Trong khi chưa chấp hành lệnh phạt vì nhiều lần lén lút xả thải trái phép ra môi trường, Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai tiếp tục tái phạm xả nước thải chưa qua xử lý ra bên ngoài gây hiện tượng cá chết hàng loạt...
Một góc nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai.Ảnh: TRẦN HỮU |
Tái phạm
Cuối năm 2015, nhiều người dân xã Tam Hiệp, Núi Thành phản đối nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai (thuộc Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai) xả thải nguồn nước chưa qua xử lý của nhà máy gây cá nuôi chết hàng loạt. Tình hình có vẻ tạm thời lắng xuống khi nhà máy đã thương lượng, bồi thường, hỗ trợ tiền cho một số hộ dân xác định được mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, những hành vi sai phạm “quen thuộc” của nhà máy này luôn được người dân theo dõi, giám sát chặt chẽ. Ngày 15.6.2016, phản đối trước doanh nghiệp tùy tiện xả thải, người dân thôn Đại Phú (xã Tam Hiệp, Núi Thành) đã tập trung đông người, yêu cầu nhà máy đóng tất cả cửa xả ra ao hồ, sông. Cách đó 2 tuần, công ty đã để xảy ra tình trạng nước thải tràn ra đường trục chính của khu công nghiệp và người dân bắt quả tang công ty xả nước thải từ hồ xử lý nước thải ra sông Bến Ván. Do quá bức xúc người dân đã lấp miệng cống. Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Trương Văn Trung cho hay, để không làm mất an ninh trật tự, chính quyền địa phương đã vận động người dân không được manh động, đồng thời đề nghị phía doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định xả thải.
Người dân thôn Đại Phú phản ảnh, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 23.7, tại khu vực mương thoát nước mưa sát cạnh tường rào của công ty, đã xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ra tình trạng cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Ngay lập tức đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã có mặt tại hiện trường và ghi nhận nước kênh có màu đen sẫm, cá chết nổi nhiều trên mặt nước. Một số cá có biểu hiện chết đã lâu do có hiện tượng rêu bám; một số cá chết đang chìm dưới đáy và bắt đầu trương bụng nổi lên. Qua xem xét hiện trường, mương thải không có nguồn tiếp nhận từ khu vực chung quanh. Đoàn thanh tra xác định 2 cửa xả từ khu vực cống thoát mưa có lẫn cặn than cám xả ra mương, vừa bị lấp đất và gạch. Tại thời điểm kiểm tra, kho lưu giữ chất thải nguy hại (CTNH) không có rãnh thu gom, không có dấu hiệu cảnh báo, dán nhãn không đúng quy định. Khu vực phía bắc nhà máy còn nhiều vỏ bao bì đựng dầu mỡ, sơn, hóa chất thải để ngoài trời, dầu mỡ còn đổ tràn ở một số vị trí với số lượng khá lớn. Công ty đã chuyển giao CTNH cuối năm 2015 đến nay đã quá 6 tháng nhưng không báo cáo Sở TN&MT. Chuyển giao CTNH nhưng không kê khai chứng từ, không lưu giữ chứng từ CTNH theo quy định. Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai nhập về hàng vạn tấn muối, đá vôi, than đá độc hại nhưng nhà kho lưu giữ không đảm bảo môi trường. Lượng nước sử dụng để sản xuất trung bình 4.600m3/ngày đêm, chủ yếu lấy từ hồ Thái Xuân (xã Tam Hiệp, Núi Thành) và nguồn nước thủy cục.
Cần xử lý nghiêm
Chính quyền xã Tam Hiệp đã nhiều lần kiến nghị: lực lượng chức năng phải bắt buộc công ty khắc phục các sự cố môi trường, bỏ tiền đầu tư các hệ thống xử lý môi trường đảm bảo và có chế tài xử lý cương quyết nếu doanh nghiệp tái phạm. Cử tri địa phương cũng bày tỏ lo lắng, nếu không kiểm soát quy trình xả thải của nhà máy thì sớm muộn gì hơn 40ha ao nuôi trồng thủy sản của người dân cũng bị thiệt hại về kinh tế, quan trọng hơn là sức khỏe của hàng trăm hộ dân sống chung quanh bị đe dọa. Cuối năm 2015, Tổng cục Môi trường đã xử phạt hành chính công ty này hơn 731 triệu đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường, chưa khắc phục việc lót đáy hồ xử lý nước thải nhưng thời điểm này công ty chỉ mới chấp hành nộp phạt 200 triệu đồng. Ông Hoàng Văn Vy - Phó cục trưởng Cục Kiểm soát bảo vệ môi trường thuộc Bộ TN&MT đánh giá, sai phạm của nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai là không thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường như chôn lấp xỉ vôi, nhà máy nhiệt điện, hồ không lót đáy. Thêm vào đó là không thu gom triệt để CTNH, kho lưu giữ chất thải này chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định, không có số đăng ký chủ nguồn thải CTNH. Ngoài ra, lưu giữ chất thải quá 6 tháng nhưng không báo cáo cơ quan có thẩm quyền; chưa có giấy phép xả nước thải ra ngoài môi trường theo quy định.
Cá chết trong ao nuôi của người dân xã Tam Hiệp (Núi Thành) gần nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai. |
Ông Nguyễn Thế Tâm - đại diện Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai đã thừa nhận những sự cố gây ô nhiễm môi trường thời gian qua, cũng như chưa khắc phục hệ thống xử lý nước thải đảm bảo môi trường, đồng ý với nội dung biên bản làm việc của đoàn thanh tra. Về giải pháp khắc phục, đoàn thanh tra yêu cầu công ty vớt lượng cá chết đem xử lý hợp vệ sinh, thu gom toàn bộ nước vệ sinh công nghiệp qua hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường; nạo vét toàn bộ lượng bùn trong hệ thống cống thoát nước mưa, tránh tình trạng nước mưa cuốn chất nhiễm bẩn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức thu gom nguyên liệu, nhiên liệu tập kết vào khu vực có tường bao, mái che nhằm giảm thiểu nước mưa chảy tràn gây ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Văn Vy, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường - Trưởng đoàn thanh tra cho biết, đoàn thanh tra đã lấy 7 mẫu nước và 1 mẫu tro bay để đưa đi kiểm nghiệm, phân tích mức độ ô nhiễm, đồng thời yêu cầu công ty chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Trong khi đó, theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, tháng 4.2014, Bộ TN&MT phê duyệt phương án điều chỉnh xử lý nước thải của nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai dù nhà máy này chưa có thiết kế đập thải và các thông số kỹ thuật cụ thể, gây khó khăn cho ngành chức năng của tỉnh trong kiểm tra, giám sát.
TRẦN HỮU