Nông nghiệp

Cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế vườn - trang trại, Quảng Nam nhận diện hạn chế

NHÃ PHƯƠNG 23/01/2025 08:48

Lĩnh vực kinh tế vườn - trang trại trên địa bàn Quảng Nam có rất nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ đã phát sinh khó khăn, cần sớm có giải pháp khắc phục.

z6242954363474_b438f7c70795894af8459092826fce68.jpg
Nhờ cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh, những năm qua người dân trên địa bàn Quảng Nam có điều kiện đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn. Ảnh: N.P

Tạo động lực phát triển

Năm 2017, gia đình ông Nguyễn Văn Thọ ở thôn Bắc An Sơn (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) cải tạo khu đất vườn với diện tích hơn 2.600m2 để trồng 100 cây bưởi da xanh theo hướng chuyên canh.

Ngành nông nghiệp Hiệp Đức và chính quyền địa phương hỗ trợ ông Thọ 13 triệu đồng mua cây giống, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cũng như tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt...

“Nhờ cây giống chất lượng tốt, nguồn nước tưới chủ động, nắm được kỹ thuật chăm sóc nên vườn bưởi của tôi phát triển tốt. Trong 5 năm qua, bình quân hằng năm tôi thu về khoảng 100 - 120 triệu đồng từ tiền bán bưởi” - ông Nguyễn Văn Thọ nói.

z6242954410124_499c3b3816fa04e4c12f6009f6983ae9.jpg
Hằng năm, vườn bưởi da xanh của hộ bà Huỳnh Thị Minh Hoàng ở thôn Bắc An Sơn (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) cho mức thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ảnh: N.P

Ông Mai Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương của huyện nỗ lực triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn - trang trại theo Nghị quyết số 35 (ngày 29/9/2021) của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 29 (ngày 7/10/2021) của HĐND huyện Hiệp Đức.

Thực hiện Nghị quyết số 29 của HĐND huyện Hiệp Đức, trong 3 năm 2021 - 2023 địa phương đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng xây dựng 99 khu vườn ở 10 xã, thị trấn.

Đối với cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh, từ năm 2021 - 2023 Hiệp Đức đã hỗ trợ xây dựng 68 khu vườn trên địa bàn 9 xã, thị trấn với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng.

Năm 2024, ngoài việc tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương của Hiệp Đức còn chi 1,66 tỷ đồng hỗ trợ người dân phát triển mới 33 mô hình kinh tế vườn theo Nghị quyết số 29 của HĐND huyện và 38 mô hình kinh tế vườn theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh.

z6242954369467_e28d0595a793dd02138dc1e53f58f7f4.jpg
Mô hình trồng ổi chuyên canh với quy mô lớn ở thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ảnh: N.P

Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay, từ năm 2022 - 2024, tổng kinh phí đầu tư phát triển lĩnh vực kinh tế vườn - trang trại trên phạm vi toàn tỉnh gần 219 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 108 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện gần 47 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình và dự án hơn 434 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân xấp xỉ 57,4 tỷ đồng…

Đến nay, số vườn được hỗ trợ trên địa bàn Quảng Nam là 1.713/24.850 vườn theo kế hoạch. Tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ riêng cho kinh tế vườn hơn 30 tỷ đồng...

Đối với lĩnh vực trang trại, Quảng Nam đã hỗ trợ phát triển 20 trang trại theo cơ chế của Nghị quyết số 35 với tổng kinh phí từ ngân sách tỉnh hơn 4,7 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 757 triệu đồng và vốn đối ứng từ chủ trang trại hơn 8,2 tỷ đồng…

Nhiều hạn chế

Mới đây, tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn - trang trại trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh thành quả lớn đạt được thì việc triển khai cơ chế này còn phát sinh nhiều hạn chế, vướng mắc.

z6242954368047_ccc6c8239a16ce037bf5ed4cca6f8ca2.jpg
Nhiều sản phẩm từ kinh tế vườn của Quảng Nam được quảng bá, bày bán tại các hội chợ, triển lãm. Ảnh: N.P

Theo đó, công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ có lúc, có nơi chưa được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đúng mức và thiếu tính quyết liệt. Công tác tuyên truyền có lúc chưa được thường xuyên, sâu rộng nên một số người dân chưa hiểu đầy đủ về cơ chế chính sách và mạnh dạn đăng ký thực hiện.

Theo ông Trần Văn Noa, tiến độ triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn - trang trại theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh ở các địa phương chậm so với yêu cầu đặt ra. Công tác giải ngân nguồn vốn có chuyển biến tốt dần qua các năm nhưng tỷ lệ giải ngân bình quân cũng chỉ đạt hơn 70% tổng vốn bố trí từ ngân sách tỉnh.

Đáng chú ý, hiện nay nhu cầu về phát triển kinh tế vườn - trang trại của nhân dân trên địa bàn Quảng Nam rất lớn nhưng nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế. Số lượng trang trại tiếp cận cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh khá thấp.

v.jpg
Hiện nay, nhu cầu về phát triển kinh tế vườn - trang trại của người dân trên địa bàn Quảng Nam rất lớn nhưng nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế. Ảnh: N.P

Nhiều hộ gia đình đăng ký thực hiện mô hình kinh tế trang trại trên đất rừng sản xuất theo quy hoạch 3 loại rừng, bắt buộc phải làm thủ tục chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang đất trồng cây lâu năm nhưng thủ tục pháp lý phức tạp, khó thực hiện.

Một số ý kiến nhìn nhận, sự phối hợp, phân công phân nhiệm giữa các phòng ban, đơn vị ở nhiều địa phương chưa được đồng bộ và kịp thời, nhiệm vụ hầu hết giao cho Phòng NN&PTNT.

Việc xây dựng phương án, dự án sản xuất - kinh doanh là nội dung bắt buộc trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một số địa phương và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ, còn xem nhẹ việc này. Người dân ở một số địa phương gặp khó khăn trong việc xuất hóa đơn, chứng từ dẫn đến giải ngân nguồn vốn chậm.

“Qua kiểm tra vẫn còn một số hộ dân thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây trồng. Một số vườn không duy trì chăm sóc, tưới tiêu thường xuyên dẫn đến cây sinh trưởng và phát triển chậm, có vườn cây trồng bị chết sau hỗ trợ. Các chủ vườn, chủ trang trại chủ yếu tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Đơn vị bao tiêu sản phẩm còn hạn chế dẫn đến đầu ra không ổn định, thiếu tính kết nối và tính bền vững…” - ông Trần Văn Noa nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế vườn - trang trại, Quảng Nam nhận diện hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO