Cú hích nâng tầm du lịch

XUÂN HIỀN (thực hiện) 10/06/2017 06:13

Có rất nhiều thay đổi trong kỳ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI so với các kỳ festival trước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh – Trưởng ban Tổ chức Festival Di sản Quảng Nam đã chia sẻ thông tin với phóng viên Báo Quảng Nam về các hoạt động trong kỳ hội này.

  • FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM LẦN THỨ VI - 2017
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần VI.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần VI.

* So với các kỳ festival trước, thì Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017 sẽ có thêm những điểm mới gì, thưa ông?

Ông Lê Văn Thanh: Có rất nhiều điều mới mẻ! Về mặt quy mô lớn hơn với 22 sự kiện khác nhau, trải dài từ vùng biển, vùng đồng bằng cho đến miền núi của tỉnh. Ngoài Hội An, Mỹ Sơn như những năm trước thì lần này tỉnh chú trọng phát triển  ở Tam Kỳ, tổ chức nhiều hoạt động ở biển Tam Thanh. Mục tiêu là để quảng bá du lịch biển. Quảng Nam là một tỉnh có đường bờ biển dài và đẹp, nhất là ở các địa phương phía nam Quảng Nam. Cùng với đó, lần này còn tổ chức thêm lễ hội sâm Ngọc Linh – một sản phẩm quý và đặc biệt. Lễ hội sâm núi Ngọc Linh nhằm quảng bá để mọi người biết đến giá trị của loại cây này, đặc biệt có hội thảo về sâm Ngọc Linh, qua đó chúng ta có thể biết thêm nhiều công dụng của sâm Ngọc Linh… Hay sẽ có  Lễ hội dựng cây nêu của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Giang, chúng ta sẽ hiểu hơn về văn hóa của đồng bào dân tộc trên khắp cả nước. Hay ở lễ hội dinh trấn Thanh Chiêm – nơi được coi như một cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ, nhân dịp này chúng ta sẽ tổ chức đón nhận bằng di tích quốc gia cấp cho di tích Dinh trấn Thanh Chiêm… Xét về mặt quy mô, về địa bàn thì đã thấy có rất nhiều hoạt động, ngoài những hoạt động đã có từ các kỳ festival trước tại Hội An, Mỹ Sơn thì qua đợt này, chúng ta còn quảng bá rất nhiều vùng du lịch trong địa bàn tỉnh Quảng Nam.

* Vậy trong số 22 hoạt động xuyên suốt từ ngày 7.6 – 14.6, Ban tổ chức xác định hoạt động nào là chính và có sự đầu tư mạnh?

Ông Lê Văn Thanh: Lễ khai mạc được xem như một hoạt động chính và đặc biệt nhất trong các lễ khai mạc của festival qua các kỳ. Sự kết hợp giữa chương trình nghệ thuật và chương trình lễ hội ánh sáng – Mapping 3D sẽ tạo nên một không gian nghệ thuật đặc biệt bên bờ biển Tam Thanh. Thứ 2 là lễ bế mạc, sự kiện này phô diễn những nét văn hóa đặc trưng của Quảng Nam. Bên cạnh đó, cuộc hội thảo về bảo tồn di sản với rất nhiều quốc gia tham gia. Đây là cơ hội để quảng bá với UNESCO về công tác bảo tồn của chúng ta. Một diễn đàn lớn là diễn đàn du lịch miền Trung – Tây Nguyên sẽ tổ chức vào ngày 10.6, cuộc gặp gỡ với mong muốn phân tích phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên như thế nào, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư đến với Quảng Nam. Triển lãm di sản văn hóa biển đảo cũng được nhìn nhận là sự kiện chính tại Tam Thanh, sẽ có khoảng 16 tỉnh có đường bờ biển tham gia, đây sẽ là cơ hội để quảng bá du lịch biển mạnh hơn. Riêng với Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên thì còn là dịp để đánh giá về công tác phát triển du lịch của tỉnh thời gian vừa qua như thế nào, định hướng phát triển sắp tới ra sao để liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh với nhau. Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch của Quảng Nam lần này chỉ chọn duy nhất lĩnh vực du lịch để bàn về câu chuyện xúc tiến đầu tư. Trước hết chúng ta sẽ nêu lên những nhu cầu đầu tư vào các khu vực nào, sản phẩm gì để trên cơ sở đó kêu gọi các nhà đầu tư mạnh mẽ hơn, có trọng điểm hơn, giúp cho các sản phẩm du lịch phong phú hơn.

* Qua 5 kỳ Festival Di sản Quảng Nam đã cho thấy việc hợp tác quốc tế đóng một vai trò rất quan trọng. Vậy ở kỳ festival này, định hướng về hợp tác quốc tế được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Thanh: Đối với festival lần này, quy mô lớn hơn, rộng hơn, chúng ta kỳ vọng sẽ có 1 triệu khách du lịch đến với Quảng Nam lần này. Sau festival này, Quảng Nam sẽ quảng bá du lịch mạnh mẽ và rộng rãi hơn, để phấn đấu đạt 7 triệu khách du lịch năm 2017 và 4.5 triệu khách nước ngoài. Từ những mục tiêu này thì việc hợp tác quốc tế cũng diễn ra mạnh mẽ. Có hơn 30 quốc gia đến tham dự festival lần này với Quảng Nam. Họ tham gia rất nhiều hoạt động như Liên hoan hợp xướng quốc tế, đua thuyền buồm, Festival diều, Festival tơ lụa… Bên cạnh đó, đại sứ quán của một số nước cũng tham dự. Ngày 14.6 sẽ có 20 đại sứ, trưởng phái đoàn của UNESCO tại Paris dự Hội thảo về bảo tồn phát triển di sản tại Hội An. Hy vọng sẽ có sự đóng góp trí tuệ, khả năng của các nhà khoa học cho việc bảo tồn di sản, cũng như sẽ tác động đến UNESCO khi người Việt Nam dự ứng cử cho chức vụ Tổng giám đốc UNESCO của Liên hiệp quốc. Qua hội thảo này, 20 đại sứ của UNESCO tại Paris sẽ thấy sự quan tâm của chúng ta dành cho văn hóa, đồng thời các nhà khoa học có những ý kiến để đóng góp cho bảo tồn, phát triển di sản.

 Hội thi hợp xướng quốc tế (diễn ra ngày 7.6.2017).Ảnh: MINH HẢI
Hội thi hợp xướng quốc tế (diễn ra ngày 7.6.2017).Ảnh: MINH HẢI

* Mục tiêu xã hội hóa các hoạt động, sự kiện văn hóa được triển khai như thế nào trong kỳ festival này, thưa ông?

Ông Lê Văn Thanh: Festival lần này, Quảng Nam đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động doanh nghiệp tham gia các hoạt động. Nên có rất nhiều sự kiện do doanh nghiệp tổ chức nhưng dưới sự giám sát, chỉ đạo của UBND tỉnh như Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam – châu Á năm 2017, Liên hoan ẩm thực quốc tế, Festival Thuyền kayak toàn quốc mở rộng… Bên cạnh đó có rất nhiều nhà tài trợ hỗ trợ, giúp đỡ chúng ta trong suốt quá trình tổ chức. Về lâu dài, xã hội hóa các hoạt động sẽ là hướng đi chắc chắn, tức nhà nước chỉ định hướng, còn doanh nghiệp tham gia vào khâu tổ chức cụ thể. Các doanh nghiệp thông qua đây sẽ quảng bá hình ảnh của mình; về phía địa phương cũng sẽ làm được những điều đã định hướng để làm sao vừa phong phú về mặt hình thức, tốt về mặt chất lượng nhưng đồng thời kinh phí sẽ được xã hội hóa, như vậy thì sẽ tốt hơn.

* Ông có kỳ vọng rằng chất lượng cũng như môi trường đầu tư, phát triển du lịch sẽ được nâng lên sau khi tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI ở quy mô rộng như vậy?

Ông Lê Văn Thanh: Quảng Nam đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cho nên festival lần này với mục tiêu nữa là kích cầu du lịch phát triển, thúc đẩy kinh tế. Qua Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, thông qua các nước tham gia, chúng ta quảng bá mạnh mẽ hơn du lịch của Quảng Nam đến với thế giới. Lâu nay khách quốc tế chỉ biết tới Quảng Nam qua Mỹ Sơn và Hội An. Qua festival chúng ta sẽ giới thiệu thêm nhiều địa điểm nữa, ví dụ như Tam Thanh, Tây Giang, Nam Trà My… để khách du lịch trong cả nước cũng đến, khách quốc tế cũng sẽ tìm tới. Quảng  Nam đặt mục tiêu năm 2020, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với lượt khách du lịch đạt hơn 8 triệu mỗi năm. Cũng như vậy, ở Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên sẽ đánh giá lại du lịch của chúng ta vừa qua như thế nào, và định hướng phát triển du lịch sắp tới ra sao để phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực. Chưa kể ở kỳ festival này, các sản phẩm du lịch như biển Tam Thanh… sẽ được khuấy động và quảng bá mạnh để thể hiện rằng chúng ta có một bãi biển rất đẹp. Hiện nay kết nối giao thông và hạ tầng của khu vực này đã làm tốt. Tại đây chúng ta có thể đón được khách nước ngoài và khách cấp cao. Bên cạnh đó, thêm một sản phẩm du lịch nữa là xã đảo Tam Hải, hay địa đạo Kỳ Anh… Dịp này là dịp để quảng bá những điểm du lịch như vậy.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

XUÂN HIỀN (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cú hích nâng tầm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO