Trong tuần này, có nhiều sự kiện liên quan đến công tác dân vận của Đảng như tròn 25 năm ngày Dân vận của cả nước (15/10/1999 - 15/10/2024). Quảng Nam cũng sẽ tổng kết 15 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Trong giai đoạn 2009 - 2024, trên địa bàn tỉnh, hàng nghìn mô hình “Dân vận khéo” ở các địa phương ra đời và được đánh giá là hoạt động hiệu quả và có thể nhân rộng.
Đơn cử, Tam Kỳ 1.192, Hiệp Đức 266, Thăng Bình 297, Điện Bàn 658… Các mô hình ở hầu khắp lĩnh vực, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng.
Như ở Tam Kỳ, mô hình về bồi thường - giải phóng mặt bằng - tái định cư, vận động nhân dân hiến đất mở rộng, cải tạo đường liên thôn, liên xã, kiệt hẻm nội thị được đánh giá rất cao. Với Điện Bàn là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Với Phước Sơn là các mô hình xoay quanh việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống…
Trên bình diện chung, có thể nói, công tác dân vận đã có nhiều thay đổi, nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới thường xuyên. Cách làm cũng đã hướng mạnh về cơ sở, bám sát dân, bám chắc địa bàn. Người làm công tác dân vận đã chủ động nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cho cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết.
Trong tuần này, tại Hà Nội cũng sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Chủ đề của Đại hội là “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”. Trong 6 chương trình hành động của đại hội lần này, có đến một nửa liên quan đến công tác dân vận.
Đó là “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”; “Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua”; “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”.
Để làm tốt những chương trình này, vai trò nòng cốt chính trị của dân vận chính quyền, dân vận của Đảng phải được đặt ở vị trí then chốt. Trăm nghe không bằng một thấy. Trăm thấy không bằng một làm. Bởi nếu chỉ nói hay mà dân nhìn vào guồng máy của chính quyền cứ ì ạch, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội vẫn hành chính hóa thì sẽ tác dụng ngược.
Một lãnh đạo ở Ban Dân vận Tỉnh ủy, cách đây hơn 15 năm, thời điểm ông về hưu, có chia sẻ rằng, để công tác dân vận tốt thì cấp ủy, chính quyền cần tổ chức tốt công tác tiếp dân, phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp trong việc đối thoại với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Các địa phương, cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết hiệu quả, dứt điểm đơn thư, khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, không để phát sinh điểm nóng. Và quan trọng là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, tăng chỉ số hài lòng của người dân, đơn vị về sự phục vụ của các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Ông nói thêm, nghe thì có vẻ rất… lý thuyết, bởi những điều này, luôn được nhắc đi nhắc lại trong hệ thống chính quyền các cấp, trong các cuộc họp, trong báo cáo tổng kết. Tôi cam đoan 20 năm sau vẫn còn nhắc. Thế nhưng làm được là cả quá trình dài bởi thực tế luôn muôn hình vạn trạng.
Trách nhiệm của cấp ủy và tổ chức đảng về tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy ở địa phương với nhân dân đã được thể chế hóa từ Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị. Do đó, việc dân vận cứ làm đi, rồi sẽ hay. Hay là TỐT để tiếp tục phát huy hoặc hay là BIẾT, biết như thế nào để điều chỉnh. Cứ lấy gốc rễ vì dân, làm đi, rồi sẽ hay.