Cư dân sống ven sông Trường qua Phước Sơn: Dai dẳng nỗi lo sạt lở

CÔNG TÚ 28/07/2023 08:17

Mùa mưa bão đã cận kề, người dân sinh sống ven sông Trường, đoạn chảy qua huyện Phước Sơn lại đứng ngồi không yên khi nguy cơ sạt lở bờ sông vẫn tiềm ẩn.

Sông Trường nhỏ hẹp, độ dốc lớn nên nước chảy xiết, bất thường đã gây xói lở vào đất của người dân xã Phước Hiệp. Ảnh: N.B
Sông Trường nhỏ hẹp, độ dốc lớn nên nước chảy xiết, bất thường đã gây xói lở vào đất của người dân xã Phước Hiệp. Ảnh: N.B

Lại lo sạt lở

Khu đất đang làm xưởng cưa của hộ ông Nguyễn Văn Tòng (trú thôn 1, xã Phước Hiệp) ngày càng bị thu hẹp do đất vườn “rơi” theo dòng nước lũ chảy qua sông Trường.

Ông Tòng kể, sạt lở bờ sông Trường đã diễn ra nhiều năm rồi. Gia đình quyết định xây dựng móng kiên cố kè phía sau, gần sát bờ sông đã xâm thực nhưng mùa mưa bão gần đây, thủy điện xả lũ mạnh, nước dâng cuồn cuộn và chảy xiết đã xé toạc móng kè, sạt lở đất tiếp tục tái diễn. Cũng ở thôn 1, hộ Lê Ngọc Loan cho biết, bờ sông lở sâu vào đất của gia đình ông chừng 5 - 6m và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sạt lở bờ sông Trường còn diễn ra ở 4 thôn khác trên địa bàn xã Phước Hiệp và một số vị trí qua xã Phước Hòa của huyện Phước Sơn.

Theo ông Lê Văn Thành - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1 (xã Phước Hiệp), trước đây khi chưa có thủy điện Đăk Mi, dòng nước chảy tự nhiên trên sông Trường. Nhưng vài năm trở lại đây, vào mùa mưa bão có thời điểm thủy điện xả lũ rất mạnh gây nên tình trạng sạt lở bờ sông, hàng chục héc ta đất vườn, đất sản xuất của người dân trôi theo dòng nước. Cử tri địa phương nhiều lần ý kiến với các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp để có biện pháp kè bờ sông nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp - ông Cao Xuân Cường chia sẻ, sau khi địa phương lên tiếng, năm 2013 thủy điện Đăk Mi cho làm bờ kè một đoạn tại vị trí xung yếu và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, dòng nước dữ vào mùa mưa bão xâm thực vào bờ ngày càng diễn tiến nghiêm trọng, đe dọa nhà cửa và ảnh hưởng trực tiếp đến đất sản xuất của người dân các thôn trên địa bàn.

Cuối năm 2017, xã Phước Hiệp phải di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân đến nơi tái định cư mới do bờ sông sạt lở. Vậy nhưng, nỗi lo sạt lở vẫn dai dẳng với phần lớn các hộ còn lại. Một người dân ở thôn 4 (xã Phước Hiệp) cho biết, bờ sông chỉ còn cách nhà đang ở chừng 2 - 3m, nên mỗi khi nghe thông báo có mưa kéo dài, gia đình phải di chuyển đi trú nơi khác cho an toàn.

Chuẩn bị làm kè

Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, trước ý kiến xác đáng của cử tri và kiến nghị của huyện, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ kinh phí để địa phương triển khai dự án kè sông Trường, đoạn qua 2 xã Phước Hòa và Phước Hiệp. Tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh 56 tỷ đồng, ngân sách huyện 14 tỷ đồng; thực hiện từ năm 2022 - 2024.

Trước ý kiến cho rằng, công trình kè chưa toàn diện, ông Xoan chia sẻ, do nguồn lực của huyện có hạn, nhưng kinh phí xây dựng lại rất lớn, vì vậy dự án trước mắt sẽ triển khai kè một số đoạn xung yếu, bức thiết. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ nguồn tài chính để làm những vị trí còn lại.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phước Sơn (chủ đầu tư công trình), dự án kè sông Trường có quy mô xây dựng mới tuyến kè gồm 5 đoạn với tổng chiều dài hơn 1.951m; trong đó 3 đoạn phía bờ nam (bờ hữu) giáp quốc lộ 14E và 2 đoạn phía bờ bắc (bờ tả).

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phước Sơn - ông Trần Hồng Quân cho biết, tuyến kè chủ yếu bám theo mép bờ sông hiện trạng, có điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí nhằm đảm bảo dòng chảy được êm thuận. Cao độ đỉnh kè bằng với cao độ mặt bằng khu dân cư, thấp hơn cốt quốc lộ 14E để dễ tiêu thoát nước.

Cao độ đỉnh kè và đỉnh chân kè thấp đều theo cao độ khu dân cư, mặt đường quốc lộ 14E, độ dốc lòng sông để đảm bảo ổn định chống xói lở, tăng tính mỹ quan cho công trình và khu vực chung quanh.

Trước ý kiến người dân phản ánh dự án chậm triển khai trên thực tế, một cán bộ của ban quản lý giải thích do thủ tục hồ sơ liên quan phải qua nhiều bước. Hơn nữa, công trình này đấu thầu qua mạng nên có nhiều nhà thầu tham gia, cần thời gian làm rõ hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp. Có trường hợp, chủ đầu tư phải làm rõ hồ sơ dự thầu của một nhà thầu đến 3 lần.

Một vấn đề khác là dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng, nên việc khai thông không thể một sớm một chiều. Thế nên, chủ đầu tư đã thông báo khởi công xây dựng công trình vào ngày 19/6/2023 (kết thúc thi công ngày 30/12/2024), nhà thầu đã tập kết vật liệu, máy móc và nhân lực để thực hiện nhưng chưa có mặt bằng thi công.

Theo lãnh đạo xã Phước Hiệp, dự án kè sông Trường triển khai trên địa bàn ảnh hưởng giải phóng mặt bằng đến 81 hộ dân thuộc thôn 1, thôn 2 và thôn 3. Trong đó, các hộ ở thôn 3 đã thống nhất với phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và xã đang vận động để người dân bàn giao cho đơn vị thi công. Một số hộ thuộc thôn 1 còn chưa đồng thuận với giá bồi thường, hỗ trợ vì cho rằng giá thấp.

Tại thôn 2, địa phương cũng đã tiến hành các bước liên quan đến xác định nguồn gốc đất. Có trường hợp, đất thừa phía sau không nằm trong “sổ đỏ” của hộ cư trú hiện tại, mà thuộc của hộ khác nên cần xác minh để khỏi ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Ông Lê Văn Thành chia sẻ, thôn 1 còn khoảng 6 trường hợp chưa đồng ý với giá bồi thường, hỗ trợ, do đó địa phương sẽ tiếp tục mời những hộ này gặp mặt đối thoại, giải thích để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cư dân sống ven sông Trường qua Phước Sơn: Dai dẳng nỗi lo sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO