Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai: Xây dựng "nền móng" công nghiệp

NHẬT PHONG 06/06/2018 12:26

“Thành công của đối tác là thành công của chính mình” là kim chỉ nam xuyên suốt trong 10 năm qua của Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Chu Lai (Cizidco). Cũng vì hướng đi này mà công ty đã trở thành nhà đầu tư hạ tầng KCN uy tín, tạo bước đột phá để Quảng Nam thu hút nhiều doanh nghiệp chiến lược.

Hạ tầng các khu công nghiệp được Cizidco đầu tư hoàn chỉnh. Ảnh: N.PHONG
Hạ tầng các khu công nghiệp được Cizidco đầu tư hoàn chỉnh. Ảnh: N.PHONG

Đáp ứng hạ tầng

Xe tải chở nguyên vật liệu, hàng hóa, xuôi đường thiên lý Bắc - Nam, về cảng Tam Hiệp, Kỳ Hà; nhà máy, công xưởng mọc lên giữa trảng cát mênh mông nắng Tam Hiệp từng ngày như thể đến từ một phép màu... đã diễn ra suốt 10 năm nay ở KCN Bắc Chu Lai. Khởi sự trong tình thế thiếu nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất và giữa cơn bão khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng Cizidco đã bắt nhịp phát triển rất tốt khi phân kỳ đầu tư hợp lý cho “nền móng” của các KCN này. Các dự án đầu tư hạ tầng đã được công ty triển khai theo hình thức cuốn chiếu. Giải tỏa đền bù đến đâu thì triển khai dự án đến đó, đầu tư hạ tầng song song với việc kêu gọi đầu tư, phù hợp với khả năng tài chính, hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả đầu tư. Kết quả của nỗ lực tự thân vận động là 138,6ha đất giai đoạn 1 của KCN Bắc Chu Lai đã được lấp đầy sau 5 năm. Hiện tại (kể cả dự án đầu tư hạ tầng giai đoạn 2), KCN Bắc Chu Lai đã hiện hữu kết cấu đồng bộ, giá cho thuê lại đất, phí sử dụng hạ tầng hợp lý và các tiếp cận, xúc tiến đầu tư linh hoạt…, đủ sức đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư đến đặt dự án với 80ha đất công nghiệp sạch.

Con số 30 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 77 triệu USD và 4.160 tỷ đồng cùng với những cái tên như Kính nổi, CCI, Mapei, DacotexGroup… đã phần nào nói lên sự thành công của KCN Bắc Chu Lai. Bà Cecile Le Pham - Tổng Giám đốc DacotexGroup nói tập đoàn đã đầu tư tại Huế, Đà Nẵng, nhưng KCN Bắc Chu Lai là nơi doanh nghiệp được hưởng nhiều cơ chế đặc biệt. KCN Bắc Chu Lai thực sự có một môi trường đầu tư tốt. “Mục đích doanh nghiệp sang Việt Nam đầu tư, phát triển sản xuất và chúng tôi đã thành công” - bà nói. Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc  Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai nói chỉ sợ thiếu nhà đầu tư, không thiếu hạ tầng. Công ty đang xúc tiến, chọn lựa các dự án có quy mô lớn, thân thiện với môi trường để đến năm 2020 sẽ lấp đầy KCN này.

“Mở đường” thu hút  đầu tư

Thành công của KCN Bắc Chu Lai đã mở đường cho sự ra đời của KCN Tam Thăng.  Nhưng  nếu KCN Bắc Chu Lai hội tụ đủ loại ngành nghề, từ kính, linh kiện điện tử, gỗ xuất khẩu, mỹ nghệ, máy phát điện, nông ngư cơ, thép không gỉ, bồn inox… và sợ thiếu nhà đầu tư, không thiếu hạ tầng thì KCN Tam Thăng gần như là một KCN “chuyên đề” ưu tiên công nghiệp dệt may, hỗ trợ ngành dệt may và hỗ trợ ngành cơ khí ô tô…, lại “từ chối” các nhà đầu tư vì chưa thể đáp ứng hạ tầng. KCN Tam Thăng thực sự bùng nổ với những dự án đầu tư lớn, được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá mới cho vùng đông Tam Kỳ, có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngành dệt may, cơ khí ô tô. Song không mấy người biết về sự khác biệt của KCN được mệnh danh đạt khá nhiều “kỷ lục” của các KCN Quảng Nam khi chỉ 4 tháng sau ngày khởi công (24.3.2015), Hiệp hội Dệt may Hàn Quốc (hơn 6.000 doanh nghiệp thành viên) đã chọn KCN này để đầu tư các dự án đầy tham vọng của mình. Nhà máy dệt may Panko do Tập đoàn Panko làm chủ đầu tư (70 triệu USD) và nhà máy dệt, phụ liệu Ducksan Vina do Công ty Ducksan Enterprise làm chủ đầu tư (10 triệu USD) của Hàn Quốc đã “mở hàng” cho KCN. Và chỉ trong vòng một năm sau đó, từ một vùng đất ba không (không đường, không điện, không nước), tiến độ đầu tư đường, điện, xử lý nước thải, giải phóng mặt bằng… đã kịp tiến độ đầu tư. Chủ tịch Panko Choi young Joo nói trước khi chọn Quảng Nam, Panko đã xem xét rất nhiều vùng đất tiềm năng khác, nhưng nhận thấy Quảng Nam là một địa điểm hội tụ đầy đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển một nền công nghiệp vững mạnh, lâu dài và môi trường đầu tư tốt nên đã quyết định đầu tư vào KCN Tam Thăng.

Khu công nghiệp Tam Thăng đã được lấp đầy dự án.
Khu công nghiệp Tam Thăng đã được lấp đầy dự án.

Hiện KCN Tam Thăng đã thu hút được 19 dự án đầu tư, với tổng diện tích đất cho thuê gần 110ha (tỷ lệ lấp đầy khoảng 68%). Tổng số vốn đăng ký là 320,7 triệu USD và 373,6 tỷ đồng với sự có mặt của các tập đoàn lớn trên thế giới như Panko, Neo (Hàn Quốc), Fashion Garments (Sri Lanka), Amann (Đức)... Tốc độ thu hút đầu tư nhanh không thể lường trước được này đã khiến Cizidco buộc phải hãm tốc độ thu hút, từ chối nhiều dự án ngành may của các nhà đầu tư khác, chỉ nhận các dự án nguyên phụ liệu, chờ ổn định cho các nhà đầu tư hiện tại mới tính tiếp. “30 doanh nghiệp may Hàn Quốc bị đóng cửa ở Triều Tiên hay nhiều doanh nghiệp khác đến đăng ký, nhưng buộc lòng phải từ chối và hứa hẹn một vài năm nữa mới có thể tính toán được. Hạ tầng hiện tại chỉ có thể vừa đủ phục vụ cho các dự án đầu tư đang có” - ông Chúng nói.

Định danh thương hiệu

Không giới thiệu về con số dự án đầu tư hay tỷ lệ lấp đầy, điều đầu tiên ông Nguyễn Văn Chúng thường giới thiệu về KCN Tam Thăng chính là những con đường đã bắt đầu rợp bóng cây xanh, nhất là nhà máy xử lý nước thải - một “nhãn hiệu cầu chứng” mức độ xanh, sạch, đẹp. Không chỉ đạt tốc độ bồi thường, giải phóng mặt bằng hay đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư được đánh giá vượt “kỷ lục”, Tam Thăng còn định danh một KCN đầu tiên ở Việt Nam tiên phong trong việc đầu tư nhà máy tái sử dụng nước. Ông Chúng nói khi KCN Tam Thăng thu hút nhiều dự án dệt nhuộm ai cũng phân vân, bởi không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ vốn để làm, nhưng sự xuất hiện của nhà máy xử lý nước thải 28.000m3 ngày đêm lẫn nhà máy tái sử dụng nước, trước cả những dự án đầu tư sản xuất, đã xóa tan nghi ngờ về nguy cơ ô nhiễm của KCN này.

Để kỷ niệm chặng đường 10 năm, Cizidco đã mở hai đêm văn nghệ tại 2 KCN (ca sĩ được chọn từ khảo sát ý kiến công nhân) và tổ chức một bữa cơm thân mật cho toàn thể công ty, như là một lời ghi nhận, biết ơn về sự đóng góp thầm lặng của vợ hoặc chồng  của họ đối với công ty này. Đó cũng là một sự khác biệt. Cizidco đã xây dựng 2 KCN thành công (thu hút 49 dự án đầu tư với 400 triệu USD và 4.530 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 13.000 lao động). Kết quả này không chỉ là sự nỗ lực của công sức mà phụ thuộc cả về thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ông Chúng nói ngoài sự tâm huyết, nếu không có sự hỗ trợ của bạn bè, đồng sự, sự quan tâm của các cấp chính quyền, Cizidco không thể thành công như hôm nay. Đó là một cơ duyên mà không phải ai cũng có được. Ngay cả việc “sở hữu” khách sạn ven sông Bàn Thạch cũng là một cơ duyên chưa hề có trong tính toán của Cizidco. Hiện khách sạn này đã bắt đầu khấu hao, ổn định kinh doanh, đủ chi phí trả lương và có lãi chút ít. Ông Chúng nói một khi chấp nhận kinh doanh khách sạn không tạo ra tiền trong hiện tại, nhưng sẽ tạo thêm một thương hiệu cho Cizidco. Một khi kinh tế địa phương phát triển thì sợ gì không có khách… Cizidco đang nỗ lực hết mình để phát triển khách sạn này. Còn KCN Tam Thăng chỉ cần có đất sạch thì chỉ trong vòng một năm tới sẽ lấp đầy. Hiện công ty đã làm thủ tục 250ha KCN Tam Thăng mở rộng ra Bình Nam (Thăng Bình).

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai: Xây dựng "nền móng" công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO