Việc con tàu vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới, mang tên SpaceShipTwo (SS2) bị nổ tung trên bầu trời vào cuối tuần qua thực sự là một nỗi đau cho ngành du lịch không gian.
Chỉ sau vài phút được thả khỏi máy bay mẹ WhiteKnightTwo, SS2 thuộc Hãng chế tạo tàu Virgin Galactic của tỷ phú người Anh Richard Branson khởi động, động cơ tên lửa bị nổ tung khi đang ở độ cao 13,7km, rơi xuống sa mạc Mojave, bang California (Mỹ). Vụ tai nạn trên làm một phi công chết và một phi công kịp nhảy dù vẫn mang theo nhiều vết thương nghiêm trọng. Đáng chú ý bởi đây là vụ bay thử lần thứ 55 của SS2 và là lần thứ 35 nó tách khỏi máy bay để bay một mình.
Các cơ quan chức năng tiếp cận với đống đổ nát của SS2. |
SS2 là phiên bản dành cho các chuyến bay thương mại, được phát triển từ SS1 - tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên đã bay lên tới biên giới của không gian vào năm 2004. Nếu các chuyến bay thử nghiệm thành công thì đến năm 2015, SS2 sẽ đưa 6 vị du khách đầu tiên lên không gian. Được biết, hiện hơn 800 khách hàng đã mua giá vé 250 nghìn USD/người để được du hành trong vài phút cùng tàu SS2 ở độ cao 100 nghìn mét, có thể rời khỏi ghế ngồi và ngắm trái đất qua các ô cửa sổ hay tận hưởng cảm giác không trọng lượng, như trở thành những phi hành gia thực thụ. Bởi thế, vụ tai nạn của SS2 khiến không ít các du khách không gian lo lắng.
Ngay sau vụ tai nạn, ông Richard Branson thừa nhận, đó là một ngày tồi tệ đối với Virgin Galactic và đối với ngành du lịch vũ trụ thương mại. Tuy nhiên, để trấn an khách hàng, Richard Branson tuyên bố vẫn tiếp tục chương trình các chuyến bay thương mại lên không gian. Ông Branson nói: “Chúng tôi vẫn biết rằng con đường lên không gian là cực kỳ khó khăn và mọi phương tiện vận chuyển mới nào cũng gặp khó khăn lúc ban đầu”. Còn Giám đốc cơ quan không gian Mỹ, Charles Bolden động viên: “Các chuyến bay lên không gian là vô cùng khó khăn. Chúng tôi hoan nghênh sự say mê của tất cả những người đã dám chấp nhận những rủi ro để đẩy xa hơn những giới hạn của các thành công của con người”.
Trước mắt, hãng tàu Virgin Galactic thông báo quyết tâm nhanh chóng xác định nguyên nhân tai nạn của SS2 mới đây. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, có thể phải mất nhiều năm nữa mới thực hiện được các chuyến bay thương mại lên không gian để ngành này kiểm tra thêm về độ an toàn của những phương tiện trên. Tại một cuộc họp báo, ông Christopher Har, lãnh đạo Cơ quan an toàn vận tải Mỹ Christopher Har cho biết, quá trình điều tra nguyên nhân vụ SS2 có thể kéo dài đến một năm. Nhiều mảnh vỡ của SS2 trải rộng tới 1,5km và rất nhiều số liệu về chuyến bay thử nghiệm đã được ghi chép lại, phục vụ điều tra. Tuy nhiên, công ty Virgin Galactic vẫn có thể thực hiện các chuyến bay thử nghiệm khác trong thời gian điều tra.
Như vậy, đây là tai nạn thứ hai chỉ trong một tuần, liên quan đến ngành không gian của Mỹ. Trước đó ngày 28.10, Cơ quan vũ trụ hàng không Mỹ đã nhấn nút hủy tên lửa Antares chở tàu vũ trụ không người lái của Tập đoàn Orbital Sciences do phát hiện nó không đi vào quỹ đạo bay sau khi rời bệ phóng, gây ra vụ nổ lớn. Antares mang theo khoảng 2,5 tấn hàng hóa để tiếp tế lên Trạm vũ trụ quốc tế.
KIM OANH