Hằng năm vào tháng Chạp, người dân xã Bình Phục (Thăng Bình) tất bật thu hoạch củ kiệu để bán ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Năm nay kiệu được mùa nhưng rớt giá nên thu nhập của người dân giảm đáng kể.
Chúng tôi đến thôn Tất Viên (xã Bình Phục) khi người dân đang khẩn trương thu hoạch kiệu bán cho thương lái. Ông Võ Văn Quốc (nông dân địa phương) cho biết, tháng Bảy âm lịch, gia đình ông xuống giống 3 sào kiệu, sau gần 5 tháng chăm sóc, kiệu bắt đầu cho thu hoạch củ.
Ông ngồi dùng chiếc lưỡi hái tự chế được gắn vào thanh gỗ để cắt bỏ phần lá, chừa lại gốc và củ khoảng 5 - 7cm và giũ sạch lớp đất cát. Thương lái đến tận ruộng để thu mua kiệu nên không lo ngại về khâu vận chuyển và tìm thị trường.
“Năm nay mưa trễ và kéo dài khiến việc bón phân cũng không đúng thời điểm, cây kiệu chậm phát triển, củ kiệu không đủ độ già và nhẹ ký. Mấy năm trước, kiệu được mùa được giá nên bán được khoảng 40 triệu đồng, còn năm nay, giá thấp gần một nửa nên thu nhập sẽ giảm đáng kể” - ông Quốc cho biết.
Cách ruộng kiệu của ông Quốc khoảng 100m, gia đình ông Phan Sĩ (thôn Tất Viên) cũng đang thu hoạch kiệu.
Ông Sĩ cho hay, năm 2022 với 6 sào kiệu đến thời điểm thu hoạch, thương lái thu mua với giá 45 nghìn đồng/kg, nguồn thu đem lại cho gia đình ông hơn 15 triệu đồng/sào. Năm nay, mới đầu mùa nhưng thương lái thu mua kiệu chỉ có 25 nghìn đồng/kg (loại 1), còn loại 2 - 3 chỉ có khoảng 20 - 22 nghìn đồng/kg.
“Kiệu trồng trên vùng cát trắng nên năng suất khá cao, củ có mùi thơm ngon và được thương lái khá ưa chuộng. Tôi trồng kiệu chủ yếu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán vì thời điểm này người dân hay mua về muối chua để ăn cùng với bánh chưng, tét trong ngày tết. Cũng nhờ trồng kiệu mà thu nhập ổn định và có tiền chi tiêu cho sinh hoạt của gia đình trong dịp tết” – ông Sĩ nói.
Bà Lê Thị Chính (xã Bình Phục) chuyên thu mua củ kiệu cho biết, năm nào cũng vậy, từ tháng Chạp trở đi là bà bắt đầu thu mua củ kiệu của người dân Thăng Bình. Giá củ kiệu dao động tùy vào thị trường. Năm nay, bà mua củ kiệu với giá từ 22 - 26 nghìn đồng/kg.
“Hiện tại tôi mua 2 tấn củ kiệu của người dân, gần Tết Nguyên đán sẽ mua thêm 5 - 6 tấn. Sau khi thu mua củ kiệu về sẽ phân loại và cung cấp cho thị trường ở các tỉnh thành như Đà Lạt, Quảng Ngãi, Đà Nẵng” – bà Chính nói.
Được biết, năm 2023 ở xã Bình Phục có khoảng 140ha đất trồng kiệu và phần lớn được canh tác ở thôn Tất Viên. Người dân trồng kiệu để cung cấp ra thị trường dịp Tết Nguyên đán, giá kiệu khá bấp bênh vì phụ thuộc vào thị trường, nhưng so với trồng lúa thì kiệu đem lại năng suất cao hơn gấp 2 - 3 lần.