Covid-19 - nốt trầm của kinh tế thế giới

NAM VIỆT 28/03/2020 08:38

Đại dịch Covid-19 toàn cầu đang gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế thế giới khi đến nay có khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong vùng dịch.

Đại dịch Covid-19 kéo dài, kinh tế thế giới được cho sẽ không tránh khỏi suy thoái. Ảnh: REUTERS
Đại dịch Covid-19 kéo dài, kinh tế thế giới được cho sẽ không tránh khỏi suy thoái. Ảnh: REUTERS

Số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên thế giới đến nay đã vượt con số 590.000 người, trong đó có gần 27.000 ca tử vong. Hàng loạt thành phố trên thế giới bị phong tỏa, thậm chí nhiều quốc gia buộc phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ đất nước để ngăn chặn Covid-19.

Nhiều hoạt động kinh tế vì thế tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng, dịch vụ và sản xuất đình trệ, phá vỡ chuỗi cung ứng. Ở các vùng có dịch thì nhà hàng, khách sạn, các điểm giải trí, du lịch, bảo tàng, hàng không đóng cửa, các sự kiện lớn như văn hóa và thể thao bị hủy.

Edoardo Campanella, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UniCredit ở Milan (Italia) khẳng định: “Cuộc khủng hoảng dịch bệnh đang nhanh chóng dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, vì có một sự xung đột rõ ràng giữa việc ngăn ngừa dịch bệnh và phát triển kinh tế”.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính trong trường hợp tồi tệ nhất, đại dịch Covid-19 có thể khiến gần 25 triệu lao động thất nghiệp, lớn hơn khủng hoảng tài chính thế giới 2007 - 2008.

Tổng Giám đốc ILO - Guy Ryder nói, đại dịch không còn là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, mà đã trở thành khủng hoảng kinh tế và lao động. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới lo ngại rằng Covid-19 tác động kinh tế nghiêm trọng hơn rất nhiều so với khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước khi mà những dấu hiệu suy thoái đang bắt đầu hiện hữu.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa hạ 0,5 điểm phần trăm mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 xuống còn 2,4% - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008. OECD cho biết nền kinh tế toàn cầu đã có nguy cơ suy thoái rõ ràng trong quý I.2020.

Viện Nghiên cứu kinh tế Oxford trụ sở tại London (Anh) thậm chí hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới từ 2,5% trước đó xuống 2%. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo chủng vi rút corona mới gây đại dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.

Ngay như với nền kinh tế số 1 thế giới - Mỹ, vào trung tuần tháng 3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ bơm thêm 500 tỷ USD gần như không lãi suất vào các thị trường tài chính nhằm làm dịu bớt căng thẳng tài chính do dịch bệnh.

Ngày 25.3 vừa qua, Nhà Trắng và các lãnh đạo ở Thượng viện đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử với 2.000 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế. Thỏa thuận bao gồm tiền phát trực tiếp đến các cá nhân và gia đình Mỹ, khoản vay cho các doanh nghiệp rơi vào kiệt quệ tài chính, trợ cấp thất nghiệp cho các cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Người phát ngôn của Nomura - Ngân hàng đầu tư lớn nhất của Nhật Bản cảnh báo rằng một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu không thể tránh khỏi nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài.

Trước thềm cuộc họp trực tuyến cách đây ít ngày của lãnh đạo các nước thuộc G20 - nhóm các nước có nền kinh tế lớn nhất, chiếm 85% GDP kinh tế thế giới, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres kêu gọi G20 thông qua kế hoạch ứng phó thời khủng hoảng vì Covid-19 bao gồm gói kích thích kinh tế hàng ngàn tỷ USD cho các doanh nghiệp, người lao động, và hộ gia đình ở các nước đang phát triển đang đối phó với đại dịch corona.

Dù vậy, vẫn có một số chuyên gia cũng như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lạc quan rằng, nền kinh tế thế giới sẽ sớm vượt qua cú sốc Covid-19 nhờ giai đoạn tăng trưởng dài, tỷ lệ việc làm đang ở mức cao, nếu đại dịch nhanh chóng được dập tắt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Covid-19 - nốt trầm của kinh tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO