Chính quyền thị xã Điện Bàn đã lên kế hoạch xây dựng một công viên Quốc ngữ nơi “cựu đô” Thanh Chiêm. Nhưng bao giờ không gian văn hóa này được thành hình thì vẫn chưa có được câu trả lời?
Quỹ tôn vinh chữ Quốc ngữ của GS. Nguyễn Đăng Hưng (sống tại Vương quốc Bỉ) - một người con Điện Bàn kêu gọi kinh phí đầu tư xây dựng nơi tôn vinh chữ Quốc ngữ trong dinh trấn Thanh Chiêm (đã thành phế tích), không biết vì sao chưa thể thực hiện được.
Một dự án đầu tư khu du lịch văn hóa công viên Quốc ngữ và ký ức Thanh Chiêm của một nhóm nhà khoa học, doanh nhân khác “thất bại” vì thiếu tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, chính quyền thị xã Điện Bàn đã quy hoạch 12.000m2, tái hiện khoảng không gian khu vực hành cung dinh trấn xưa. Nơi đó sẽ trưng bày các hiện vật, tư liệu về quá trình hình thành và dựng tượng đài tôn vinh Quốc ngữ.
Nhiều năm đi qua, trên phần đất được chọn làm không gian văn hóa ấy chỉ là bãi đất trống, vừa được nâng nền, dành cho dân địa phương phơi lúa và gỗ! Trong một báo cáo (số 118/BC-UBND) ngày 13/4/2023 của UBND thị xã Điện Bàn cho biết, giai đoạn 1 của dự án công viên văn hóa lịch sử dinh trấn Thanh Chiêm, chữ Quốc ngữ đã hoàn tất giải phóng mặt bằng, san nền, xây dựng hệ thống kè chắn đất, gia cố mái taluy, trồng cỏ, đầu tư hệ thống mương thoát nước dọc tuyến ĐH2; tổng kinh phí 8,8 tỷ đồng (1,16ha) đã quyết toán.
Giai đoạn 2 của dự án gồm san nền, giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, cảnh quan, các khu chức năng (khu vườn tượng, hồ nước, bia - phù điêu, nhà trưng bày dinh trấn...). Tuy nhiên, việc triển khai giai đoạn này (1,98ha, tổng kinh phí 100 tỷ đồng) đang gặp khó.
Thị xã đã mở nhiều phiên họp lấy ý kiến về phương án thiết kế công viên, nhưng một hội thảo cần có ý kiến của các cấp, ngành, chuyên gia về kiến trúc, các nhà nghiên cứu lịch sử, ý kiến nhân dân... vẫn chưa thể tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói, sau khi thống nhất phương án thiết kế sẽ triển khai các bước tiếp theo của dự án. Giai đoạn 3 của dự án sẽ di dời Trường THCS Nguyễn Du để mở rộng không gian cho công viên thì UBND thị xã đã khảo sát, làm việc với các ngành, UBND phường Điện Phương, thống nhất lựa chọn địa điểm mới để xây dựng trường Nguyễn Du.
Những đền đài, dinh thự của “cựu đô” Thanh Chiêm không nhiều ý nghĩa về mặt kiến trúc, có thể sẽ không cần phải phục dựng. Nhưng một không gian văn hóa, xiển dương Quốc ngữ để thiên hạ biết, yêu suối nguồn “tiếng nước tôi” hoặc tôn vinh những danh sĩ đã có công truyền bá... không thể không làm trên tinh thần thấm đẫm nhân văn của bản sắc Việt “Uống nước nhớ nguồn”!
Ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn nói, dinh trấn Thanh Chiêm có đình làng Thanh Chiêm đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Thường vụ Thị ủy Điện Bàn đã có chủ trương di dời Trường THCS Nguyễn Du để di tích đình làng Thanh Chiêm được bảo tồn, phát huy trong một không gian lịch sử, văn hóa xứng tầm. Phục hồi dinh trấn, xây dựng công viên Quốc ngữ là chuyện phải làm, nhưng sẽ dài hơi.