Thạch Kiều.
Công trình có vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng và theo dự kiến, sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 800 hộ dân, nhưng chỉ sau 1 năm hoạt đồng, công trình này “đứng bánh” đến nay.
XUÂN THỌ - PHAN VINH