Là một địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, Quảng Nam đã và đang thu hút đầu tư mạnh. Một trong những yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư quan tâm là sản lượng và chất lượng điện năng, cùng với những cải tiến dịch vụ của Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đối với khách hàng.
Công nhân cải tạo lưới điện, nâng cao chất lượng điện cho khách hàng. Ảnh: T.Lộ |
Đủ điện cho phát triển
Năm 1997, toàn tỉnh có 124 xã có điện thì năm 2003 là 177 xã và đến nay là 239 xã; tỷ lệ số hộ có điện tương ứng 64% - 81,5% - 98,8%. Việc cấp điện cho các doanh nghiệp từ vài chục đến nay tăng gần 20.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các thành phần kinh tế. PC Quảng Nam luôn xác định làm tốt nhiệm vụ cung ứng điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, “xóa đói giảm nghèo”, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Ngành điện đã cùng địa phương đầu tư mở rộng, sửa chữa, nâng cấp lưới điện để đến nay toàn tỉnh có 6.270km lưới điện từ 35kV trở xuống, tăng 3,2 lần; điện thương phẩm đạt hơn 1 tỷ kWh vào năm 2013, tăng 2,37 lần so với năm 2004. Qua đó cho thấy điện năng đã trở thành động lực quan trọng đối với sản xuất kinh doanh, thúc đẩy an sinh xã hội và làm tốt mối bang giao với nước bạn Lào qua việc bán điện cho huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông).
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, PC Quảng Nam bám sát chủ trương cấp điện đến chân hàng rào các nhà đầu tư ở Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu, cụm công nghiệp, góp phần thực hiện chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; nâng cao chất lượng và mở rộng cấp điện nông thôn, góp phần thúc đẩy công nghiệp địa phương và thương mại, dịch vụ. Diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh đổi thay nhanh cùng với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, nên lượng điện tiêu thụ đạt 0,5 tỷ kWh vào năm 2013, tăng hơn 42 lần so với năm đầu tái lập tỉnh (1997). Ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng điện công suất lớn vào sản xuất, kinh doanh đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng…
Đối với sản xuất nông nghiệp, hằng năm PC Quảng Nam ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm điện chống hạn và đẩy mặn, góp phần tưới tiêu chủ động cho hơn 52% diện tích gieo trồng. Ở các huyện đồng bằng, nông dân cũng phối hợp chung vốn đầu tư đưa điện ra hàng chục cánh đồng khô hạn tưới tiêu tại chỗ, cải tạo đất màu. Nhiều trang trại chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy, hải sản cũng được cấp điện đầy đủ. Ngành nông lâm ngư nghiệp nhờ vậy đã phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, xuất khẩu hàng nông sản ngày càng nhiều…
Cải thiện điện nông thôn
PC Quảng Nam còn thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về tiếp nhận, quản lý lưới điện. Giai đoạn 2002 - 2008, tiếp nhận toàn bộ lưới điện khu vực thị trấn, trung du, miền núi và tiến hành cải tạo, nâng cấp, xây dựng thêm nhiều trạm biến áp phân phối; mở rộng phạm vi cấp điện và tăng cường chất lượng điện nông thôn. Giai đoạn 2009 - 2011, tiếp nhận 1.925km hạ áp, 156.096 công tơ và đầu tư khoảng 100 tỷ đồng tu bổ, nâng cấp để nâng cao chất lượng và an toàn điện. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, có thêm 6 huyện miền núi, 115 xã nông thôn cùng hàng chục thôn lẻ có điện. Trong đó, riêng giai đoạn 2004 - 2013, có 1 huyện miền núi và 35 xã có điện. Toàn tỉnh đã có 239/244 xã với 360 nghìn hộ dân mua điện qua 320 nghìn công tơ (chiếm 98,8% số hộ dân). Riêng 5 xã chưa có điện, UBND tỉnh cũng đã có dự án triển khai cấp điện, trong đó 1 xã sẽ đóng điện cuối năm 2014, còn lại sẽ được đầu tư cấp điện vào năm 2015. Tổng Công ty Điện lực miền Trung cũng đã có văn bản triển khai dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An) bằng cáp ngầm vượt biển, tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng.
Điện ở nông thôn không chỉ thúc đẩy an sinh xã hội mà còn là động lực chủ yếu phát triển kinh tế hộ. Điện năng cũng là tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, về tỷ lệ hộ có điện, hầu hết các xã đều đạt tiêu chí, tuy nhiên về chất lượng lưới điện, hơn 50% xã chưa đạt tiêu chí. Từ một tỉnh nhiều nơi thiếu điện, yếu điện đến nay điện đã về đến vùng cao, biên giới, đem lại hiệu ích rất lớn trong cơ khí hóa ngành nghề thủ công; thay đổi tập quán canh tác, tưới tiêu cải tạo vườn đồi, vườn tạp... Nhằm mở rộng phạm vi cấp điện và nâng cao chất lượng điện toàn tỉnh, ngày 10.3.2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 716/QĐ-UBND phê duyệt dự án cấp điện nông thôn của tỉnh giai đoạn 2013 - 2020. Mục tiêu dự án là cấp điện cho 18.149 hộ tại 190 thôn bản của 62 xã thuộc 9 huyện, với tổng vốn đầu tư 687,5 tỷ đồng. Giai đoạn 1 thực hiện đến năm 2015, sẽ có 100% số xã, thôn, nóc và 98% hộ dân nông thôn có điện; giai đoạn 2 phấn đấu 100% hộ dân có điện trước năm 2020. Hiện các ngành chức năng của tỉnh đang triển khai các bước thực hiện dự án.
Điện nông thôn, miền núi là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh điện trên địa bàn 9 huyện miền núi cùng hàng chục xã miền núi ở trung du của tỉnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn như: đầu tư lớn, quản lý khó, nhiều rủi ro, hành lang an toàn lưới điện dễ bị xâm hại, nhưng doanh thu thấp, khó hoàn vốn. Vì thế, sự quan tâm của địa phương và sự hậu thuẫn của người dân là rất cần thiết đối với ngành điện.
NGUYỄN QUANG VINH
(Giám đốc PC Quảng Nam)