Cù lao mùa biển động

Ghi chép của MINH QUÂN - XUÂN THỌ 21/01/2017 06:51

Cù lao mùa biển động. Người hết đứng lại ngồi, rồi đi ra, đi vào. Cơ chừng chưa đủ, thở dài ngó ra biển nước lưng trời. Làm dân đảo, mới hiểu cái cảnh biển động nó tù túng thế nào.

Người Bãi Hương đi biển về. Ảnh: XUÂN THỌ
Người Bãi Hương đi biển về. Ảnh: XUÂN THỌ

Nhưng đâu đó ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An), trên vài khuôn mặt hoài niệm, thì đây đích thực là đảo của những ngày chưa quá xưa - những ngày du khách chưa rầm rập kéo ra.

1. Đôi mắt người thuyền trưởng chăm như cú, hết nhìn trước, thì sang phải, rồi trái. Bằng kinh nghiệm mấy chục năm lênh đênh trên biển của mình, ông đang cố kiếm tìm những nơi biển bị cát bồi lấp, để tránh xa chúng. Đó thực sự là một công việc khó khăn, một công việc đòi hỏi sự nhạy bén của óc phán đoán và chính xác của đôi tay tài nghệ! Ai không đi Cù Lao Chàm những dịp này, sẽ chẳng thể nào hình dung nổi cái sự ảnh hưởng của việc bồi lấp cửa biển Cửa Đại, cũng như sự lao đao của người dân xã đảo. Thế mới có chuyện, được hôm biển êm, mà cửa biển bồi lấp dữ quá, tàu không ra đảo được, ức còn hơn biển động! Hôm ấy, là chuyến tàu ra đảo đầu tiên của năm 2017, khi tháng một sắp được một phần ba chặng đường. Còn tính chung, là chuyến thứ 3 trong vòng một tháng qua. Nên dù chưa hết công suất chở hàng, nhưng phải đợi tàu thoát khỏi mấy cái luồng lạch bị bồi đắp nhiều nhất, mới cho thuyền nhỏ tiếp thêm hàng hóa. Trên tàu, người ta đang chở tết ra đảo! Với đủ loại hàng hóa, bánh kẹo, cùng hoa tết.

Vào thời điểm ấy, còn hơn hai chục ngày nữa mới đến tết, mà thấy thời tiết ẩm ương quá, nên đưa hàng tết ra sớm cho chắc ăn. “Chớ có năm nghĩ chắc “ổng” làm mình làm mẩy mấy hôm là xong, là khi ấy hẵng sắm tết. Rứa mà “ổng”… dai như đỉa, tết buồn thúi ruột” - một bà già hài hước. Vậy mà vừa thoát khỏi cửa biển thì mưa. Hết mưa thì mây mù giăng kín lối, phải mở la bàn. Kệ… lái tàu, họ nói chuyện tết, về cái tết đầu tiên có điện lưới quốc gia. Hẳn là vui! Nhưng niềm vui còn trong mường tượng ấy bị lấp qua ít nhiều, khi một anh chàng đang chăm chăm lướt smartphone nãy giờ, đột ngột lên tiếng: Lại sắp có áp thấp nhiệt đới ở phía nam, không khí lạnh tăng cường ở miền bắc, chúng ta ở giữa, bị ảnh hưởng là cái chắc.

Tàu cập cảng, Cù Lao Chàm như tươi tỉnh hẳn sau mấy giấc ngủ nướng kéo dài. Cái không khí chộn rộn đâm chồi những nụ cười xuân, vui tươi. Giả sử không có chân, thì ắt hẳn rằng đảo sẽ bị chìm nơi phía cảng, khi lượng người đổ dồn về đây rất nhiều. Là lúc họ mang mùa xuân từ đất liền ra, góp nên cái tết đủ đầy cho đảo.
2. Rồi khi cơn chộn rộn đi qua, cù lao trở nên vắng lặng, tựa những ngày xưa cũ. Từ đôi mắt của một lão ngư luống tuổi, hình như đó mới đúng là cù lao của ông, cù lao của những ngày chưa quá nhộn nhịp bước chân du khách. Âu cũng là lẽ thường trong tâm trí của những người già. Người già, luôn hoài niệm về ngày rất xưa cũ. Đêm ở lại một nhà dân, cũng nghe được những lời tâm sự như thế. Ông đã quá già để tiếp tục rong ruổi trên biển. Cù lao mùa biển động, nên nhớ chỉ là biển động, chứ không gió máy bão bùng, ông thấy bình yên đến lạ. Vì chỉ có mùa này, đảo mới không có du khách ra, đảo mới bình lặng như đã từng. Là tuổi già lâu lâu thích thế, chớ biển động dài ngày là đâm ra thấy… chán. “Vì răng?” - tôi hỏi. Ông đáp: “Vì thèm thấy… khách du lịch”. À, ra thế. Khi hiện tại, người ta thích nhớ về quá khứ cũ mèm. Rồi khi cái quá khứ cũ mèm bày biện ra đấy, thì đâm chán chê. “Nhưng mà mỗi năm biển động một vài lần thôi, mỗi lần vài ba ngày thôi, cho đỡ nhớ ngày xưa là được. Chứ chừ thành đảo du lịch rồi, động địa liên miên thế này thì dân khổ, tết nhứt đến nơi rồi chớ thong thả gì đâu” - ông nói.

Tranh thủ lúc biển êm, các chiến sĩ đưa quật cảnh trang trí tết. Ảnh: MINH QUÂN
Tranh thủ lúc biển êm, các chiến sĩ đưa quật cảnh trang trí tết. Ảnh: MINH QUÂN

Chúng tôi cố xin ông cái tên, ông bẽn lẽn: “Lên báo à? Thôi, kỳ lắm. Mà ưng kể chuyện chi, thì tôi kể”. Chưa định hỏi thêm điều gì, thì ông vỗ đùi cái đốp, rồi “à” một tiếng rõ to, đoạn chỉ tay lên bóng điện, xong chìa tay đeo đồng hồ: “Cách đây mấy tháng, giờ chừ là điện đóm tối thui rồi, có còn sáng choang như ri mô”. À, ý ông khoe bây giờ Cù Lao Chàm có điện lưới quốc gia hẳn hoi. Ông nhớ cái hồi điện sắp kéo xong, dân đảo kéo nhau mua tivi, máy điều hòa, tủ lạnh… Riêng nhà ông, chả mua gì. Nhưng, nói theo cách của ông, là nhà ông có cái sướng riêng. Là ý ông nói về cái nghề bán đồ ăn sáng của vợ cho cánh đi biển sớm. Hồi… gần xưa, nửa đêm là vợ ông hoặc bình ắc quy, hoặc đèn dầu lụi hụi dưới bếp để nấu xôi, nấu cháo cho kịp ba, bốn giờ sáng cánh đi biển sớm ghé vào làm nghĩa vụ với dạ dày trước khi ra khơi. “Chừ thì sướng hung, với tay bật công tắc một phát là sáng trưng, tha hồ củi lửa” - vợ ông nói. Quả thật hôm ấy, mới gần 3 giờ sáng, đã nghe ngư dân í ới nhau, kéo ghế húp cháo, ăn xôi. Xong kéo nhau đi biển. Tầm một tiếng đồng hồ sau, tức là gần 4 giờ sáng, thêm một nhóm như thế nữa.

Hồi… xưa hơn một tí, Cù Lao Chàm chỉ có điện mấy tiếng đồng hồ từ 6 giờ rưỡi tối đến 10 giờ rưỡi khuya. Sau này, khi khách ra đảo nhiều, thì thêm vài tiếng đồng hồ từ trưa đến đầu giờ chiều có điện. Thật ra thì máy phát điện có thể cung ứng tạm đủ nhu cầu. Nhưng “nó” uống dầu dữ quá, tiền đâu mà bù lỗ? Nhớ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng thế, đem máy phát điện từ đảo Phú Quốc (Kiên Giang) về, mà có khi nào chạy quá 70% công suất đâu; đó là chưa kể, các xã phải luân phiên nhau đêm có điện, đêm không… Từ xa vọng tiếng karaoke, như là phút thư giãn của cả năm quần quật. “Chừ thì hát mỏi nghỉ thôi, chớ có dám thách hát đến khi mô tắt điện mới nghỉ nữa đâu” - ông Huỳnh Hanh (66 tuổi) vừa nói vừa cười. Trước khi có điện lưới quốc gia về, phần văn nghệ của đám cưới ở Cù Lao Chàm thường bắt đầu từ lúc có điện lúc chiều tối. Dân biển mà, được hôm cưới hỏi, phải chơi cho ra trò, là đến khi nào tắt điện, tức là gần khuya, mới nghỉ. Lâu ngày quen miệng, đến hôm có điện lưới quốc gia rồi, trong đám cưới cũng thách lời “khi mô tắt điện thì nghỉ” xong mới giật mình, vì hát cho đến lúc ấy thì liệu mình có còn… thở nữa không?

3. Hôm sau, trên đường qua Bãi Hương, thấy bầy khỉ ngang nhiên ngồi giữa đường ù té chạy. Cũng hơn một năm trước, khi qua đoạn này, thì bọn chúng trên mấy ngọn cây gọi nhau chí chóe như chọc ghẹo du khách. Cũng như Bãi Làng, mùa biển động Bãi Hương cũng yên ả không kém. Vừa lúc mấy người chèo thuyền thúng vào, trên thúng trống trơn. Tưởng là lỗ tiền dầu, thì ông Phạm Dũng ới lên: “Được ít mực cá bán cho đầu nậu được mấy trăm ngàn rồi”. Xong, cười đúng điệu dân biển.

Ở những vùng biển khác, mà so sánh gần hơn là những đảo như Lý Sơn, thì mỗi khi biển động, giá cả của mấy loại hải sản thi nhau tăng vọt. Vì ngư dân không thể ra khơi, mà chỉ có thể dùng lưới thanh ba, ba màn để đánh bắt cá gần bờ. Còn mùa biển động với Cù Lao Chàm, thì giá cả lại sụt giảm hơn so với bình thường. Hỏi mới biết, là phụ thuộc vào du khách. “Biển động, không có ông khách mô ra chơi cả, thì bán cho ai?”- ông Dũng hỏi ngược. “Thế dân mình không ăn à?” - chúng tôi hỏi. “Ăn chứ răng không. Nhưng ở đây phần lớn là dân biển mà, vả lại, thích thì cầm cần câu ra cảng một tí, là có mấy con cá con mực rồi” - ông Dũng nói.

Ngó ra ngoài, biển đang lặng sóng, và mong rằng biển đừng động nữa, để họ còn được ra khơi và trở về với những nụ cười đón tết. Thì như vậy, cái tết đầu tiên có điện lưới quốc gia của họ mới được viên mãn…

Ghi chép của MINH QUÂN - XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cù lao mùa biển động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO