Cách đây 65 năm, tháng 1.1949, tại Bờ Rạ (xã Tân Thành), một địa danh trong An toàn khu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Tổng bộ Việt Minh mở lớp báo chí đầu tiên lấy tên là lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Trong buổi khai giảng, ông Hoàng Quốc Việt - Bí thư Tổng bộ Việt Minh đã đọc diễn văn nói rõ: “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương vị lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả”.
Học hỏi cần mẫn
Tháng 2.1908, nhân phong trào chống thuế bùng nổ ở Quảng Nam, cụ Huỳnh bị thực dân Pháp bắt giam ở ngục Faifo (Hội An), và sau đó bị kết án “xử tử phát Côn Lôn ngộ xá bất nguyên (xử tử đày Côn Lôn, gặp xá chẳng tha)” do tội “thông với người bội ước, xướng thuyết nhân quyền cùng các cuộc khai thương lập học”. Sáu tháng sau, ở tuổi 33, vị tiến sĩ Hán học từng được xếp vào “Tứ hổ” của đất Quảng đặt chân đến đảo Côn Lôn - “trường học thiên nhiên” (chữ dùng của cụ Huỳnh) cùng với các nhà yêu nước khác: Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Dương Thạc, Trương Bá Huy, Nguyễn Cảnh, Nguyễn Quần. Cụ không quên mang theo quyển Pháp - Việt từ điển Trương Vĩnh Ký, quyển Lecture langage và quyển mẹo (Grammaire) để tự học chữ Tây trong “trường học thiên nhiên” này. Thế nhưng, những sách ấy không được mang vào trong khám và bị thất lạc. Thật may, cụ Phan Châu Trinh (đã bị đày ra Côn Lôn trước đó) biết là sách của cụ Huỳnh nên chuộc lại và gửi vào khám.
Có được sách, Huỳnh Thúc Kháng cùng cụ Tập Xuyên Ngô Đức Kế và một vài bạn tù tự học chữ Tây sau giờ làm xâu trong ngày. Cụ Huỳnh thuật lại: “Lúc chúng tôi học chữ Tây, mỗi bữa trưa đọc sách viết dictée, hai phòng bên cạnh cho rằng làm mất giấc trưa của chúng, khởi lên chửi mắng: “Tụi quan to, ở nhà cha mẹ cho đi học, không học, nay ra tù, học cái gì phá giấc ngủ người ta”. Từ khi tù chính trị được giam riêng một khám, không có tù khác khuấy nhiễu, mỗi bữa nghỉ trưa, việc học chữ Tây càng sôi nổi và hăng hái hơn. Nhóm tù chính trị hiếu học còn mua thêm một ít sách Lecture và sách mẹo, cùng một bản L’Histoire Nationale Française để cùng nhau nghiên cứu và hiểu biết Pháp văn hơn. Kết quả thật khả quan”. Cụ Huỳnh còn cho hay: “Tuy chúng tôi học bằng con mắt với cái não, nên nghe và nói tiếng Tây hay sai vận và không được lanh lẹ; song đọc sách hiểu nghĩa, đặt câu và phiên dịch, biết được đại khái”.
Tòa soạn Báo Tiếng Dân. |
Nhờ vốn ngoại ngữ, cụ Huỳnh có điều kiện tìm hiểu sâu nền văn hóa và lịch sử nước Pháp. Khi được trả tự do, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã khiến quan lại đương thời phải khâm phục và kiêng nể. Trong cuốn “Huỳnh Thúc Kháng tự truyện”, cụ kể: “...Tôi thân hành ra Tòa sứ Hội An cùng sở cảnh sát, lấy danh nghĩa bán đồi mồi, lại nhờ biết được một ít chữ Tây, ứng đối thông thường được, nên trực tiếp không cần thông dịch. Quan lại thấy tôi có cử chỉ thái nhiên, không vẻ khúm núm, lại thường nói chuyện với người Tây, biết không thể lấy hư danh dọa được, nên thái độ khéo léo của họ ngày trước không thò ra được nữa”. Chính kinh nghiệm tự học tích lũy trong 13 năm bị tù đày ở Côn Lôn đã giúp nhà báo Huỳnh Thúc Kháng điều hành công ty mang tên mình, đồng thời làm tròn vai trò Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân - một tờ báo nổi tiếng và khẳng khái “thét Tiếng Dân giữa kinh thành Huế” như lời ca ngợi của cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Óc tổ chức tiến bộ
“Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói. ...Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”. (Chí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng) |
Các nhà nghiên cứu báo chí chỉ ra rằng, Tiếng Dân là tờ báo “sống” khá lâu ở miền Trung trong khi những tờ báo khác đều chết yểu. Trong suốt 16 năm (1927 - 1943), với 1.767 số báo được xuất bản, Tiếng Dân đã tạo được một vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trước Cách mạng Tháng Tám. Thành công này là nhờ óc tổ chức tuyệt vời của Chủ nhiệm kiêm chủ bút Huỳnh Thúc Kháng trong hoàn cảnh “tay không bắt giặc”. Trước hết, thể hiện ở việc chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của báo Tiếng Dân. Theo đó, một công ty hợp cổ (Société en commandite par actions) gọi là “Công ty Huỳnh Thúc Kháng” được thành lập và tích cực huy động vốn thông qua các cổ phần. Điều đáng ghi nhận là với nỗ lực cao của cụ Huỳnh và cộng sự, công ty đã thu góp được một số cổ phần với tổng số tiền 30.000 đồng (tiền Đông Dương), nhiều gấp 3 lần số vốn dự liệu cần có. Trong hoàn cảnh không một ai trong những người sáng lập có kinh nghiệm về nghề nghiệp, từ cuối mùa hè năm 1926, cụ Huỳnh đã cử ông Đào Duy Anh đi Sài Gòn tìm hiểu công việc làm báo, nhất là cách tổ chức bộ biên tập. Nhận thấy một tờ báo không có nhà in riêng của mình thì không thể giữ trọn độc lập được, mùa hè năm 1927, cụ Huỳnh cùng với các ông Nguyễn Xương Thái và Đào Duy Anh ra Hà Nội mua sắm trang thiết bị in ấn. Mến mộ cụ Huỳnh, mọi việc giao dịch đều được những người nhiệt tình ở Hà Nội tự nguyện đứng ra lo liệu. Ông Mai Du Lân - Chủ nhiệm báo Thực Nghiệp tại Hà Nội có nhã ý nhường lại cho cụ Huỳnh một máy in còn mới và Nhà in Nghiêm Hàm ủng hộ bằng cách đưa thợ của nhà in vào Huế trợ lực.
Trong điều kiện kinh tế eo hẹp, để duy trì việc xuất bản báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như giảm số lượng trang in (có lúc báo bị thu hẹp chỉ còn 1 tờ giấy khổ nhỏ), đăng thêm các mục quảng cáo để có thêm kinh phí… Thậm chí, Chủ bút Huỳnh Thúc Kháng cũng đã hai lần tự hạ mức lương mà Đại hội đồng “Huỳnh Thúc Kháng Công ty” lần thứ nhất đã ấn định cho mình. Trong khi các tờ báo tiếng Việt khác ở Huế thường có số lượng độc giả ít, báo Tiếng Dân lại được đông đảo bạn đọc, cả lớn tuổi và nhỏ tuổi, cả thành thị lẫn thôn quê ham thích, đặt mua vì đã đề cập nhiều chủ đề: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa cùng những sinh hoạt ở thôn quê và thị thành… Tiếng Dân đã thu phục được sự quý mến của rộng rãi quần chúng, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả miền Trung và cả nước.
Chí khảng khái, bất khuất
Ngay từ số đầu tiên (ngày 10.8.1927) của báo Tiếng Dân, Chủ bút Huỳnh Thúc Kháng đã viết lời tuyên ngôn súc tích mà vô cùng độc đáo cho tờ báo của mình: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Đây là lời tuyên cáo công khai và quyết liệt trước chế độ thực dân bóp nghẹt mọi quyền tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận. Đây cũng là lời khẳng định về quyền tự do thiêng liêng của con người mà không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền được tự do suy nghĩ và giữ tròn khí tiết, phẩm chất của mình. Hai năm sau, trên báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh khẳng định một lần nữa cái quyền đáng phải có nhưng bị tước đoạt và cái quyền không ai có thể tước đi được của mình: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”.
Suốt 16 năm làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng luôn kiên định tôn chỉ tờ báo và giữ vững khí tiết của người làm báo chân chính. Có lần, báo Tiếng Dân không chịu đăng nguyên văn một bản tin của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ nhờ đăng. Khâm sứ Trung Kỳ lúc bấy giờ là Jabouille đã gọi điện thoại đòi đóng cửa tờ báo. Cụ Huỳnh đã cười và trả lời: “Tôi nghĩ việc cho đăng hay không đăng một bài báo là quyền của chủ nhiệm báo cũng như cho xuất bản hay đóng cửa một tờ báo là quyền của chánh phủ. Nay quan lớn cất cái quyền ấy của tôi thì chẳng khác nào quan lớn đã đóng cửa tờ báo Tiếng Dân rồi vậy. Mà tôi cũng không trông mong gì hơn, vì dưới quyền ngôn luận quá chật hẹp, tôi thấy cái nhiệm vụ của tôi đối với nhân dân quá sức nặng nề”. Nghe thế, Khâm sứ Trung Kỳ đành im lặng ngậm bồ hòn làm ngọt.
Trong bức thư ngày 29.4.1947 gửi cho toàn thể đồng bào sau ngày tạ thế của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bác Hồ viết: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai võ không làm sờn gan. Cả đời cụ không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Tự hào thay chí khí khảng khái, bất khuất của một nhà báo bậc thầy người xứ Quảng! Chí khí ấy đáng cho những người làm báo hôm nay và mai sau ngưỡng mộ và học tập!
VÂN TRÌNH