(QNO) - Tài liệu cổ coi củ ráy có vị nhạt, tính hàn, độc nhiều, ăn vào gây ngứa miệng và họng.
Cây ráy. |
Ráy là loại cây mềm trông giống như cây mùng hoặc cây khoai sáp, thân hình bẹ cao 0,3 - 1,4m nhưng phía dưới bò trên đứng, lá to hình tim, cuống lá to dài 30-60cm, mọc hoang ở rừng, bờ khe suối, củ có vỏ màu vàng nâu, nếu cắt củ ra chà vào da ngứa không chịu nổi.
Tài liệu cổ coi củ ráy có vị nhạt, tính hàn, độc nhiều, ăn vào gây ngứa miệng và họng.
- Chữa bệnh thống phong (gout): trong nhân dân người ta dùng củ ráy cắt bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, phơi khô (nếu dùng tươi phải ngâm lâu trong nước), sao vàng, lấy khoảng 50g. Quả chuối hột chín thái mỏng, sao vàng 30g. Cho cả hai thứ vào 1 bát nước sắc uống. Dùng như vậy liên tục hàng tháng, bệnh thống phong sẽ không tái phát.
- Chữa trị cảm hàn: Người sốt cao, lấy củ ráy tươi cắt đôi chà thử vào mu bàn tay, nếu không ngứa thì dùng nửa củ đó chà khắp xương sống và chà khắp lưng. Còn một nửa thái mỏng đun với nước thật sôi, uống lấy 1 bát. Làm khoảng 5 lần như vậy bệnh sẽ khỏi.
- Đi rừng nhỡ chạm phải lá han gây ngứa tấy, cắt lấy nửa củ ráy chà vào chỗ ngứa do lá han, sẽ khỏi.
- Chữa chàm (eczema): Lấy một củ ráy khoét lõm thành cái nồi. Bắt 1 con bọ hung đem nướng cháy thành than, nghiền thành bột, và dùng 10g diêm sinh nghiền nhỏ, trộn lẫn vào bột bọ hung tán. Lấy 1 chén dầu lạc đổ vào “nồi” củ ráy khoét lõm, bắc lên bếp (đặt trên miếng nhôm hoặc sắt) đun cho dầu sôi lên. Đổ hỗn hợp bột nói trên vào “nồi” củ ráy khuấy đều khoảng 15 phút, bắc xuống để nguội. Dùng lông gà sạch tẩm hỗn hợp trên bôi vào chỗ bị chàm, bôi đều từ ngoài vào trong mỗi ngày một lần, cho đến khi khỏi. Thông thường bôi 5 ngày là khỏi.
Tại Quảng Tây, Trung Quốc, người dân còn dùng củ ráy sắc uống chữa sốt rét, thũng độc, cũng có hiệu quả.
Theo suckhoedoisong.vn