Công ước Lao động hàng hải có hiệu lực

QUỐC HƯNG (tổng hợp) 22/08/2013 08:47

Công ước Lao động hàng hải (MLC) có hiệu lực kể từ ngày 20.8 vừa qua, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các thuyền viên làm việc trên biển cũng như bảo vệ các tuyến vận tải biển, tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các tập đoàn vận tải biển.

Theo tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thế giới hiện có khoảng 1,5 triệu thuyền viên làm việc trên các tàu biển, vận chuyển khoảng 90% hàng hóa thương mại toàn cầu. Vận tải biển là một trong những ngành dịch vụ chủ chốt, có vai trò sống còn với nền kinh tế toàn cầu, tạo ra hàng triệu việc làm và nuôi sống hàng tỷ người trên thế giới. Trước nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng, thủy thủ, những người giữ vai trò quyết định trong sứ mệnh đảm bảo việc thông thương hàng hóa toàn cầu luôn phải đối mặt với bao bất trắc, hiểm nguy khi hành nghề. Do đó, vào ngày 7.2.2006, Hội nghị lần thứ 54 của ILO tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham gia của gần 100 nước thành viên đã thống nhất thông qua MLC 2006. Công ước này được xây dựng trên cơ sở tập hợp 68 công ước về lao động hàng hải đã được ILO thông qua từ năm 1919 và hợp nhất thành một công ước nhằm điều chỉnh thống nhất các tiêu chuẩn, hướng dẫn phù hợp với thực tiễn hoạt động hàng hải. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các quốc gia thành viên xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn theo điều kiện của mình thông qua luật pháp của quốc gia.

Ngành hàng hải chiếm tỷ lệ lao động tương đối lớn.
Ngành hàng hải chiếm tỷ lệ lao động tương đối lớn.
Để chính thức trở thành luật pháp quốc tế, Công ước MLC 2006 cần có sự phê chuẩn của ít nhất 30 nước thành viên ILO, chiếm hơn 33% tổng lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng hải của cả thế giới. Đến ngày 20.8.2012, Công ước đã nhận được sự phê chuẩn của 30 quốc gia để chính thức có hiệu lực 1 năm sau đó, tức ngày 20.8.2013. Đến nay đã có 45 quốc gia thành viên phê chuẩn, chiếm khoảng 75% tổng lượng hàng hóa vận tải biển toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là quốc gia thứ 37 phê chuẩn MLC vào tháng 5.2013.

Phát biểu trước sự kiện quan trọng này, ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO nói: “Công ước là cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng hải. Đây là sản phẩm của cơ chế đối thoại ba bên và hợp tác quốc tế, đảm bảo điều kiện sống và làm việc bền vững cho thuyền viên trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ tàu”. Qua đó, MLC quy định tiêu chuẩn về quyền và lợi ích của thủy thủ, phù hợp với Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển ký năm 1974 và sửa đổi bổ sung (SOLAS), cũng như Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca của thuyền viên ký năm 1978 và sửa đổi bổ sung (STCW)… Công ước MLC 2006 tập hợp những tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu nhằm đảm bảo việc làm bền vững cho thuyền viên như điều kiện tuyển dụng, thời giờ làm việc, chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội… Mặt khác, Công ước giúp tạo ra môi trường bình đẳng cho các chủ tàu đạt chuẩn mang cờ của các nước đã phê duyệt, thúc đẩy cạnh tranh thông qua việc đảm bảo hiệu quả và tăng độ tin cậy trong vận tải biển.

Ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc nâng cao đội tàu trong nước lên tầm quốc tế và thể hiện mạnh mẽ cam kết bảo vệ thuyền viên. Ông cam kết ILO sẽ đồng hành với Việt Nam, giúp nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật để Công ước có thể đi vào cuộc sống. Ông Guy Ryder cũng thúc giục tất cả các nước, các chính phủ, các chủ tàu có hoạt động liên quan đến hàng hải (hiện chưa phê chuẩn MLC) nhanh chóng thông qua công ước này vì lợi ích của tất cả các thành viên trước xu thế toàn cầu hóa nhanh chóng.

QUỐC HƯNG (tổng hợp)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công ước Lao động hàng hải có hiệu lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO