(QNO) - Ngày 9.3, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 trên thế giới đã lên đến 111.557 người, trong khi số ca tử vong là 3.884 người.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tháng 12/2019, thế giới đã có 62.681 bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với virus.
Tại Trung Quốc đại lục, nơi dịch bệnh khởi phát, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo nước này ghi nhận thêm 44 ca nhiễm và 23 ca tử vong trong ngày 8/3, tiếp tục đà giảm của các ngày trước đó. Các ca tử vong mới đều ở tỉnh tâm dịch Hồ Bắc.
Chính quyền tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc đã cho mở cửa trở lại 144 trường trung học phổ thông sau 6 tuần đóng cửa những trường học này để ngăn chặn COVID-19.
Quyết định mở cửa trở lại những trường học trên được đưa ra sau khi những cơ sở giảng dạy này thực hiện một loạt các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ học sinh, trong đó có các biện pháp vệ sinh và khử trùng nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Thanh Hải, ông Dương Pháp Vũ, trong tương lai gần, tỉnh có thể kiểm soát được nguy cơ dịch COVID-19 lây lan.
Cùng ngày, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, vùng tâm dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã cho đóng cửa thêm một bệnh viện dã chiến do số bệnh nhân COVID-19 ở thành phố này tiếp tục giảm xuống. Tổng số bệnh viện dã chiến được đóng cửa ở Trung Quốc lên tới 14 bệnh viện.
Đến nay đã có 762 ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, đứng đầu là Italy với 366 ca, tiếp đó là Iran với 237 ca, Hàn Quốc (53 ca), Tây Ban Nha (25 ca), Mỹ (22 ca), 19 ca ở Pháp, Nhật Bản (14 ca, tính cả du thuyền Diamond Princess), 6 ca ở Iraq, 3 ca ở Anh, 3 ca ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), 3 ca ở Hà Lan, 3 ca ở Australia, 2 ca ở Thụy Sĩ.
Các nước và vùng lãnh thổ gồm Thái Lan, Ai Cập, Đài Loan, San Marino, Argentina và Philippines đều ghi nhận một ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, tính trong cả ngày 9/3, nước này ghi nhận thêm 165 ca nhiễm mới - mức tăng thấp nhất kể từ ngày 26/2, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 7.478 trường hợp. Số ca tử vong tại Hàn Quốc hiện là 53 người.
Tại Nhật Bản, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện là 1.226 ca. Số ca tử vong hiện là 16, trong đó có 7 ca trên du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly tại cảng Yokohama.
Tính đến tối 9/3, Iran ghi nhận 7.161 ca nhiễm COVID-19 với 237 trường hợp tử vong. Dịch hiện đã lan ra toàn bộ 31 tỉnh, thành nước này, biến Iran thành điểm nóng bùng phát dịch nghiêm trọng chỉ sau Trung Quốc đại lục.
Ngày 9/3, Chính phủ Philippines ban bố tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn quốc sau khi số ca nhiễm bệnh COVID-19 tại nước này tăng gấp đôi lên 20 trường hợp.
Với quyết định này, chính quyền sẽ tiến hành các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn phù hợp, cách ly các trường hợp nhiễm bệnh và nghi nhiễm, tẩy trùng các khu vực dân cư...
Tại Italy, hiện có 7.375 người nhiễm bệnh và 366 ca tử vong. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh hạn chế ra vào khu vực tâm dịch, gồm toàn bộ vùng Lombardia và 14 tỉnh thuộc Veneto, Emilia Romagna, Piemonte và Marche.
Lệnh cấm có hiệu lực từ 8/3-3/4 nhưng theo lời của Thủ tướng Conte, đây “không phải là lệnh cấm tuyệt đối” mà các hoạt động vẫn diễn ra, tàu điện và máy bay vẫn hoạt động để đáp ứng nhu cầu công việc, tình trạng khẩn cấp và sức khỏe cộng đồng.
Trong thời gian này, cảnh sát có quyền ngăn chặn công dân ra vào khu vực tâm dịch, nơi các ca nhiễm COVID-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Thủ tướng Conte cũng khẳng định ông “chịu trách nhiệm chính trị” đối với các quyết định của mình nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời khuyến cáo trẻ em và người cao tuổi nên ở nhà để đảm bảo sức khỏe.
Trong khi đó, tại Mỹ, Thống đốc bang Iowa Kimberly Reynold ngày 9/3 đã xác nhận 3 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại bang này.
Ông cho biết chính quyền bang Iowa đã chủ động tiến hành xét nghiệm tại bang với các biện pháp an toàn và kế hoạch chiến lược.
Tuy nhiên, có khả năng sẽ có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 khác tại bang này trong thời gian tới. Vì vậy, người dân vẫn phải tiếp tục duy trì các thói quen rửa tay và tự cách ly ở nhà nếu bị ốm.
Tính tới ngày 8/3 (theo giờ Mỹ), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ đã vượt mốc 500 người, trong đó có 21 ca tử vong, và ảnh hưởng tới khoảng 30 bang.
Tuy nhiên, trên tài khoản Twitter, Tổng thống Donald Trump vẫn khẳng định: "Chúng tôi đã có một kế hoạch tốt và phối hợp hoàn hảo tại Nhà Trắng trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2."
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu có trụ sở tại thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 9/3 thông báo ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 tại đây. Bệnh nhân là một nữ nhân viên vừa trở về từ Italy và đã được cách ly từ cuối tuần trước để theo dõi tình hình sức khỏe.
Hồi tuần trước, một cơ quan khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) là Cơ quan Quốc phòng châu Âu cũng đã báo cáo về một trường hợp nhiễm COVID-19 trong các nhân viên làm việc tại đây.
Theo thông báo, nhân viên này cũng vừa trở về từ Italy. Hội đồng EU - một cơ quan khác thuộc EU - cũng đã quyết định cho gần 50 nhân viên làm việc tại nhà sau khi có hai nhân viên tại đây cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nghị viện châu Âu cũng buộc phải rời địa điểm tiến hành phiên họp toàn thể trong tuần tới từ thành phố Strasbourg của Pháp về Brussels do lo ngại về tình trạng dịch bệnh. Cơ quan này hiện đang cân nhắc khả năng hủy bỏ toàn bộ các cuộc họp hàng tháng.
Ngày 9/3, Bộ Y tế Anh xác nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên thành 319 bệnh nhân, cao hơn so với 273 trường hợp được thông báo trước đó. Cũng theo bộ trên, tính đến nay, nước Anh đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nhà lãnh đạo này và các quan chức "đảo quốc sương mù" ngày 9/3 đã thảo luận "một loạt biện pháp" có thể được sử dụng để kiềm chế và ngăn chặn sự lây lan của chủng mới của virus SARS-CoV-2 trong những tuần tới trong một cuộc họp khẩn cấp.
Ngày 9/3, Pháp thông báo hiện nước này đã ghi nhận 1.191 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do dịch bệnh này lên thành 21 người.
Cùng ngày, giới chức y tế Hà Lan thông báo, số ca nhiễm COVID-19 ở nước này đã tăng lên 321 người, nhiều hơn 264 trường hợp so với hôm qua. Hiện Hà Lan không có thêm trường hợp nào nhiễm bệnh nào tử vong, sau khi 3 bệnh nhân qua đời trong những ngày gần đây.
Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt cùng những chế tài nghiêm khắc xử lý những đối tượng không báo cáo trung thực tình hình sức khỏe, hành vi gian dối, không tuân thủ lệnh tự cách ly liên quan tới bệnh COVID-19 đang được nhiều nước áp dụng, đặc biệt tại Hàn Quốc, Saudi Arabia và Albania.
Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 9/3 cảnh báo nếu người nhiễm COVID-19 cố tình giấu thông tin về lịch sử đi lại, nơi ở và các thông tin quan trọng khác, họ sẽ bị phạt nặng. Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc, chính phủ có thể áp dụng các mức phạt dưới 10 triệu won (8.296USD) cho các hành vi nêu trên.
Trong khi đó, Chính phủ Saudi Arabia ngày 9.3 thông báo nước này sẽ phạt lên tới 500.000 riyals (tương đương 133.000USD ) đối với trường hợp nào không khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe cũng như hành trình du lịch của mình khi nhập cảnh nước này.
Theo thông báo của Bộ Y tế Albania, sau một phiên họp khẩn, chính phủ nước này đã ra quyết tất cả các công dân nhập cảnh Albania từ các vùng đang có dịch COVID-19 bùng phát ở Italy, cũng như các khu vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh này, đều phải thực hiện cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Tất cả các trường hợp vi phạm quyết định trên đều sẽ bị áp hình phạt chiểu theo điều 35 trong Luật Về phòng và chống các bệnh truyền nhiễm của Albania.
Trong khi đó, Ba Lan sẽ thực hiện kiểm tra y tế tại các cửa khẩu để đề phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo giới chức nước này, việc kiểm soát y tế sẽ tập trung nhằm vào hành khách trên các chuyến xe buýt và các chuyến tàu vào Ba Lan.
Quyết định trên của Chính phủ Ba Lan được đưa ra sau khi nước này ghi nhận 16 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó ngày 9/3 ghi nhận 5 ca nhiễm mới.
Các thành phố ở Ba Lan bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề nhất gồm thủ đô Vácsava cùng hai thành phố Wroclaw và Krakow.