Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra ngày 22.5 đã thực sự là ngày hội của toàn dân. Đây là cuộc bầu cử lớn nhất từ trước tới nay, cử tri đã làm tròn trách nhiệm công dân.
|
Cử tri cao tuổi xã Tam Phước (Phú Ninh) tham gia bầu cử vào ngày 22.5 tại khu vực bầu cử số 5. Ảnh: VĂN CÔNG |
Theo Hội đồng Bầu cử quốc gia, cuộc bầu cử trên cả nước đã kết thúc tốt đẹp. Tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu vào khoảng gần 67/69 triệu cử tri, đạt tỷ lệ 98,79%.
Cuộc bầu cử diễn ra an toàn, dân chủ, công khai Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hầu hết các Tổ Bầu cử đều tuyên bố kết thúc bỏ phiếu theo đúng giờ quy định và đang khẩn trương tiến hành kiểm phiếu để báo cáo kết quả bầu cử đến Ban Bầu cử. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử ở các địa phương cơ bản ổn định. Những người bị tạm giam, tạm giữ đều được tham gia bỏ phiếu và bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Có thể khẳng định, đến thời điểm này, cuộc bầu cử đã diễn ra an toàn tuyệt đối. Việc mở hòm phiếu và việc kiểm phiếu, đếm phiếu đều có sự giám sát của cử tri, báo chí… rất dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng. Đây chính là điểm mới trong thực hiện Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh. |
Cuộc bầu cử lần này diễn ra sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tạo nên một niềm tin vững chắc về đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước. Cuộc bầu cử cũng diễn ra theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 và Luật Bầu cử 2015; bảo đảm Quốc hội là kết tinh của khối đại đoàn kết dân tộc, mở rộng dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Điều đó thể hiện cụ thể bằng số lượng đại biểu đại diện cho mọi thành phần, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi; số lượng người tự ứng cử tăng lên, số đại biểu dân tộc thiểu số theo luật định là 18%, số ứng cử là nữ chiếm 35%... Do đó, mỗi cử tri càng thêm tin tưởng, phấn khởi và trách nhiệm hơn khi cầm lá phiếu để lựa chọn các đại biểu nhân dân.
Cử tri càng trách nhiệm hơn cũng bởi trong khó khăn do thiên tai hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh Bắc miền Trung; khi người dân gồng mình vượt khó bao nhiêu cũng đồng nghĩa với gánh nặng đặt lên vai Chính phủ và chính quyền các địa phương bấy nhiêu. Đồng bào cử tri trong vùng thiên tai đã xiết bao xúc động vì Chính phủ và chính quyền các cấp đã luôn luôn bên cạnh họ; làm điểm tựa vững chắc để mỗi người, mỗi gia đình vượt qua khó khăn. Do đó, lá phiếu bầu của cử tri trong cuộc bầu cử lần này ngoài quyền lợi và trách nhiệm công dân còn có cả nghĩa tình và niềm tin với Chính phủ, chính quyền các cấp.
Tổ Bầu cử thôn Phú Đông, xã Tam Phú (Tam Kỳ) mang thùng phiếu phụ đến tận nhà để bà Phan Thị Nguyệt (bị tật bẩm sinh, không có khả năng đi lại) thực hiện quyền bầu cử. Ảnh: Q.N |
Mỗi người dân đã chia sẻ những lo toan với Chính phủ, cùng chung sức vượt qua khó khăn bằng một niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Tinh thần đại đoàn kết làm nên sức mạnh của toàn dân khiến cho tất cả cử tri không vì việc nhỏ, khó khăn riêng của mình mà quên đi việc làm đại nghĩa, quên đi quyền lợi và nghĩa vụ công dân thiêng liêng của mình. Thực sự cử tri đã đi bầu cử vì tương lai của chính mình. Phương thức vận động bầu cử đã được tiến hành rất thiết thực và phong phú, làm cho cuộc bầu cử có thêm khí thế mới và sức sống mới, mang tinh thần của ngày hội toàn dân.
Mọi cử tri dù ở bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào cũng có điều kiện hiểu rõ tiểu sử và chương trình vận động tranh cử của các ứng cử viên thông qua các phương tiện truyền thông, các tài liệu in và cả tuyên truyền trực tiếp của các cán bộ hệ thống chính trị cơ sở. Cử tri đã được tạo cơ hội và không khí dân chủ, xây dựng, đồng cảm, gần gũi để gửi gắm trực tiếp ý nguyện tới ứng cử viên. Mỗi cử tri cảm thấy tiếng nói của mình đã được những đại biểu nhân dân trong các cơ quan quyền lực Nhà nước lắng nghe. Thông qua vận động bầu cử cũng làm cho các cử tri nhận thức rõ hơn quyền lợi và trách nhiệm khi cầm lá phiếu đi bầu, thấy rõ việc tham gia xây dựng Nhà nước là việc làm thiêng liêng và bình dị của mọi công dân.
Trong ngày bầu cử, cử tri đã tới địa điểm bầu cử sớm nhất với tinh thần dân chủ, trách nhiệm công dân. Những cử tri có hoàn cảnh không thuận lợi thì hòm phiếu đã tới tận nơi. Cũng trong ngày bầu cử, không ít người đang bị tạm giam, tạm giữ, hoặc đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc đều được trực tiếp bỏ phiếu... điều đó thể hiện quyền con người đi cùng quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013.
Số lượng cử tri tham gia bầu cử là chỉ dấu của một cuộc bầu cử; thể hiện sự quan tâm và nguyện vọng của nhân dân vào Nhà nước. Cuộc bầu cử ngày 22.5 đã chứng tỏ cử tri ở khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt thành phần xã hội, tôn giáo, đã được hưởng quyền lợi và làm tròn nghĩa vụ công dân, đặt trọn niềm tin và gửi gắm hy vọng vào các đại biểu nhân dân. Có thể nói cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thành công. Ngày hội của toàn dân đã vẹn tròn.
Cử tri đã làm tròn trách nhiệm công dân.
(Tổng hợp từ vov.vn & chinhphu.vn)