COP27: Công bằng khí hậu, bỏ ngỏ khí thải

QUỐC HƯNG 22/11/2022 10:22

(QNO) - Sau 2 tuần thảo luận liên tục, các nhà đàm phán khí hậu từ 200 quốc gia tại COP27 nhất trí thành lập Quỹ tổn thất và thiệt hại. Tuy vậy, thế giới không đạt được thỏa thuận loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Ảnh: Gettyimages
Trận lũ lụt tàn khốc gần đây trên khắp Pakistan - một minh chứng do biến đổi khí hậu. Ảnh: Gettyimages

Lập quỹ bồi thường tổn thất do biến đổi khí hậu

Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) ở Ai Cập chính thức khép lại vào ngày 20/11.

Dù đây là lần đầu tiên vấn đề bồi thường khí hậu trở thành một chương trình nghị trên bàn đàm phán, các quốc gia và nhóm bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đạt bước tiến lịch sử về việc thống nhất thành lập Quỹ tổn thất và thiệt hại.

Sáng kiến này nhằm giúp các quốc gia dễ bị tổn thương, trong đó có Việt Nam ứng phó thảm họa khí hậu do ô nhiễm mà các quốc gia công nghiệp hóa, giàu có gây ra.

Ông Molwyn Joseph - Chủ tịch Liên minh Các quốc đảo nhỏ tuyên bố: "Các thỏa thuận đạt được tại COP27 là một chiến thắng cho toàn thế giới của chúng ta. Chúng ta cho những người cảm thấy bị bỏ rơi thấy rằng chúng ta nghe thấy họ, nhìn thấy họ và chúng ta đang dành cho họ sự tôn trọng và quan tâm xứng đáng".

Thỏa thuận cũng tái khẳng định mục tiêu giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Các nhà đàm phán khí hậu cho biết, Quỹ tổn thất và thiệt hại sẽ hỗ trợ các nguồn lực bị mất mát và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu cống bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa, các hòn đảo do mực nước biển dâng cao...

Tuy nhiên, quỹ này không bao gồm các điều khoản về trách nhiệm pháp lý. Dù vậy, đạt được thỏa thuận là không dễ dàng.

Biện pháp chống biến đổi khí hậu còn bỏ ngỏ

Các đại biểu tham dự hội nghị COP27 thở phào nhẹ nhõm khi thỏa thuận chung kết thúc hội nghị COP27 vẫn đồng ý giữ nhiệt độ của trái đất tăng không quá 1,5 độ C và đồng ý rằng toàn cầu cần cắt giảm lượng khí thải nhà kính gần như một nửa vào năm 2030.

Ảnh: Gettuimages
Giám đốc Chính sách khí hậu của EU - ông Frans Timmermans trả lời phỏng vấn tại COP27. Ảnh: Gettyimages

Trước thềm OCP27, báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hiệp quốc nêu rõ, nhiệt độ trái đất vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nguy cơ hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và thiếu lương thực sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, các phái đoàn dự COP27 ra về mà không đưa ra được thêm bất kỳ một biện pháp nào trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Như đề nghị ngừng sử dụng năng lượng hóa thạch - nguồn phát khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết: "Thật bực bội khi chứng kiến ​​các bước quá hạn về giảm thiểu và loại bỏ dần năng lượng hóa thạch đang bị cản trở bởi một số nhà phát thải và nhà sản xuất dầu lớn".

Theo ông Frans Timmermans - Giám đốc Chính sách khí hậu của EU, EU "thất vọng" với kết quả cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh khí hậu.

Ông Fran Timmermans nói: "Những gì chúng ta có trước mắt là không đủ để tạo nên một bước tiến cho con người và hành tinh… lẽ ra chúng ta nên làm nhiều hơn nữa". Bởi vậy, Liên hiệp quốc một lần nữa kêu gọi ngừng sử dụng năng lượng hóa thạch.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
COP27: Công bằng khí hậu, bỏ ngỏ khí thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO