(QNO) - Hôm qua 31.10, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP-26) chính thức khai mạc tại thành phố Glasgow (Scotland) với sự tham gia của đại diện đến từ 200 quốc gia.
Hội nghị COP-26 bị trì hoãn một năm do đại dịch Covid-19. Hội nghị lần này kéo dài đến ngày 12.11 tới, là nơi các nhà lãnh đạo thế giới tìm giải pháp cho thách thức chung: hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Đó là phải hạn chế phát thải khí nhà kính, giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, các nước giàu và các nền kinh tế mới nổi (chiếm đến 80% tổng lượng khí thải toàn cầu) phải thực hiện cam kết giúp các nước nghèo thích ứng với một thế giới nóng hơn.
Các nhà khoa học cho biết cơ hội đạt được mục tiêu đó đã được thống nhất ở thủ đô Paris của Pháp cách đây 6 năm và đang dần trôi đi.
Ngay trước thềm hội nghị, Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hiệp quốc công bố, nồng độ 3 loại khí gây hiệu ứng nhà kính chính gồm CO2, metan (CH4) và N2O đều tăng trong năm ngoái và tiếp tục tăng trong năm 2021. Khí CO2 là tác nhân chính, chiếm tới 66% tác động khiến trái đất nóng lên.
Năm 2020 - một trong 3 năm nóng nhất lịch sử được ghi nhận khi nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trái đất nóng lên khiến băng tan nhanh, mực nước biển dâng cao, các hiện tường thời tiết như hạn hán, lũ lụt ngày càng khắc nghiệt.
Bởi vậy, thế giới cần có hành động khẩn cấp để tránh xảy ra một thảm họa khí hậu, dẫn đến suy thoái hệ sinh thái, sinh kế và cuộc sống trên hành tinh. Đó là lý do tại sao COP-26 được xem là cơ hội cuối cùng để nhân loại cứu lấy trái đất.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch COP-26 Alok Sharma nói: “Tôi không đánh giá thấp thách thức để đạt được một thỏa thuận hiệu quả cắt giảm lượng khí thải. Nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể giải quyết các vấn đề còn tồn tại”.
Trưởng bộ phận khí hậu của Liên hiệp quốc Patricia Espinosa cho rằng, thế giới cần sự chuyển đổi nhanh chóng sang một nền kinh tế xanh hơn, dựa trên nguồn năng lượng sạch, nhưng phải công bằng và bao trùm hơn nhiều, là chìa khóa để đạt được mức giảm phát thải khí nhà kính cần thiết.
Kể từ năm 1995, Liên hiệp quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hằng năm với sự quy tụ của đại diện hơn 190 quốc gia thành viên ký Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992, nhằm ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu.