(PR) - Được Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam hợp đồng quản lý, sửa chữa thường xuyên 17 tuyến tỉnh lộ và 4 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam luôn chủ động trong việc lên kế hoạch, xây dựng kịch bản và tiên phong triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ để đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn.
Chuẩn bị chu toàn
“Nhằm khắc phục kịp thời những sự cố do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cho người, tài sản cũng như giao thông thông suốt trên các tuyến đường, các công trình mà công ty đang quản lý và xây dựng, chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ huy phòng chống bão lũ và hằng năm đều kiện toàn về mọi mặt.
Từ đây, ban chỉ huy xây dựng phương án phòng ngừa, khắc phục hậu quả bão lụt, giao các xí nghiệp, công trường, phòng ban trực thuộc thực hiện cho hiệu quả” - Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam còn thiết lập 2 tổ phản ánh nhanh, do 2 Phó Tổng Giám đốc gồm ông Nguyễn Cao Cường làm tổ trưởng tổ 1, ông Nguyễn Văn Sỹ làm tổ trưởng tổ 2. Hai tổ này có nhiệm vụ nếu xảy ra hư hỏng, ách tắc giao thông phải huy động máy móc, thiết bị tập trung kịp thời tới hiện trường để giải quyết thông xe trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, các đơn vị chuẩn bị đầy đủ xe, máy, nguyên nhiên liệu, vật liệu, nhân lực, lương thực, thực phẩm, thuốc men sẵn sàng ứng cứu trong mọi thời điểm với 4 phương châm tại chỗ: “Lực lượng tại chỗ - chỉ huy tại chỗ - vật tư, hậu cần tại chỗ - thiết bị tại chỗ”.
Mỗi đơn vị trực thuộc công ty phải lập kế hoạch phòng chống bão lụt và thành lập đội phòng chống lụt bão, do người đứng đầu đơn vị làm trưởng ban. Lực lượng này sẽ thường trực tại các điểm xung yếu, hoặc tập trung tại “đại bản doanh” nhằm có thể điều động được ngay.
Điều đáng chú ý là đội phòng chống lụt bão các đơn vị phải chịu sự điều hành trực tiếp của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão công ty, để khi cần điều động đi ứng cứu hoặc giải quyết hậu quả bão lụt bất cứ nơi đâu thì phải triệt để chấp hành. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đặc biệt, việc đảm bảo đủ người phục vụ cho công tác phòng chống bão lụt là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, công ty yêu cầu các đơn vị quản lý đường sá không được cho người lao động nghỉ phép trong mùa mưa bão, trừ trường hợp đặc biệt phải có sự đồng ý của Tổng Giám đốc. Đồng thời để tránh rủi ro, các đơn vị không để người đi lại trong mưa lụt khi không có nhiệm vụ.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam - ông Nguyễn Văn Sỹ cho hay, trưởng đơn vị là người thừa ủy quyền của Tổng giám đốc, luôn thường trực tại đơn vị trong mùa mưa bão, toàn quyền điều hành công tác phòng chống bão lụt tại cơ sở; tiếp nhận và thực hiện mọi chỉ đạo của ban chỉ huy phòng chống lụt bão cấp trên.
Trong mùa mưa bão, đơn vị cử người trực tại văn phòng 24/24 giờ để thường xuyên cập nhật số liệu, báo cáo diễn biến tình hình bão lụt xảy ra trên các tuyến đường, các công trình đang quản lý, thi công về Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão công ty biết và có phương án cùng các đơn vị khác xử lý kịp thời.
Cử lực lượng tuần đường thường xuyên kiểm tra, báo cáo ngay tình hình trên tuyến nếu có sự cố xảy ra. Kiểm tra kỹ các công trình thoát nước, các công trình bảo vệ đường bộ, mái ta luy cao, địa chất yếu, dễ sạt trượt, cây cối dễ ngã đổ; điểm thường xảy ra ngập lụt có lưu tốc dòng chảy lớn, dễ gây ách tắc giao thông làm thiệt hại đến người và tài sản.
Tiên phong khai thông
Theo ông Đặng Thơ - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam, doanh nghiệp đã trang bị cho các đơn vị đủ nhiên liệu, vật tư (đá hộc, rọ thép) để khắc phục bão lũ hàng năm.
Nếu thiếu, công ty sẽ có kế hoạch bổ sung, chỉ đạo tập kết ở các vị trí xung yếu, hoặc ở nơi dễ huy động nhất. Xe máy làm công tác phòng chống bão lụt phải đảm bảo hoạt động tốt, có đủ nhiên liệu dự trữ phục vụ thi công và thường trực tại nơi dễ điều động nhất.
Việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men được quan tâm chu đáo, đủ để phục vụ cho số người của đơn vị với thời gian ít nhất là 5 ngày. Dụng cụ sản xuất, phòng hộ lao động cho người tham gia phòng chống lụt cũng phải lo xong chu toàn.
“Trước mùa mưa bão, tất cả các đơn vị quản lý, sửa chữa đường sá trực thuộc công ty phải thực hiện nhiệm vụ thanh thải dòng chảy cho các công trình trên tuyến. Cử người thường xuyên trực, tuần tra liên tục trên tất cả các tuyến giao thông đang quản lý” – ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Để đề phòng thiệt hại, vật tư, vật liệu, xe máy, tài sản, thiết bị thi công sẽ được tập kết nơi không có lũ lụt, không có cây cối ngã đổ, không có sụt trượt do mưa bão gây nên. Khi có sự cố xảy ra, trưởng đơn vị báo cáo ngay với công ty chỉ đạo biện pháp khắc phục và phải tiến hành thực hiện đảm bảo giao thông bước một để lưu thông thông suốt trong bất kỳ tình huống nào. .
Ngoài ra, khi xảy ra sự cố tắc giao thông, các đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có tuyến đường đi qua cũng như Thanh tra Sở GTVT triển khai phương án khắc phục hậu quả tốt nhất; phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Xí nghiệp đá - bê tông nhựa trực thuộc công ty chuẩn bị máy xúc lật, máy đào bánh xích và lượng đá hộc khoảng 300m3 để khi cần cứu hộ cứu nạn, đảm bảo giao thông cho bất kỳ nơi nào thì đáp ứng được ngay.