Hôm qua, các báo đưa tin UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia họp báo về việc tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng số 216 Trần Quang Khải, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo đó, từ ngày 20.1.2019 triển lãm bắt đầu và sẽ kéo dài trong vòng một năm. Tại triển lãm này, Kon Tum tổ chức giới thiệu về các dược liệu quý, các sản vật của núi rừng Kon Tum, đặc biệt là sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Theo chỉ dẫn địa lý mà Bộ KH&CN công bố, đã định danh Sâm Ngọc Linh, nên tôi khá chưng hửng khi đọc chủ đề cuộc triển lãm là “Sâm Ngọc Linh Kon Tum”.
Tôi gọi điện cho ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My hỏi ông có biết thông tin về cuộc triển lãm thú vị cho chuyện quảng bá sâm Ngọc Linh? Không trả lời trực tiếp, ông Bửu chia sẻ rằng, gần như các cuộc liên quan đến sâm Ngọc Linh, phía huyện đều mời bên Kon Tum; nhưng ngược lại thì phía Kon Tum luôn… một mình một ngựa. Ở tầm của cấp huyện, ông không thể can thiệp hay làm gì hơn được. Cũng rất hiếm hoi việc hai tỉnh ngồi lại với nhau để bàn chuyện... củ sâm; mà trung ương thì lại không chủ trì cho việc này.
Sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia, nhưng cả Quảng Nam và Kon Tum đều có vẻ mạnh ai nấy làm.
Chuyện thống kê và so sánh trữ lượng, diện tích trồng hay mật độ phân bố của hai địa phương có sâm, có lẽ nên phục vụ cho việc nghiên cứu chiến lược đầu tư cho cây sâm, để vươn ra tầm quốc tế, thay vì chỉ để so sánh hơn thua. Nếu tự giới hạn một cách cơ học “Ngọc Linh – Kon Tum” hay “Ngọc Linh – Quảng Nam” ngay trong tư duy, e rằng khó đưa cây sâm đi xa. Nhất là trong chiến lược đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm hàng hóa. Hay ví như, việc nghiên cứu chiết xuất dược phẩm hoặc mỹ phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Một tiến sĩ (công tác tại Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh) từng tham gia dự án chiết xuất dược phẩm từ lá sâm Ngọc Linh chia sẻ rằng, bước đầu đã thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp không thể tiếp tục đầu tư thành phẩm đưa ra thị trường vì giá sâm quá đắt đỏ. Ông đưa so sánh, 1 ký củ sâm tươi Hàn Quốc có giá dao động 2 - 5 triệu đồng, trong khi sâm Ngọc Linh là 100 triệu đồng; khi chiết xuất ra thì mùi cũng như nhau (chỉ có người thực sự sành sỏi mới phân biệt được). “Vậy tôi hỏi bạn, doanh nghiệp họ sẽ chọn loại nào?”. Ông hỏi tôi, thay cho câu trả lời vì sao dừng việc chiết xuất dược phẩm.
Trở lại câu chuyện cục bộ địa phương của Kon Tum, tự dưng nhớ câu slogan của giới trẻ: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”. Chỉ có quốc bảo sâm Ngọc Linh của Việt Nam, làm gì có quốc bảo của riêng Quảng Nam hay Kon Tum. Đã có rất nhiều hội thảo (và cả cơ chế) về liên kết vùng duyên hải miền Trung để tính chuyện phát triển du lịch, cảng biển, khu công nghiệp và cả “hậu phương công nghiệp” cho các tỉnh trong khu vực. Có lẽ, cần thêm một “liên kết vùng” để có thể đầu tư mạnh hơn cho sâm Ngọc Linh.
C.B.L