Cụ Phan Khôi với tuần báo Sông Hương

TRẦN ĐÌNH HẰNG 05/07/2020 06:49

Kinh đô Huế hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là tâm điểm điển hình cho vấn đề giao lưu, tiếp xúc văn hóa và văn minh Việt - Pháp, thể hiện rõ trên nhiều phương diện, nhất là tư tưởng. Khát vọng canh tân xứ sở dẫn tới nhiều hoạt động mạnh mẽ, đặc biệt trên phương diện báo chí, nổi bật với nhiều đại diện như Tiếng Dân, Thần Kinh tạp chí, Sông Hương tuần báo...

Sông Hương tục bản, số 1, ngày 19.6.1937. Ảnh: Thư viện Quốc gia
Sông Hương tục bản, số 1, ngày 19.6.1937. Ảnh: Thư viện Quốc gia

Có thể coi Sông Hương tuần báo là một dẫn chứng, góc nhìn sinh động về đời sống văn hóa tư tưởng ở Kinh đô Huế đầu thế kỷ 20, với dấu ấn sáng lập của Phan Khôi - một người con xứ Quảng. Tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt, Hồ sơ 1660) cho biết tôn chỉ, quá trình hình thành - hoạt động, nguyên nhân đình bản sau một thời gian ngắn.

1. Phan Khôi sinh ngày 6.10.1887 tại làng Bảo An (Điện Quang, Điện Bàn), trong một gia đình khoa bảng... Ông thừa hưởng tinh hoa Hán học, đỗ tú tài năm 18 tuổi, nhưng đã sớm chuyển qua tân học với Quốc ngữ, tiếng Pháp và văn minh phương Tây (tham gia Phong trào Duy tân, dám cắt tóc ngắn...). Ông ra Hà Nội tham gia Đông kinh nghĩa thục (1907), học tiếng Pháp, học trường Pellerin (Huế), mở lớp dạy học ở quê. Sau đó, ông làm cho Công ty vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi (Hải Phòng), được Nguyễn Bá Trác giới thiệu lên Hà Nội viết cho Nam phong tạp chí (Phạm Quỳnh), vào Sài Gòn viết cho Lục tỉnh tân văn. Đến năm 1920, ông trở ra Hà Nội, viết cho tờ Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh tạp chí. Những năm 1928 - 1933, Phan Khôi sống tại Sài Gòn, viết cho Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân văn... để lại dấu ấn nổi bật với nhiều tranh luận về học thuật, chính trị, văn hóa. Năm 1933, ông trở lại Hà Nội, viết cho Thực nghiệp dân báo với vấn đề giải phóng phụ nữ, duy vật - duy tâm...

Năm 1935, ông vào Huế làm chủ bút tờ Tràng An và đầu năm 1936 đứng ra sáng lập tuần báo Sông Hương, duy trì được 37 số và về sau từng bước chuyển giao cho nhóm của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.

Hồ sơ tuần báo Sông Hương cho biết Tú tài Phan Khôi từng bị tòa án Quảng Ngãi kết án 3 năm khổ sai (bản án số 59 ngày 9.6.1908) do tham gia biểu tình và cũng đã bị hủy bằng tú tài. Sau khi được đặc xá dịp Tết Tân Hợi (1911), tham gia biên tập cho nhiều tờ báo ở Nam Kỳ và đến năm 1923, mới được cấp lại bằng tú tài, làm cho “ông ta không còn quan tâm đến vấn đề chính trị nữa”. Tháng 3.1935, ông là chủ biên tờ Tràng An tại Huế nhưng tháng 1.1936, lại nghỉ việc do những quan điểm bất đồng giữa chủ bút và giám đốc.

Ngày 6.3.1936, Phan Khôi có đơn gửi Toàn quyền Đông Dương xin xuất bản tuần báo Quốc ngữ Sông Hương (La Rivière des parfums), với tôn chỉ là “viết về các vấn đề khoa học, nghệ thuật và văn học, ngoại trừ các vấn đề liên quan đến chính trị Đông Dương và Trung Kỳ”. Sở Mật thám Trung Kỳ và Bộ Lại đồng ý, Khâm sứ Trung Kỳ có công văn gửi Toàn quyền Đông Dương đề nghị xem xét cấp phép và được đồng ý sau 3 tháng. Theo đó, nhà báo Phan Khôi xuất bản tại Huế tuần báo Sông Hương, trụ sở tại 60 đường Jules Ferry - Huế (Lê Lợi ngày nay), ra số đầu tiên ngày 1.8.1936 (Quyết định 3120, ngày 3.6.1936). Tuy nhiên, báo ra đến số 32 thì tạm ngừng, đến ngày 31.5.1937, vì lý do sức khỏe, Phan Khôi giao quyền quản lý cho ông Nguyễn Cửu Thạnh bằng một hợp đồng ký tay (không công chứng). Sông Hương tục bản ra đời, Phan Khôi vẫn là sáng lập viên hợp pháp nhưng Nguyễn Cửu Thạnh chủ nhiệm.

2. Số 1 Sông Hương tục bản ra ngày 19.6.1937, khổ 40 x 32,5cm và 49 x 42,5cm, có 4 trang, giá mỗi số 2 xu, xuất bản số 14 vào ngày 14.10.1937 thì bị đình bản (quyết định 4137 ngày 11.10.1937 của Toàn quyền Jules Brévier). Hồ sơ cho biết sự phức tạp từ tờ báo. Công văn mật số 1719 ngày 15.7.1937 của Lê Thanh Cảnh và Nguyễn Quốc Túy gửi Khâm sứ Trung Kỳ cho biết ông Nguyễn Cửu Thạnh đã xuất hiện bất hợp pháp trong tờ báo khi chưa được Toàn quyền Đông Dương xác nhận, thậm chí là lợi dụng tình hình để lôi kéo những nhà báo không chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Cửu Thạnh phải có văn bản phúc đáp công văn của Khâm sứ Trung Kỳ, nói rõ đã có hợp đồng ký kết với ông Phan Khôi và ông không có tham vọng thế chân quản lý tờ báo để chịu trách nhiệm mà khi chuyển giao, chỉ muốn chia sẻ một phần trách nhiệm trên phương diện thương mại và pháp luật bởi ông Phan Khôi vẫn là giám đốc chính thức. Cho nên, để tránh những điều phiền phức không hay xảy ra thì kể từ số báo thứ 5, Phan Khôi vẫn đứng tên chủ bút.

Công văn Khâm sứ Trung Kỳ gửi ông Phan Khôi cho biết đã có hợp đồng ngày 31.5.1937 về việc chuyển giao chức quản lý tờ báo từ ông Phan Khôi sang ông Nguyễn Cửu Thạnh, dù không công chứng. Văn bản cũng nhấn mạnh thỏa thuận giữa hai ông sẽ không làm thay đổi quyết định của Toàn quyền Đông Dương và ông Nguyễn Cửu Thạnh là người quản lý tờ báo. Cho nên, số báo đầu tiên của série mới xuất hiện tại Huế ngày 19.6.1937 và ban chủ nhiệm tờ báo được chuyển đến địa chỉ số 68 đường Jules Ferry.

3. Xuyên suốt nội tình vẫn là vấn đề an ninh chính trị, bởi theo công văn số 2154 ngày 1.7.1937 của Giám đốc Sở Cảnh sát Trung Kỳ gửi Khâm sứ Trung Kỳ thì Sở Mật thám vẫn nghi ngờ về tính hợp pháp của việc thay đổi nhân sự quản lý tờ báo bởi chưa được chính quyền chứng thực. Hơn nữa, “ông Nguyễn Cửu Thạnh đã giao du với nhóm cộng sản Nguyễn Khoa Văn. Sở Mật thám đã báo hiệu một vài thay đổi kể từ khi chức quản lý được giao cho ông Nguyễn Cửu Thạnh”, nhất là “Chắc chắn tờ báo Sông Hương sẽ thay thế những tờ báo không còn tồn tại như là Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn và cho phép nhóm Hương Giang tiếp tục tuyên truyền cách mạng”.

Tình hình ngày càng căng thẳng khi Cảnh sát Trung kỳ vào cuộc, đòi thu hồi giấy phép. Đến ngày 9.9.1937, Giám đốc Sở Cảnh sát và An ninh Trung kỳ đã có công văn số 243ss gửi Khâm sứ Trung Kỳ, kèm bản dịch 6 bài báo, dù Khâm sứ đã có cảnh báo và tờ báo đã cam kết không đề cập vấn đề chính trị, nhưng lãnh đạo tờ báo “có vẻ xem thường chính quyền”, nên để “không phải mất mặt thêm một lần nữa thì điều cần thiết là phải trừng phạt, đề nghị thu hồi giấy phép xuất bản” (công văn số 1079 ngày 2.10.1937 của Khâm sứ Trung Kỳ). Chỉ 9 ngày sau, Toàn quyền Đông Dương có quyết định số 4137 ngày 11.10.1937 thu hồi giấy phép xuất bản kể từ ngày 14.10.1937.

Dù tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng tờ báo Sông Hương đã để lại dấu ấn quan trọng ở đất kinh kỳ. Phân tích nội dung lịch sử, văn hóa và khoa học của tờ báo sẽ thấy nhiều đóng góp quan trọng, cả trên phương diện tư liệu lẫn học thuật, tư tưởng, chuyển hướng dần từ mục đích kinh tế, chuyển hóa, thu hút những người yêu nước lựa chọn để làm vũ khí sắc bén trong đấu tranh giải phóng dân tộc trên mặt trận báo chí tư tưởng, học thuật đương thời.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cụ Phan Khôi với tuần báo Sông Hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO