(QNO) - Việc áp đặt phong tỏa do đại dịch Covid-19 không chỉ giúp làm chậm sự lây lan của vi rút mà còn giảm đáng kể ô nhiễm không khí ở tầng ozone.
Khí O3 (ozone) được tạo ra khi ánh sáng tương tác với các phân tử nitơ-oxit (NOx) thải ra từ các phương tiện giao thông, nhà máy, nhà máy điện, lò luyện kim, nhà máy lọc dầu. Đại dịch Covid-19 khiến thương mại toàn cầu chậm lại vào đầu năm 2020, lượng khí thải NOx cũng giảm đi 15%. Ước tính được đưa ra bởi một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Phòng Thí nghiệm sức đẩy phản lực của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ở bang California.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phép đo NOx, ozone và các khí khác trong khí quyển từ 5 vệ tinh quan sát trái đất của NASA và ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu). Từ đó, các nhà khoa học đã lập biểu đồ chuỗi các sự kiện từ việc giảm lượng nhiên liệu hóa thạch trong thời gian phong tỏa đến giảm lượng khí thải NOx cục bộ và cuối cùng là giảm ô nhiễm tầng ozone trên toàn cầu.
Do lượng phát thải NOx thấp hơn, đến tháng 6.2020, mức ozone toàn cầu đã giảm xuống mức mà các nhà hoạch định chính sách cho rằng sẽ phải mất ít nhất 15 năm để đạt được bằng các biện pháp thông thường, chẳng hạn như quy định cắt giảm khí thải.
Các quốc gia áp đặt các biện pháp phong tỏa càng nghiêm ngặt thì lượng khí thải càng giảm. Chẳng hạn, các đơn đặt hàng giao tận nhà của Trung Quốc vào đầu tháng 2.2020 đã làm giảm 50% lượng khí thải NOx ở một số thành phố trong vòng vài tuần; tương tự, hầu hết các bang của Mỹ đã đạt được mức giảm 25% vào cuối quý I.2020.
Kết quả của việc giảm phát thải NOx ở từng quốc gia là mức giảm 2% lượng ozone toàn cầu. Sự giảm thiểu ozone từ lượng khí thải NOx giảm nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu, làm sạch không khí ở độ cao lên đến 10km. Mức giảm này tương đương một nửa lượng phát thải mà Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu - cơ quan có thẩm quyền quốc tế về khí hậu, dự kiến tạo ra trong khoảng thời gian 30 năm khi áp dụng các biện pháp kiểm soát phát thải nghiêm ngặt nhất.
Science Alert dẫn lời nhà khoa học Jessica Neu - chuyên gia phân tích thành phần hóa học của khí quyển tại Phòng Thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA: “Tôi thực sự ngạc nhiên về mức độ ảnh hưởng lớn đến tầng ozone toàn cầu của dịch Covid-19. Chúng tôi mong đợi sẽ có nhiều phản ứng cục bộ hơn ở bề mặt”.
Tuy nhiên, các phát hiện được công bố trên tạp chí Science Advances cảnh báo cả lượng khí thải NOx và O3 toàn cầu sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch.
Không phải tất cả loại ozone đều gây hại. Ozone ở tầng bình lưu bảo vệ con người khỏi bức xạ mặt trời. Trong khi đó, ozone ở tầng đối lưu ước tính đã gây ra 365.000 ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2019 do làm kích ứng phổi của những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như trẻ nhỏ và những người mắc bệnh hen suyễn. Nó cũng có thể phá hỏng hệ thống quang hợp của thực vật, làm giảm sự phát triển của cây và năng suất cây trồng. Là một khí nhà kính mạnh, ozone trên đỉnh của tầng đối lưu cũng làm tăng nhiệt độ của trái đất.