Đô thị hóa cưỡng bức - là chữ dùng của TS.Nguyễn Đức Truyến khi nghiên cứu về An Khánh, một xã nằm sát Hà Nội và có hơn 23.000 nông dân. An Khánh có lẽ là “tiêu bản” được đem ra so sánh với hàng trăm “phiên bản” khác trên cả nước, về chuyện đô thị hóa.
Đọc chuyện người nông dân An Khánh xoay xở trong cơn lốc đô thị hóa trong khi vẫn giữ nguyên là một xã nông nghiệp với một cộng đồng dân cư không hề thay đổi về không gian và các quan hệ xã hội, tôi mường tượng nó tựa “chân dung” rất nhiều xóm làng ở tỉnh lẻ Quảng Nam.
Có một xóm nhỏ ngay trong nội đô Tam Kỳ, khi diện tích đất lúa của người dân được thu hồi để xây dựng khu phố mới Tân Thạnh, họ không còn đất sản xuất. Phần lớn cộng đồng dân cư gốc đã vào tuổi ngoài 40 nên không thể tìm kiếm những công việc ổn định để có thu nhập ổn định. Họ xoay đủ nghề để sống, từ chạy chợ, thêu liễn tang, làm thuê theo giờ cho các hàng quán… Rồi không hẹn mà gặp, xóm hơn mươi hộ thì phân nửa “đầu tư” xe đẩy bán cá viên chiên. Chiều chiều họ đẩy xe lên con phố nhỏ gần quảng trường, mải miết mưu sinh đến tận khuya. Bữa đực bữa cái, thu nhập năm chục một trăm bấp bênh theo những đợt dọn dẹp vỉa hè của lực lượng dân phòng. Nhưng dù sao, với họ cũng có một nghề để sống tử tế. Dù nghề của họ, trên tài khoản thống kê quốc gia, có lẽ được liệt vào thành phần kinh tế phi chính thức. Phần lớn họ đứng bên ngoài cuộc đô thị hóa, khi những tiện nghi của văn minh vật chất thường chỉ dành cho những người mới nhập cư.
Trong 2 năm qua, diện tích trồng lúa của Quảng Nam sụt giảm khoảng 600ha. Ngoài bỏ ruộng vì năng suất kém, hiệu quả kinh tế mang lại từ cây lúa thấp hơn so với các công việc khác, thì chuyện khai thác quỹ đất lúa chuyển sang đầu tư quỹ đất đô thị, dịch vụ, bất động sản đã đẩy người nông dân mất đất sản xuất.
Khi đất lúa bị thu hồi, có rất ít nông dân được tuyển dụng vào làm việc tại các khu du lịch, nhà máy mọc lên ngay trên mảnh đất mà nhiều đời cha ông họ lấy làm kế sinh nhai. Chưa có con số thống kê trên toàn tỉnh, nhưng chỉ riêng ở huyện Duy Xuyên, trong hai năm 2016 - 2017, có 1.274 hộ bị thu hồi đất để phục vụ cho các dự án, với gần 2.500 lao động bị thu hồi đất, trong đó có 2.046 lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Thế nhưng, trong số này, huyện chỉ đào tạo nghề được cho 311 lao động, có việc làm ổn định.
Về lý thuyết, thì đô thị hóa cưỡng bức “là khái niệm dùng để chỉ sự di chuyển dân cư từ nông thôn về thành thị lý do ngoài kinh tế tức là không phải trước hết tìm việc làm hay tìm dịch vụ tốt hơn”. Trên thực tế, hàng nghìn lao động bị thu hồi đất nông nghiệp để chuyển đổi thành khu đô thị, khu công nghiệp đã bị cưỡng bức từ nông dân thành cư dân thành thị mà chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ít nhất là quá trình chuyển đổi tự nhiên theo nhu cầu tự thân. Điều này tạo ra khoảng trống về văn hóa đối với các vùng nông thôn cũng như đứt gãy trong lòng phố thị xứ Quảng.
C.B.L