Ở tuổi 75, nhưng đêm nào bà Mai Thị Bốn cũng miệt mài kéo xe chở hàng để mưu sinh ở chợ Thủ Đức (TP.HCM).
Khổ cả đời
Bà Mai Thị Bốn không còn nhớ chính xác quê mình, chỉ láng máng ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Mẹ mất sớm, năm 9 tuổi bà ra Đà Nẵng giữ em và giúp việc nhà. Năm 1965, bà vào Sài Gòn kiếm sống, tại đây bà lập gia đình. Những tưởng chồng sẽ san sẻ, gánh vác bù đắp cho bà những ngày tháng cơ cực của tuổi thơ, nào ngờ năm 40 tuổi ông bị bệnh mất sớm, gánh nặng đặt lên đôi vai của bà.
Lúc bấy giờ bà có 3 người con (2 trai, 1 gái). Nhìn đàn con nheo nhóc, bản thân lại không biết chữ, không công việc ổn định, ban đầu bà xin làm cửu vạn chợ cầu ông Lãnh để nuôi con, công việc tương đối nặng nhọc nên hầu hết chỉ có thanh niên, đàn ông mới làm.
Bao năm tần tảo nuôi con khôn lớn, tất cả đều có vợ có chồng nhưng ai cũng khổ, không phụ giúp được gì cho bà. Không những vậy đứa cháu ngoại sốt xuất huyết năm lên 2 tuổi không được thuốc thang dứt điểm nên bị tâm thần cấp độ nhẹ. Nhìn con cái khó khăn,cháu bệnh tật, bà lại tất tả kiếm việc làm thêm nhưng không ai dám nhận.
“Họ thấy tui già sợ đau bệnh hay đột quỵ, mất công tốn tiền thuốc thang nên không chịu mướn. Cuối cùng tui theo người quen lên chợ Thủ Đức kéo xe cho bạn hàng kiếm đồng ra đồng vào” - bà kể.
Để sắm “cần câu cơm”, bà vay mượn gần 2 triệu đồng mua chiếc xe kéo hàng. Không có tiền trả một lần nên cứ mỗi tối làm xong, bà lấy tiền công trích lại một ít trả góp tiền xe cho chủ. “Tui phải đi làm, ai thương cho mình thêm thì lấy. Mình không thể ngồi chầu chực để người ta đem đến cho, mang tội lắm. Thà không có tiền tui nấu nồi cơm ăn muối tiêu, mắm ớt” - bà Bốn nói.
Bao năm nay, khoảng 10 giờ mỗi tối bà đi bộ đến trạm xe buýt cầu ông Lãnh đón xe lên đến chợ Thủ Đức, 11 giờ đêm bắt đầu kéo xe cho bạn hàng, đến 12 giờ thì nghỉ. Qua khoảng 1 giờ tiếp tục kéo cho bạn hàng khác đến sáng, mới quay về nhà.
Nỗi niềm xa xứ
Đến chợ Thủ Đức, nếu nhìn từ phía sau, chẳng ai thấy bà Bốn vì vóc dáng gầy guộc của bà lọt thỏm giữa những thùng hàng. Bà kể vì không đủ sức kéo như thanh niên nên phải dùng hông tì vào thùng hàng để lấy lực kéo, mỗi khi xe xuống dốc bà phải dùng đôi chân làm phanh để hãm xe, về nhà cả người đau nhức, ê ẩm không chịu nổi.
Các loại trái cây nhẹ như táo, lê, nho chừng 10 - 15kg bà có thể đẩy được mười thùng. Thông thường, 5 thùng hàng kéo ra cho bạn hàng bà được trả 30 nghìn đồng; 7- 8 thùng: 40 nghìn.
Ở chợ này, thanh niên có sức khỏe làm mỗi đêm được hơn tiền triệu, bà lớn tuổi, yếu hơn làm mỗi đêm tiền công chừng 200 nghìn đồng.
Không biết chữ, bà nhìn ký hiệu. Ai cần giao hàng khu vực nào, chỉ cần đọc ký hiệu chữ cái đầu và số thứ tự đằng sau, bà sẽ biết cách đi giao hàng, chưa nhầm lẫn bao giờ.
“Có thời gian bị bệnh ở nhà, gần tới tết thấy con cháu không có tiền mình cũng ráng đi làm. Đến tết tui cũng không nghỉ được, lên đó kéo cho bạn hàng vì chợ lúc đó người ta về quê hết nên mình kham tất” - bà Bốn nói.
Căn nhà bà Bốn nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở phường 2 (Q.4, TP.HCM) diện tích 31m2, là nơi cư ngụ của 6 thành viên, ngoài bà, còn có vợ chồng cậu út, 2 cháu nội và 1 cháu ngoại. Căn nhà xiêu vẹo, cột đã gãy nứt, hai vách nhà tựa lưng vào hàng xóm. Mùa mưa nước ùa vào ngập đến đầu gối. Vất vả mỗi đêm, ngoài chi tiêu tiền điện nước, ăn uống cho con cái, bà chỉ mong gom góp đủ tiền để sửa cái nhà.
“Nhớ quê nhưng không về được nghĩ cũng buồn. Người ta có ông bà, có quê hương để về, mình ở đây cun cút với mấy đứa con sao không khỏi xót xa, đám giỗ cũng chỉ vái vọng cha mẹ ở đây. Bây giờ sống với cháu con, đứa nào cũng thương nhưng nó nghèo lắm, không đứa nào giúp đỡ mình được” - bà Bốn tâm sự.